Sẽ sửa toàn diện Luật Đầu tư 2005
Luật Đầu tư năm 2005 sẽ được sửa một cách toàn diện do “vênh” nhiều so với thực tế, theo lời lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hơn 6 năm sau khi được “ứng dụng”, Luật Đầu tư 2005 đã cho thấy khá nhiều điểm bất cập để có thể tiếp tục là một trong những văn bản quan trọng nhất về kinh doanh và đầu tư.
6 năm trước, Luật Đầu tư từng được xem là “một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư tại Việt Nam”. Nhờ văn bản này, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã "được mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh với việc xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam", theo lời ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Tuấn, việc lần đầu tiên áp dụng khung pháp lý về đầu tư, kinh doanh thống nhất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế như quy định trong Luật Đầu tư 2005 đã “không tránh khỏi một số khó khăn nhất định”.
Thực tế cho thấy, do Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP chưa quy định rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên việc xác định địa vị pháp lý cũng như điều kiện và thủ tục đầu tư, kinh doanh của các đối tượng này còn chưa có quan điểm thống nhất giữa các vơ quan quan cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Mặt khác, việc chuyển từ chế độ quản lý một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được thành lập trên cơ sở một dự án đầu tư sang chế độ quản lý một doanh nghiệp được tổ chức, hoạt động thống nhất trong khuôn khổ Luật Doanh nghiệp và được phép đăng ký đầu tư đồng thời với đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau cũng làm cho việc xác định thủ tục đầu tư, kinh doanh đối với các doanh nghiệp này trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư 2005 cũng được đánh giá là rộng, bao quát toàn bộ hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, đầu tư sử dụng vốn nhà nước và đầu tư tư nhân, đầu tư ra nước ngoài… nên một số quy định của luật còn chồng chéo với quy định của các luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán..., đặc biệt là trong các vấn đề có liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư.
Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư đã bộc lộ hạn chế khi các địa phương tăng cường thu hút đầu tư mà không chú trọng chất lượng, hiệu quả của dự án, không tuân thủ quy hoạch phát triển ngành và lãnh thổ, buông lỏng biện pháp kiếm tra, giám sát và thiếu chế tài ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án.
Không chỉ vậy, Luật Đầu tư 2005 và Nghị định 108/2006/NĐ-CP có hiệu lực thi hành chỉ vài tháng trước thời điểm Việt Nam gia nhập WTO và bắt đầu thực hiện lộ trình cam kết về mở cửa thị trường, dẫn tới nhiều bất cập trong thực tế.
Chẳng hạn, chưa có quan điểm thống nhất về việc áp dụng cam kết đối với nhà đầu tư không thuộc quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của WTO; chưa có quy định cụ thể về việc áp dụng cam kết đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư đã được thành lập tại Việt Nam; chưa có quy định về việc áp dụng cam kết trong trường hợp nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư có nhiều mục tiêu khác nhau...
Ông Tuấn cho hay Luật Đầu tư 2005 sẽ được hoàn thiện theo hướng sửa đổi nhóm các quy định chung của Luật làm cơ sở cho việc áp dụng thống nhất điều kiện, thủ tục đầu tư, kinh doanh, khắc phục tình trạng xung đột giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật có liên quan.
Đồng thời, các quy định về điều kiện đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới cũng sẽ được sửa đổi.
Một điểm khá quan trọng là sẽ sửa đổi quy định về thủ tục đầu tư theo hướng bãi bỏ quy định giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hoàn thiện các quy định về thủ tục đăng ký, thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư nhằm làm rõ hồ sơ, quy trình, thủ tục, thời hạn thực hiện..., đồng thời bổ sung tiêu chí thẩm tra dự án phù hợp với quy hoạch và yêu cầu quản lý nhằm tránh tình trạng cấp phép tùy tiện, phá vỡ quy hoạch.
Các quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư, đặc biệt là các quy định về thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam, thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư và các thủ tục có liên quan đến việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, chuyển đổi hình thức đầu tư, hình thức doanh nghiệp... cũng sẽ được hoàn thiện trong quá trình sửa luật này.
Ông Tuấn cũng cho biết trước mắt khi chưa thể sửa Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2005 để tháo gỡ một số vướng mắc mà các nhà đầu tư đang phải đối mặt.
Anh Minh
tbktvn
|