Thứ Tư, 21/03/2012 14:07

Nhập siêu từ Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam

Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc khoảng 8,46 tỉ USD, chỉ sau đối tác Trung Quốc, tương đương 83% tổng giá trị nhập siêu năm 2011. Điều đáng nói là nguy cơ nhập siêu đang gia tăng mà chưa có biện pháp rõ rệt nào để cải thiện.

NCĐT đã trao đổi với ông Đặng Xuân Thanh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

Vì sao nhập siêu từ Hàn Quốc lại ngày càng tăng, thưa ông?

Nguyên nhân cơ bản nhất là sự mất cân đối về cơ cấu kinh tế của Việt Nam và đây là điều không thể thay đổi một sớm một chiều. Mặc dù Việt Nam xuất siêu lớn sang Nhật và Mỹ, nhưng xét về tổng thể thì vẫn là nhập siêu. Điều này tác động đến cán cân vãng lai, lạm phát, tiêu dùng.

Yếu tố quan trọng thứ hai là sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam chậm được cải thiện, dẫn đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới cũng kém hơn nhiều nước, khiến khó xuất khẩu hơn. Điều đó cũng dẫn đến nhập siêu.

Cụ thể là cơ cấu thương mại của Việt Nam mất cân đối như thế nào?

Sự mất cân đối về cơ cấu thể hiện ở chỗ hàng xuất sang Hàn Quốc chủ yếu là sản phẩm thô như dầu, than, cao su, thủy hải sản, nhưng Việt Nam lại nhập các sản phẩm tinh chế từ dầu lửa, linh kiện để doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam lắp ráp, nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng cuối cùng từ chăn, tấm trải giường, gối, nệm đến sản phẩm xa xỉ như ôtô.

Hàn Quốc cũng có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu. Năm 2011, Hàn Quốc đã trở thành 1 trong 9 nước có giá trị thương mại vượt 1.000 tỉ USD. Quốc gia này hiện cũng là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Rõ ràng, nếu Việt Nam không sớm thay đổi cơ cấu thì càng tăng trưởng thương mại bao nhiêu, nguy cơ nhập siêu sẽ càng tăng lên bấy nhiêu.

Hiệp định thương mại tự do giữa Hàn Quốc và ASEAN (năm 2009) đã khiến nhập siêu của Việt Nam tăng mạnh. Có lẽ chúng ta đã tính toán chưa tốt về thời điểm, khiến bị lép vế về lợi ích so với những gì doanh nghiệp Hàn Quốc đạt được?

Tôi không nghĩ rằng chúng ta không tận dụng được cơ hội từ hiệp định này. Bằng chứng là năm 2011 xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng rất mạnh, trên 50%, đạt 4,6 tỉ USD. Trong khi đó, nhập khẩu chỉ tăng 32%. Nghĩa là mặc dù nhập siêu lớn, nhưng Việt Nam cũng đã gia tăng được xuất khẩu vào Hàn Quốc.

Tuy nhiên, nếu vẫn chỉ là mức tăng như thế thì tình trạng nhập siêu sẽ khó được cải thiện. Đặc biệt trong bối cảnh hậu khủng hoảng, các nước đang đẩy mạnh tái cấu trúc thì Hàn Quốc cũng vậy. Sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, Hàn Quốc đã rất thành công trong tái cấu trúc. Lần này, họ bị tác động ít và đã kịp thời khôi phục đà tăng trưởng.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang lột xác và có sức cạnh tranh cao. Samsung, chẳng hạn, đang cạnh tranh rất mạnh trên thị trường điện tử thế giới. Ở Việt Nam, giá trị xuất khẩu của công ty này đã đạt gần 5 tỉ USD (năm 2011). Điều này cho thấy hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nước này là rất lớn. Tuy nhiên, họ lại nhập khẩu một lượng linh kiện lớn từ nước họ để sản xuất, bán sản phẩm tại Việt Nam và xuất khẩu.

Rõ ràng, nếu chúng ta không tái cấu trúc nền kinh tế, không đẩy mạnh sản xuất linh kiện, công nghiệp hỗ trợ thì sẽ không cải thiện được tình hình.

Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam. Nhưng doanh nghiệp Việt lại không thể cung cấp linh kiện cho họ. Theo ông, nên làm gì để cải thiện điều này?

Mặc dù chúng ta rất cần các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng nếu cứ thu hút vốn bằng những ưu đãi về đất đai, tài nguyên, giá nhân công rẻ thì sẽ không hiệu quả. Bởi vì như thế, chúng ta đã bán rẻ tiềm năng mà chỉ thu được giá trị gia tăng thấp. Đó là chưa nói đến chuyện chuyển giá để trốn thuế.

Chúng ta không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà nên lựa chọn để giúp Việt Nam tiến nhanh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nghĩa là không thể dừng lại ở việc lắp ráp như 10-15 năm vừa qua. Gần đây, Samsung đã mở rộng hoạt động lắp ráp ở Việt Nam nhưng doanh nghiệp trong nước chỉ cung cấp được bao bì, dịch vụ in ấn... Còn hàng loạt chi tiết, linh kiện đều được nhập khẩu từ Hàn Quốc hay lấy từ doanh nghiệp vệ tinh của họ tại Việt Nam.

Nếu dừng lại ở đây, chỉ vài năm nữa, các nước như Campuchia, Bangladesh sẽ tiến tới trình độ lắp ráp như Việt Nam. Khi ấy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chuyển cơ sở sang các nước đó. Nếu chuyện này xảy ra, lao động Việt Nam sẽ như thế nào?

Dường như Hàn Quốc có chính sách tận dụng môi trường đầu tư ưu đãi ở Việt Nam và nhập khẩu linh kiện từ nước họ để sản xuất ra sản phẩm, bán cho người tiêu dùng Việt Nam và xuất khẩu? Như vậy, họ có lợi quá?

Khó trách các công ty Hàn Quốc, vì lợi nhuận luôn được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Chúng ta nên nhìn lại chính mình thì hơn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực lắp ráp ôtô, Việt Nam có chiến lược ngành công nghiệp ôtô. Trong đó, quy định các doanh nghiệp phải nội địa hóa bao nhiêu phần trăm trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, chúng ta đã không đạt được điều đó khi các điều kiện vẫn cho phép họ khai thác lợi nhuận từ cung cách cũ.

Còn doanh nghiệp Việt Nam chỉ nhắm đến lợi ích thu được từ xuất khẩu, từ lao động giá rẻ, tài nguyên sẵn có. Các đơn vị sản xuất linh kiện lắp ráp thì vắng bóng. Nói nôm na, sân bóng để trống thì chuyện bị sút tung lưới là bình thường.

Người Hàn Quốc còn cho chúng ta bài học quý giá về cách làm thương hiệu và thúc đẩy xuất khẩu. Họ bao sân hết hàng hóa tiêu dùng, từ hàng hóa cấp thấp đến cấp cao như mỹ phẩm, sản phẩm điện tử và ôtô. Có thể nói doanh nghiệp của họ đang tiếp cận rất tốt thị trường Việt Nam.

Bên cạnh chính sách đầu tư hiệu quả, dường như Hàn Quốc có chính sách xuất khẩu sản phẩm văn hóa trước, sau đó là hàng hóa tiêu dùng gắn với văn hóa đó?

Đây là chiến lược rất rõ ràng của Hàn Quốc. Khi tham gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nước này đã xúc tiến mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu quốc gia. Thành công của quốc gia này là do sự thống nhất ở mọi cấp nhà nước và sự phối hợp ăn ý giữa các nhà hoạch định chính sách với khối doanh nghiệp trong thúc đẩy xuất khẩu.

Bằng chiến lược trên, doanh nghiệp Hàn Quốc đã tiếp cận cả những thị trường xa xôi như Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi. Thị phần họ giành được ngày một nhiều hơn. Nhờ đó, giá trị thương mại năm 2011 của Hàn Quốc đã vượt con số 1.000 tỉ USD và xuất siêu hơn 300 tỉ USD.

Có thể nói họ đã rất thành công trong công nghiệp văn hóa. Đây là khái niệm rộng lớn, không chỉ bao gồm giá trị vật chất, mà cả phi vật chất. Tức là đầu tiên họ làm cho người tiêu dùng cảm thấy hấp dẫn với nét văn hóa, con người Hàn Quốc, sau đó khiến người tiêu dùng muốn giống họ từ cách trang điểm, trang phục đến sử dụng các sản phẩm đắt tiền như ôtô. Nếu xem truyền hình, phim ảnh của Hàn Quốc phải chiếm đến 1/3 tổng số phim. Đó là sự quảng bá văn hóa, giúp bán hàng rất hiệu quả.

Việt Nam và Hàn Quốc đang chuẩn bị đàm phán Hiệp định thương mại tự do. Nếu nhìn từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc, có thể thấy có nhiều cơ hội chúng ta chưa tận dụng tốt. Như vậy, với hiệp định mới, liệu chúng ta có thể gia tăng xuất khẩu sang nước này?

Việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương với Hàn Quốc sẽ đặt Việt Nam đứng trước một thách thức mới, vì Hiệp định thương mại ASEAN - Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn mới 2012-2014 với việc tiếp tục giảm một số dòng thuế. Trong bối cảnh chúng ta vẫn bị nhập siêu cao, câu hỏi đặt ra là liệu Hiệp định mới có thực sự cần thiết vào lúc này hay không.

Các nhà kinh tế học có thể cho rằng nên trì hoãn việc đàm phán thêm một thời gian nữa. Song theo tôi, chúng ta phải mạnh dạn hơn. Việt Nam không chỉ sẽ đàm phán với Hàn Quốc, mà còn với nhiều nước khác nữa như với Liên minh châu Âu và các nước liên quan đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Đó là cơ chế hợp tác thương mại ở cấp độ cao. Xu thế hội nhập này là tất yếu, buộc Việt Nam phải có những hợp tác thương mại sâu hơn nữa.

Vũ Dũng

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Tăng trưởng bằng tài nguyên khoáng sản là sai lầm (21/03/2012)

>   Lợi ích của nền kinh tế phải là trên hết (21/03/2012)

>   Doanh nghiệp thắng kiện Sở Kế hoạch Đầu tư (21/03/2012)

>   Sáp nhập MobiFone và Vinaphone: Lợi ích tập đoàn (21/03/2012)

>   Tàu biển “đói” đơn hàng (21/03/2012)

>   Doanh nghiệp thép, xi măng cùng than khó (20/03/2012)

>   Đôn đốc doanh nghiệp FDI nộp báo cáo tài chính (20/03/2012)

>   Đại gia thủy sản miền Tây nặng gánh nợ nần (20/03/2012)

>   Xuất khẩu ximăng tăng vọt (20/03/2012)

>   Bộ chưa đồng tình việc sáp nhập VinaPhone và MobiFone (20/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật