Thứ Tư, 21/03/2012 07:44

Tàu biển “đói” đơn hàng

Sau thời kỳ đua nhau sắm tàu “triệu đô” trong những năm 2003-2007, hiện doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam rao bán tàu để cải thiện tình hình tài chính

Việt Nam là nước xuất khẩu nhưng đội tàu biển lại luôn ở trong tình trạng thừa trọng tải, thiếu hàng hóa. Bản thân các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam sau thời kỳ ăn nên làm ra khi đất nước hội nhập lại rơi vào tình cảnh phải rao bán tàu để giảm lỗ.

“Đuối” ngay trên sân nhà

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, từ năm 2009 đến nay, đội tàu biển Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về khối lượng trọng tải với tốc độ tăng bình quân 20%/năm. Đến nay, đội tàu Việt Nam có hơn 1.880 chiếc với tổng trọng tải khoảng 8,4 triệu tấn, xếp vị trí 60/152 thế giới và xếp thứ 4 trong khối ASEAN (xét về trọng tải). Tuy vậy, việc tăng nhanh về trọng tải lại không kéo theo sự gia tăng tương ứng về thị phần.

Năm 2000, đội tàu biển Việt Nam chiếm hơn 15% thị phần vận tải hàng hóa cả nước nhưng đến nay, dù được đầu tư lớn hơn về số lượng, thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu Việt Nam vẫn chỉ ở mức 15%-20%. Thị phần còn lại rơi vào tay đội tàu nước ngoài, phần vì đội tàu nước ngoài có tính cạnh tranh cao, thể hiện ở sức mạnh tài chính dồi dào và kinh nghiệm hoạt động hàng hải nhiều năm; phần vì chính sự yếu kém nội tại của đội tàu trong nước.

Bên cạnh đó, thói quen mua CIF bán FOB (mua hàng tại cảng đến, bán tại cảng đi) của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước cũng là nguyên nhân khiến đội tàu biển Việt Nam “đói” đơn hàng. Hơn nữa, việc hiện có hơn 40 hãng tàu biển treo cờ nước ngoài được phép vận tải trong nội địa Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến tình trạng thiếu đơn hàng thêm trầm trọng.

Do vậy, sau thời kỳ đua nhau sắm tàu “triệu đô” trong những năm 2003-2007, hiện doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam rao bán tàu để cải thiện tình hình tài chính cho doanh nghiệp.

Thiếu tính cạnh tranh

Một vấn đề khác đang làm đau đầu cả chủ tàu và cơ quan quản lý là đội tàu biển Việt Nam luôn ở trong danh sách đen của Tổ chức Hợp tác Kiểm tra nhà nước tại các cảng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo MOU).

Năm 2010, lần đầu tiên đội tàu Việt Nam thoát khỏi danh sách đen của Tổ chức Tokyo MOU do có tỉ lệ tàu bị bắt giảm. Nhưng đến năm 2011, số lượng tàu biển treo cờ Việt Nam bị bắt giữ ở nước ngoài lại  tăng.

Nguyên nhân là do tình trạng kỹ thuật kém, trình độ, kinh nghiệm, khả năng chuyên môn và ngoại ngữ của thuyền viên Việt Nam còn hạn chế; thực hiện các quy định của Bộ Luật Quản lý an toàn quốc tế còn mang tính hình thức và đối phó. Thậm chí, còn có hiện tượng thuyền viên bị kỷ luật vẫn kiếm được việc làm trên một tàu khác.

Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá việc tàu bị lưu giữ không chỉ gây thiệt hại về tài chính và uy tín của từng chủ tàu mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín đội tàu, giảm tính cạnh tranh trên thị trường hàng hải quốc tế.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cho biết đây cũng là nguyên nhân khiến chính “người nhà” chưa đủ tin tưởng thuê tàu trong nước, ngay cả khi được ưu đãi ký hợp đồng giá CIF thấp hơn so với tàu quốc tế. Nhiều doanh nghiệp ngại rằng nếu chẳng may bị lưu giữ ở nước ngoài, hàng hóa sẽ bị hư hỏng hoặc chậm giao hàng cho đối tác, cho dù có được bảo hiểm về thiệt hại kinh tế thì cũng ảnh hưởng đến uy tín vì giao hàng chậm.

Bích Ngân

người lao động

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp thép, xi măng cùng than khó (20/03/2012)

>   Đôn đốc doanh nghiệp FDI nộp báo cáo tài chính (20/03/2012)

>   Đại gia thủy sản miền Tây nặng gánh nợ nần (20/03/2012)

>   Xuất khẩu ximăng tăng vọt (20/03/2012)

>   Bộ chưa đồng tình việc sáp nhập VinaPhone và MobiFone (20/03/2012)

>   Giá điện sẽ không ngừng tăng (20/03/2012)

>   “Cẩn trọng với dấu hiệu đình đốn sản xuất” (20/03/2012)

>   Rộng đường xuất khẩu thủy sản sang Mỹ (20/03/2012)

>   Việt Nam xuất sang Trung Quốc ngày càng nhiều (20/03/2012)

>   Đau đầu phân bón giả (20/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật