Thứ Tư, 21/03/2012 15:24

Hạ lãi suất: Sao không để thị trường ra tay?

Trần lãi suất huy động đã chính thức được hạ xuống còn 13%. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, nếu lạm phát tiếp tục giảm như vừa qua, cứ mỗi quý lại có thể giảm lãi suất thêm 1 điểm phần trăm nữa.

Quyết định giảm lãi suất huy động của Thống đốc đã giúp củng cố niềm tin cho doanh nghiệp. Hạ lãi suất cũng có thể được xem như là lời giải cho những nghi vấn về khó khăn của ngân hàng và kinh tế vĩ mô. Lãi suất giảm có nghĩa khó khăn trong hệ thống ngân hàng, nhất là việc thiếu tiền mặt, đã phần nào được kiểm soát. Và tất nhiên, như thế, dòng vốn cho doanh nghiệp sẽ được khai thông và hoạt động kinh doanh sẽ tốt trở lại. Đó chính là sự đảm bảo cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Mặt khác, khi lãi suất giảm, niềm tin rằng lạm phát đang được kiểm soát sẽ quay trở lại, kỳ vọng về lạm phát tăng của người dân cũng sẽ giảm. Và như vậy, chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ sẽ như con tàu xuôi dòng một cách thuận lợi.

Một điểm tích cực khác là hạ lãi suất có thể đẩy tiền trong dân chuyển vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản. Bởi lẽ, khi người dân cảm thấy kênh gửi tiết kiệm không còn mang lại nhiều lợi nhuận như kỳ vọng nữa, họ sẽ tìm đến các lĩnh vực khác, dù rủi ro cao nhưng tỉ suất sinh lợi cũng cao hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều cái “nhưng”.

Vẫn chỉ là biện pháp hành chính

Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi cho rằng: “Tuyên bố hạ lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước vẫn chỉ là can thiệp bằng biện pháp hành chính, chứ chưa điều chỉnh theo những yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô và thị trường tín dụng - tiền tệ”. Việc hạ lãi suất như vậy sẽ tạo áp lực lên lạm phát, khả năng cung ứng tiền mặt của hệ thống ngân hàng và cả tỉ giá VND/USD.

Lạm phát thực ra vẫn đang ở mức cao và có thể sẽ còn tăng trong những tháng tới, do giá xăng dầu tăng và sắp tới đây là giá điện. Đầu tháng 3.2012, giá xăng dầu đã tăng thêm 600-2.100 đồng/lít. Mức tăng giá xăng dầu này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến lạm phát. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng muốn tiếp tục tăng giá điện, sau lần tăng giá 5% vào cuối năm 2011. Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng thiết yếu như sữa, gas cũng đã tăng giá mạnh.

Chính phủ đề ra mục tiêu lạm phát năm 2012 dưới một con số nhưng chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm đã là 2,36%. Vì vậy, mục tiêu này có thể sẽ không thực hiện được.

Tuy nhiên, quan trọng hơn là việc hạ lãi suất huy động 1 điểm phần trăm chưa chắc đã tương ứng với mức giảm lãi suất cho vay, nhất là trong bối cảnh nhiều ngân hàng thiếu tiền mặt. Các ngân hàng thiếu tiền sẽ tìm mọi cách để chạy đua lãi suất huy động, lách quy định để thu hút tiền gửi. Mặt khác, khi lãi suất không còn hấp dẫn, người dân có thể rút tiền khỏi ngân hàng tìm đến kênh đầu tư khác và như thế, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn. Cho dù lãi suất huy động giảm thì con số giảm cũng khá nhỏ so với mức lãi suất đã đứng ở mức cao như hiện nay.

Về tỉ giá, thời gian qua, việc tỉ giá vẫn được giữ ở mức ổn định là nhờ mức chênh lệch lớn giữa lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng và USD (chênh đến 12 điểm phần trăm). Khi mức chênh lệch này giảm xuống và lạm phát có xu hướng tăng, đồng bạc xanh sẽ lại tăng giá so với tiền đồng.

Nên bỏ trần lãi suất huy động

Không phải trần lãi suất lúc nào cũng phát huy hiệu quả. Trần lãi suất huy động được đặt ra nhưng nhiều ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ, đã tìm cách phá rào để thu hút vốn. Khi lãi suất huy động cao, lãi suất cho vay cũng không thể hạ, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước nên bỏ trần lãi suất huy động và áp dụng trần lãi suất cho vay.

Khi bỏ trần lãi suất huy động, các ngân hàng lớn sẽ giảm lãi suất vì họ có đủ tiền mặt để cho vay, không bị áp lực phải huy động vốn nhiều. Ngân hàng nhỏ có thể chạy đua lãi suất vì cần vốn nhưng cũng không thể để lãi suất huy động quá cao. Bởi lẽ, lãi suất đầu vào cao sẽ kéo theo lãi suất cho vay cao. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tìm đến ngân hàng khác. Sự cạnh tranh giữa các ngân hàng chắc chắn sẽ làm cho lãi suất dần đi vào ổn định vì thị trường sẽ tự điều chỉnh theo quy luật cung cầu. Các ngân hàng rồi sẽ phải cạnh tranh nhau bằng chất lượng dịch vụ, cắt giảm chi phí để giảm lãi suất.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chỉ nên áp dụng trần lãi suất huy động trong một thời gian ngắn, để quá lâu sẽ gây ra hậu quả khó lường. Quan trọng hơn là phải khống chế lãi suất cho vay. Còn Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thì cho rằng: “Bây giờ đã là thời điểm thích hợp. Cùng lắm 1 tháng nữa sẽ là thời điểm chín muồi để bỏ trần lãi suất huy động”. Ông nói thêm: “Nếu bỏ trần lãi suất huy động, có thể nền kinh tế sẽ phải gánh mức lãi suất lên đến trên 20%, nhưng tôi tin rằng nó sẽ chỉ mất một thời gian ngắn để ổn định trở lại”.

Ngọc Trân

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Từ 02/05, trạng thái ngoại tệ cuối ngày không được quá 20% vốn (21/03/2012)

>   Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 6 tháng đã giảm mạnh (21/03/2012)

>   Đầu tư vào ngân hàng: Rót ngàn tỷ vẫn không run (21/03/2012)

>   Vốn ngoại vào ngân hàng, cần gỡ nút thắt 30% (21/03/2012)

>   Các ngân hàng sắp xếp lại hệ thống ATM (21/03/2012)

>   Những 'con bệnh' ngân hàng (21/03/2012)

>   Vì sao phải “xi nhan” trước khi thực hiện? (21/03/2012)

>   Hối hả vay USD “chạy” thời hạn siết ngoại tệ (21/03/2012)

>   Vốn rẻ chỉ dành cho lĩnh vực ưu tiên (20/03/2012)

>   Tiền gửi ngân hàng vẫn lợi nhất (20/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật