Sáp nhập MobiFone và Vinaphone: Lợi ích tập đoàn
Nhìn vào lợi nhuận của VNPT năm 2011 khoảng 10.000 tỷ đồng, thì riêng hai mạng di động MobiFone và Vinaphone chiếm khoảng 80%.
Từ đây có thể thấy việc quyết định số phận của hai hãng di động MobiFone và Vinaphone, quyết định đến lỗ lãi và thu nhập của hàng vạn lao động của VNPT.
Bởi thế, nếu nhìn ở khía cạnh lợi ích cục bộ của VNPT, thì việc họ muốn sáp nhập là dễ hiểu.
Nói như cựu Bộ trưởng Thông tin truyền thông Lê Doãn Hợp, trong một lần trả lời phỏng vấn Tiền Phong: Nếu cổ phần hóa MobiFone thì VNPT sẽ bị giảm mất hơn 40% doanh thu, hơn 40% lợi nhuận và 40% nộp ngân sách của tập đoàn, bởi doanh thu của tập đoàn hiện chủ yếu nhờ MobiFone.
Nếu cổ phần hoá, đồng nghĩa nó sẽ không còn phải cống nộp cho công ty mẹ. Khi đó, VNPT mất nhiều nhưng thực tế Nhà nước và xã hội lại được lợi.
Ví dụ như MobiFone chưa cổ phần hóa thì họ làm được 40.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng nếu cổ phần hóa rồi, với cơ chế tự chủ, năng động và cạnh tranh lành mạnh trên thương trường, họ có thể làm ra 50.000 tỷ đồng.
Khi đó tổng giá trị của xã hội tăng còn tổng giá trị thu về của tập đoàn giảm. “Lợi ích nằm ở chỗ đó nên họ chống quyết liệt. Tôi cũng từng nói về cổ phần hóa MobiFone là thà kết thúc bằng một nỗi đau còn hơn kéo dài nỗi đau mà không biết khi nào kết thúc...”, ông Hợp bình luận.
Cũng bởi thế, nhiều năm nay, việc cổ phần hoá hai hãng di động nhà nước này, vẫn chưa đi đến đâu.
Nhìn ở khía cạnh người tiêu dùng, hiện thị trường di động Việt Nam đang ở thế chân vạc, mà hai chân là MobiFone và Vinaphone, chân còn lại là Viettel (chiếm 95% thị phần).
Ở thế chân vạc, cộng với một số hãng di động sinh sau đẻ muộn như Beeline, VietnamMobile, S-phone (chỉ chiếm 5% thị phần) đang là môi trường cạnh tranh lý tưởng cả về chất lượng dịch vụ và giá cước.
Những năm qua, nhờ có sự cạnh tranh đó, mà người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi giá rẻ, khuyến mãi quanh năm.
So sánh thiệt hơn, thì việc sáp nhập MobiFone và Vinaphone, nếu xảy ra, chỉ giải quyết được vấn đề lợi ích của VNPT, mà bỏ rơi lợi ích của Nhà nước và người tiêu dùng.
Hơn thế, nó còn làm méo mó quy luật cạnh tranh của kinh tế thị trường, bởi khi đó VNPT chiếm tới hơn 58% thị phần di động, có thể cùng Viettel thống lĩnh, chi phối thị trường.
Theo ông Lê Doãn Hợp, cổ phần hóa doanh nghiệp là trí tuệ của loài người mà ai chống lại nó là đổ vỡ.
Góp vốn cùng làm ăn, lãi cùng hưởng, lỗ cùng chịu. Nhưng ở ta cổ phần hoá rất chậm, vì nhiều người không muốn cổ phần hoá để còn chi phối, hưởng lợi từ nó.
Bá Kiên
tiền phong
|