Thứ Tư, 21/03/2012 16:49

Co trạng thái, tỷ giá USD/VND biến động

Sau quyết định co trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND đã có biến động mạnh. Ở đây có một mối liên hệ?

* Từ 02/05, trạng thái ngoại tệ cuối ngày không được quá 20% vốn

Nếu đang có trạng thái ngoại tệ âm trên 20%, ngân hàng sẽ phải tính toán mua vào để cải thiện trạng thái, đảm bảo mức cho phép -20% từ 2/5 tới.

Ngày 20/3, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư quy định về trạng thái ngoại tệ mới của các tổ chức tín dụng. theo đó, trạng thái ngoại tệ +/-30% vốn tự có bị thu hẹp còn +/-20%.

Phải gần hai tháng nữa trạng thái ngoại tệ trên mới bắt đầu được áp dụng, song ngay lập tức thị trường ngoại hối đã có phản ứng với biến động mạnh của tỷ giá USD/VND.

Đầu giờ sáng nay (21/3), giá USD trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại tương đối ổn định, có từ 20.850 - 20.870 VND mức giá bán ra. Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), giá bán tăng nhẹ 10 VND so với hôm qua, tuy nhiên nhanh chóng giảm trở lại ít phút sau đó.

Tuy nhiên, từ quãng 10h - 10h30, thị trường chứng kiến bước tăng mạnh của giá USD trên biểu niêm yết, cả ở giá mua và giá bán. Mức cao nhất tại Eximbank đã lên tới 20.890 VND, đây cũng là mức áp dụng tại Vietcombank; còn tại ACB, mức giá bán ra chính thức lập mốc 20.900 VND. Những mức giá mới đó được giữ ổn định đến cuối chiều nay.

Ở giá mua vào, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt nâng lên từ 20 - 30 VND so với cuối ngày hôm qua. Tại Eximbank, mức tăng ghi nhận đến thời điểm này là 35 VND giá mua chuyển khoản, ứng với 20.845 VND. Cuối chiều, tại ACB mức mua vào đã lên tới 20.850.

Nếu những ngày tới mức giá mua vào của các ngân hàng thương mại vượt mốc 20.850 VND và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn cố định giá như hiện nay thì hoạt động mua vào tăng dự trữ ngoại tệ thời gian qua tạm chấm dứt.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì trạng thái không đổi của tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong ba tháng qua: 20.828 VND. Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục giữ nguyên mức giá mua vào 20.850 VNB và 21.036 VND mức bán ra.

Như vậy, sau một thời gian dài ổn định quanh mốc 20.850 VND, tỷ giá USD/VND đã có biến động mạnh.

Trước đó, quyết định đồng loạt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã không tạo phản ứng rõ nét ở tỷ giá, có thể do mức điều chỉnh lãi suất nhỏ. Lần này, ngoại trừ các yếu tố tác động không có trong thông tin rộng rãi trên thị trường, mối liên hệ được tính tới là quyết định thu hẹp trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại mà Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành.

Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 2/5/2012, vì vậy nếu đó là một nguyên nhân chính thì liệu thị trường đã sớm có phản ứng?

Khi thu hẹp trạng thái ngoại tệ sẽ dẫn đến khả năng tạo cung ngoại tệ trên thị trường, do các ngân hàng phải co lại theo giới hạn mới. Tuy nhiên, trạng thái ngoại tệ dương vẫn là một thực tế xa xỉ với hệ thống trong những năm gần đây, ngoại trừ một số điểm nếu có đầu cơ cục bộ. Từ đầu năm 2012, theo các thông tin cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, trạng thái đã bắt đầu dương nhẹ, nhưng không phải quá lớn.

Ở khả năng khác thực tế hơn là trạng thái âm. Thời gian qua, giới hạn -30% vốn tự có là một điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại có thể thực hiện chuyển đổi vốn, nắm chênh lệch lãi suất rất lớn. Sử dụng trạng thái âm, bán USD lấy VND cho vay lãi suất cao, và hoạt động này tạo cung ngoại tệ thương mại và góp phần giữ ổn định tỷ giá. Nay, trước điều kiện bị co hẹp lại, hoạt động chuyển đổi đó sẽ bị hạn chế bớt và thị trường sẽ bớt đi nguồn cung, tỷ giá đã có phản ứng.

Ở một phản ứng khác, khi trạng thái bị co hẹp, các ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi vốn như vậy sẽ phải tính toán mua lại ngoại tệ để “cải thiện” trạng thái âm theo quy định mới - hạn hẹp hơn. Có nhu cầu mua, thậm chí phải mua để chuẩn bị đảm bảo quy định sắp tới sẽ là động cơ để nâng giá. Nếu vậy, các ngân hàng cũng đã có sự chủ động đi trước để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh chính sách.

Thêm vào đó, cũng từ ngày 2/5 tới, cơ chế tín dụng ngoại tệ mới sẽ được áp dụng. Tín dụng ngoại tệ bị siết lại cũng sẽ hạn chế nguồn cung từ việc vay USD lãi suất thấp, bán ra lấy VND đưa vào sản xuất kinh doanh. Sự điều chỉnh chính sách này cũng tác động đến tỷ giá USD/VND.

Tuy nhiên, hiện còn sớm để khẳng định tỷ giá USD/VND sẽ bước vào một đợt biến động mạnh. Hiện tỷ giá thực tế vẫn nằm gọn trong quy định của biên độ +/-1% theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Minh Đức

tbktvn

Các tin tức khác

>   Cơ cấu hệ thống ngân hàng: Vững trụ cột, mạnh từng cá thể  (21/03/2012)

>   Hạ lãi suất: Sao không để thị trường ra tay? (21/03/2012)

>   Từ 02/05, trạng thái ngoại tệ cuối ngày không được quá 20% vốn (21/03/2012)

>   Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 6 tháng đã giảm mạnh (21/03/2012)

>   Đầu tư vào ngân hàng: Rót ngàn tỷ vẫn không run (21/03/2012)

>   Vốn ngoại vào ngân hàng, cần gỡ nút thắt 30% (21/03/2012)

>   Các ngân hàng sắp xếp lại hệ thống ATM (21/03/2012)

>   Những 'con bệnh' ngân hàng (21/03/2012)

>   Vì sao phải “xi nhan” trước khi thực hiện? (21/03/2012)

>   Hối hả vay USD “chạy” thời hạn siết ngoại tệ (21/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật