Lợi ích của nền kinh tế phải là trên hết
Khi liên bộ Tài chính - Công Thương công bố quyết định tăng giá xăng, dầu từ ngày 7-3, với mức tăng đối với xăng là khoảng 10% và dầu diesel 1.000 đồng/lít, Bộ Tài chính cũng tính ra luôn tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh này lên giá cả của thị trường là 0,85%. Đó là một con số khá thấp nên người dân và doanh nghiệp không phải lo ngại.
Tuy nhiên, thị trường đâu có phản ứng theo cách đơn giản như thế. Cuối tháng 2 năm ngoái, sau khi điện tăng giá 15,28% và giá xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh, trong đó xăng tăng tới 2.900 đồng/lít, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng tuyên bố rằng tăng giá điện và xăng dầu sẽ làm cho chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm 2 điểm phần trăm, bao gồm cả tác động về tâm lý. Và nền kinh tế Việt Nam đã kết thúc năm 2011 với mức lạm phát đến 18,58%. Chắc chắn trong mức lạm phát đó, ngoài vài điểm phần trăm đóng góp trực tiếp từ việc tăng giá điện và xăng dầu, việc tăng giá các mặt hàng chiến lược này còn đóng vai trò như chất xúc tác mạnh cho sự leo thang giá cả của một loạt hàng hóa và dịch vụ khác.
|
Thống kê thực tế của các doanh nghiệp, chẳng hạn như ngành thép và xi măng, cho thấy, biến động giá cả sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào một số chi phí đầu vào như giá điện, than và xăng dầu... mà còn có liên hệ rất lớn với sức mua của thị trường, yếu tố bị tác động mạnh bởi lạm phát. Một khi sức mua của thị trường suy giảm, sản phẩm tồn kho tăng vọt và mức huy động năng lực sản xuất giảm chỉ còn 30-50% công suất thiết kế, thì giá thành của sản phẩm sản xuất ra không chỉ tăng theo tỷ lệ tăng của giá xăng dầu và điện.
Trong những giai đoạn nền kinh tế mạnh khỏe, ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá những mặt hàng có sức lan tỏa rộng như xăng dầu, điện có thể là không đáng kể và diễn ra đúng như cách tính của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Nhưng kinh tế Việt Nam hiện không khỏe, mà là rất ốm yếu. Thế nên, bất kỳ một tác động bất lợi nào từ bên ngoài, dù là nhỏ, cũng có thể gây ra những tác hại lớn. Chỉ mới vài tuần trước, không ít chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tỏ ra lạc quan về khả năng kiềm chế lạm phát dưới 10% trong năm 2012, nhưng nay sự tự tin đó không còn nữa.
Tuần trước, khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, nói rằng nếu tính đầy đủ thuế nhập khẩu xăng dầu là 25-35%, thì mức giá cần phải điều chỉnh thêm là 4.200-6.500 đồng/lít. Ông cũng nói, Nhà nước đứng trên quan điểm lợi ích của nền kinh tế nên quyết định giữ mức thuế nhập khẩu ở 0%.
Tuy nói là vì lợi ích của nền kinh tế, nhưng cách điều hành giá xăng dầu hiện nay của liên bộ Tài chính - Công Thương dường như vẫn còn tính toán thiệt hơn cho nguồn thu ngân sách. Nhà nước không phải là một thực thể kinh doanh, nên không thể tính toán được - mất hay lãi - lỗ theo kiểu của doanh nghiệp, mà cái phải tính toán và cân nhắc phải là lợi ích của cả nền kinh tế và lợi ích của nền kinh tế thì thường gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp và người dân.
Nếu nói “nhà nước đứng trên quan điểm lợi ích của nền kinh tế”, thì chính sách điều hành giá xăng dầu không thể tách rời một yếu tố quan trọng khác, đó là Việt Nam đồng thời cũng là một quốc gia xuất khẩu dầu thô. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, ngân sách nhà nước bị giảm thu do phải hạ thuế nhập khẩu, nhưng lại được bù đắp một khoản rất lớn từ chênh lệch giá dầu thô xuất khẩu và ngược lại. Năm ngoái, giá dầu thô tăng đã giúp ngân sách tăng thu gần 60.000 tỉ đồng. Với chính sách điều hành giá như lâu nay, giá dầu thế giới tăng hay giảm thì nguồn thu ngân sách vẫn khá ổn định, cho dù phải lùi thuế nhập khẩu khi giá xăng dầu thế giới tăng.
Với quyết định tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính có thể tính ngay được số tăng thu tiền bán xăng dầu, để tránh cho Nhà nước phải dùng ngân sách bù đắp cho các công ty đầu mối. Thế nhưng, bộ lại không tính được thiệt hại đối với nền kinh tế do quyết định này gây ra. Trong điều kiện kinh tế Việt Nam còn ốm yếu như hiện nay, cộng với khả năng tăng giá điện, than hầu như không thể tránh khỏi trong thời gian tới, thiệt hại gây ra cho nền kinh tế có thể lớn hơn rất nhiều.
Là nước xuất khẩu dầu thô, chúng ta có điều kiện để bình ổn giá xăng dầu, nhất là trong những giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay. Nếu không thể làm tất cả, thì chí ít cũng phải giữ ổn định giá dầu diesel và FO vì đây là những sản phẩm có tác động lớn đến chi phí của các ngành công nghiệp và dịch vụ vận tải. Đương nhiên, làm như vậy sẽ khiến cho ngân sách phải tăng thêm một khoản chi, nhưng cả nền kinh tế sẽ được hưởng lợi.
Cũng có những ý kiến cho rằng, nếu không tăng giá thì không ngăn chặn được buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Nhưng đây là vấn đề khác và nó thuộc trách nhiệm của các cơ quan chống buôn lậu. Nếu vì các cơ quan chống buôn lậu làm việc kém hiệu quả mà bỏ qua một biện pháp điều hành giá xăng dầu có lợi cho nền kinh tế thì khó mà chấp nhận được.
Tấn Đức
tbktsg
|