Vay VND hay USD?
Kể cả khi lãi suất cho vay giảm được như tính toán của Thống đốc NHNN, chênh lệch lãi suất vay giữa VND và USD vẫn khá lớn.
VND sẽ trở nên "có giá"?
Tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng đã được giữ nguyên ở mức 20.828 VND/USD kể từ ngày 26/12/2011. Tỷ giá mua - bán USD của các ngân hàng thương mại (NHTM) và thị trường tự do có xu hướng giảm, có thời điểm giá bán USD trên thị trường tự do thấp hơn giá bán USD tại các NHTM từ 20 - 50 đồng/USD. Tỷ giá ổn định, nguồn cung USD dồi dào, NHNN tăng mua vào, khiến quỹ dự trữ ngoại hối đã tăng 30% so với cuối năm 2011.
HSBC cũng vừa đưa ra nhận định, VND sẽ hấp dẫn hơn, nhưng với điều kiện cán cân thương mại được cải thiện và lãi suất thực dương có thể bền vững hơn. HSBC dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ổn định ở mức 21.500 đồng/USD trong trung hạn. Nếu VND thực sự trở nên hấp dẫn hơn, huy động vốn bằng VND tăng, sẽ cải thiện đáng kể tình trạng khó khăn về thanh khoản của các NHTM hiện nay. Song trước mắt, theo thống kê của NHNN, tháng 2/2011, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 1,66% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VND tăng 2,24%, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 0,81%. NHNN cho rằng, việc giảm lượng ngoại tệ tiền gửi trong NHTM cho thấy USD bị giảm sức hấp dẫn, nhưng đó chỉ là một khía cạnh. Vấn đề là cùng với huy động giảm thì tín dụng USD cũng giảm đến 1,27% (tính đến 8/3). Điều đó cho thấy, sản xuất kinh doanh đang đình đốn do không chỉ chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới mà còn do doanh nghiệp không thể chịu được mức giá vốn lên đến 22-25%/năm như hiện nay. Tiền đang nằm chết trong két sắt của các ngân hàng. Đây chính là lý do không cần chờ đến khi NHNN yêu cầu hạ trần lãi suất huy động về 13%/năm các NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ trước đó cả tuần. Thị trường đã chia thành những nhóm ngân hàng rõ rệt hơn trước. Ngân hàng nào dư dả về nguồn cung vốn huy động thì giảm lãi suất huy động sớm nhất, trái lại ngân hàng nào còn khó khăn về thanh khoản thì không giảm mà còn tăng. Thế nhưng trong biểu lãi suất huy động VND vẫn tồn tại điều bất hợp lý là kỳ hạn gửi càng dài, lãi suất càng thấp. Điều đó cho thấy bản thân các NHTM cũng dự tính về dài hạn lãi suất sẽ tiếp tục hạ. Nhưng trước mắt, họ không thể giảm nhiều lãi suất huy động, một mặt nhằm duy trì được mức tăng trưởng huy động vốn, mặt khác nếu đầu vào giảm, dư luận sẽ có sức ép buộc ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay. Nhưng, tiền không phải cứ vào ngân hàng rồi chảy sang người vay. Vì thế, trong ngân hàng hiện vẫn còn lượng vốn không nhỏ với lãi suất huy động cao, khiến lãi suất cho vay chưa thể giảm theo đà của lãi suất huy động.
Theo trù tính của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ giảm còn 14,5% - 16,5%. Nhưng đó là lãi suất cho vay các đối tượng được ưu tiên. Còn trên thực tế, số lượng doanh nghiệp được vay ở mức lãi suất thấp không nhiều. Bằng chứng rõ ràng nhất là tăng trưởng tín dụng hai tháng qua là âm. Trong khi các NHTM tuyên bố lãi suất cho vay thấp nhất đối với những lĩnh vực được ưu tiên hiện nay là 13,5%/năm, nhưng lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh khác khoảng 18-20%/năm, còn lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất lên tới 25%/năm - một khoảng cách quá lớn.
Lãi suất thôi chưa đủ!
Nếu so với lãi suất vay bằng USD hiện là 9%/năm, thì chênh lệch giữa lãi suất VND và ngoại tệ rất hấp dẫn. Thống đốc NHNN cũng đưa ra thông tin, từ nay đến cuối năm, nếu NHNN có điều chỉnh tỷ giá thì mức điều chỉnh không quá 3%. Như vậy, dù có cộng thêm mức điều chỉnh tỷ giá này thì lãi suất vay bằng ngoại tệ có thể lên đến 12%/năm, vẫn thấp hơn mức lãi suất VND là 16,5%/năm mà Thống đốc Bình dự báo.
Hiện, theo Thông tư 07/2011/TT-NHNN, những khách hàng vay ngắn hạn có đủ ngoại tệ để trả nợ từ nguồn thu xuất khẩu và vay ngoại tệ để sử dụng trong nước sẽ được vay ngoại tệ với điều kiện bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot). Nhưng từ ngày 2/5/2012, theo Thông tư 03/2012/TT-NHNN, những đối tượng khách hàng này không được vay vốn bằng ngoại tệ nữa. Như vậy, chủ trương của NHNN là thu hẹp đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, nhằm giảm cầu ngoại tệ, giảm sức ép lên tỷ giá.
Chênh lệch lớn giữa lãi suất cho vay bằng VND và USD đã diễn ra trong một thời gian dài, khiến tín dụng bằng ngoại tệ có thời điểm có tốc độ tăng gấp đôi VND. Đã có rất nhiều kiểu vay "sáng tạo" bị phát hiện. Do đó, tới đây NHNN sẽ siết chặt quản lý, tăng cường thanh tra kiểm soát đối với tín dụng ngoại tệ. Và như Thông tư 03 quy định: đối với các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh hàng hóa thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, hiệu quả mà tổ chức tín dụng đã thẩm định… phải do NHNN quyết định. Như vậy, việc vay vốn bằng ngoại tệ sẽ khó khăn hơn trước nhiều. Bên cạnh đó, xu hướng giảm lãi suất cho vay bằng VND ngày càng rõ nét hơn. Và dù trước mắt vay ngoại tệ lãi suất thấp cùng với sự ổn định của tỷ giá có thể tạo cho doanh nghiệp những lợi ích nhất định.
Song, kinh nghiệm cho thấy, phải luôn đề phòng rủi ro tỷ giá. Nhất là vay ngoại tệ thường chỉ ngắn hạn, lại phải vay theo hình thức spot. Việc cầu ngoại tệ tăng đột biến sau 3-6 tháng là rất dễ xảy ra khi cùng lúc nhiều doanh nghiệp có nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ. Về dài hạn, đồng tiền chung châu Âu chưa thoát khỏi bờ vực tan rã, nên vẫn còn cơ sở để USD lấy lại vị thế của mình. Mặt khác, Chính phủ nỗ lực kiềm chế lạm phát, nâng cao vị thế cho VND. Thế nhưng, 50% yếu tố tác động đến lạm phát lại thuộc về giá nhập khẩu những mặt hàng mà chúng ta không thể kiểm soát giá như xăng dầu; phần lớn nguyên, phụ liệu cũng như thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất trong nước. Vì thế, cũng cần cảnh giác với việc lạm phát cao sẽ quay trở lại. Như vậy doanh nghiệp phải tính toán việc vay vốn bằng VND hay USD dựa trên nhiều yếu tố (thời hạn, mục đích vay, nguồn trả nợ…) chứ không chỉ nhìn vào chênh lệch lãi suất cho vay giữa hai loại tiền như trước đây.
Thái Thanh
diễn đàn doanh nghiệp
|