Thứ Ba, 13/03/2012 22:44

Ngân hàng loay hoay tìm doanh nghiệp vay vốn

Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ nhưng nhiều ngân hàng cho biết hiện tại vấn đề nan giải của ngân hàng là tìm doanh nghiệp để cho vay vốn.

Tìm cách cho vay để bớt đọng vốn

Phó tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ cho biết ngân hàng ông hiện vẫn có đến 1.000 tỉ đồng dành riêng để cho vay doanh nghiệp. Mức lãi suất dao động từ 18-20%, tuy vậy ông cho biết trong cả tháng qua nhân viên tín dụng đã tìm kiếm khách hàng để cho vay nhưng không được là bao. Theo vị này, với mức lãi suất như trên nếu so với ngân hàng có vốn nhà nước hay ngân hàng nước ngoài thì không thể cạnh tranh, trong khi đó, các doanh nghiệp có hồ sơ tốt thường liên hệ với các ngân hàng trên để vay.

“Cũng có một số doanh nghiệp có nhu cầu nhưng khi xét hồ sơ thì không đủ tiêu chuẩn”, vị này cho biết. Ông cho biết thêm số tiền trên hiện đang dùng để đầu tư ngắn hạn và chờ để cho doanh nghiệp vay. Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay được Ngân hàng Nhà nước giao là 8%, ông còn cho rằng chưa chắc ngân hàng sẽ đạt được mức tăng trưởng như trên trong năm nay.

Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp một chi nhánh tại TPHCM của Ngân hàng Quốc tế (VIBank) cũng cho biết, trong thời gian này, ngân hàng ông đang tìm doanh nghiệp để cho vay, và tranh thủ giải ngân vốn. Tuy vậy, để tìm được doanh nghiệp đủ khả năng là không dễ vì các rủi ro đến với doanh nghiệp trong thời gian này là rất cao, khiến cho ngân hàng nếu không thận trọng thì nợ quá hạn sẽ gia tăng.

Đa phần các báo cáo tài chính mà doanh nghiệp chuyển đến đều được ngân hàng xem xét kỹ càng và giải ngân đúng theo nhu cầu chứ không theo số vốn đề nghị của doanh nghiệp. Hiện tại VIB đang đưa ra nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thực phẩm đồ uống, với lãi suất ưu đãi, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với mức cho vay thông thường.

Từ đầu tháng 3, Ngân hàng Phương Đông cũng triển khai cho nhân viên tín dụng tại các chi nhánh về việc tích cực mời gọi khách hàng vay vốn. Ngân hàng này cũng đã giảm lãi suất xuống còn 18%/năm cho các khoản vay trong vòng 1 năm. Theo nhân viên tín dụng của ngân hàng này, việc xét cho vay sẽ được thực hiện tỉ mỉ và cân nhắc hơn, để tránh tăng thêm nợ xấu cho ngân hàng, trong khi việc thu hồi nợ trong điều kiện hiện tại rất khó.

Theo thông tin từ Oceanbank, ngân hàng này đang áp dụng các chương trình ưu đãi đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân… hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp… nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với lãi suất thấp hơn 2- 3%/năm so với biểu lãi suất cho vay thông thường tại Oceanbank. Đồng thời ngân hàng vừa quyết định dành một gói tín dụng ưu đãi trị giá 500 tỉ đồng với lãi suất cho vay khoảng 17%/năm cho một doanh nghiệp ở phía nam.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hiện tại vốn ở các ngân hàng đang dư thừa, không tìm được khách hàng vay. Điều này đã dẫn đến nhiều ngân hàng bỏ tiền mua trái phiếu chính phủ, kỳ hạn dưới 5 năm với lãi suất khoảng 11%/năm.

Theo số liệu của Công ty chứng khoán Bảo Việt, tính đến hết ngày 9-3, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường của trái phiếu đạt 47.575 tỉ đồng, trong khi cả năm 2011, con số này chỉ là hơn 73.000 tỉ đồng. Bảo Việt cũng cho rằng ngân hàng thương mại là đối tượng chủ yếu mua trái phiếu trong thời gian qua.

Trong buổi họp báo công bố giảm lãi suất huy động ngày 13-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, tính đến ngày 8-3, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đã giảm 1,27% so với cuối năm 2011. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải rằng do yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh ở kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và tiếp đó, nhu cầu vay vốn còn hạn chế khiến cho dư nợ tín dụng giảm.

Lãi suất vay giảm chưa đáng kể

Trong khi ngân hàng đang tìm mọi cách để mời gọi doanh nghiệp vay vốn, thì trong buổi tọa đàm về tiếp cận vốn ngân hàng do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào hôm 12-3, đa phần các doanh nghiệp tham dự đều cho rằng lãi suất hiện vẫn còn cao, nếu vay kinh doanh thì không có lãi. Đại diện các doanh nghiệp có mặt cho rằng mức lãi suất huy động giảm 1 điểm phần trăm, dẫn đến việc lãi suất cho vay giảm 1-2 điểm phần trăm tại một số ngân hàng chưa phải là mong muốn của doanh nghiệp vì mức giảm này không đáng kể.

Theo bà Lê Thị Kim Thư, Giám đốc Kinh doanh Công ty Owtex Thiên Hòa , mức lãi suất trên dù giảm vẫn quá cao đối với doanh nghiệp, và mức lãi suất hợp lý mà công ty có thể chấp nhận được vào khoảng 8%.

Bà Thư cho biết, hiện tại việc vay vốn chủ yếu để duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân, không dám nghĩ đến lợi nhuận. Vì cái khó của doanh nghiệp hiện nay là tiêu thụ hàng, nếu tăng giá thì tồn kho sẽ tăng nên công ty cũng không dám đưa tất cả chi phí vào giá bán.

Trong khi đó, ông Phan Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Hữu Liên Á Châu, cho biết việc lãi suất cho vay được giảm xuống 1 điểm phần trăm thì sẽ giúp công ty ông tăng thêm được 5% lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Vì vậy, việc giảm lãi suất là rất quan trọng, nhưng ông Dũng cũng cho biết, khi lãi suất giảm xuống còn 12% thì doanh nghiệp mới có thể có lãi.

Còn ông Nguyễn Trí Kiên, Tổng giám đốc Công ty Túi xách Minh Tiến, cho rằng hiện tại doanh nghiệp nhỏ có ba cái khó: tiếp cận được vốn ngân hàng, được vay với lãi suất thấp và có thêm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua những khó khăn hiện tại. Ông Kiên nói mức lãi suất trên đang bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo ông Kiên, vấn đề quan trọng hiện nay là nhà nước nên điều chỉnh dòng vốn chảy vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các nơi tạo ra giá trị thặng dư cao cho cả nền kinh tế. Lãi suất giảm mới chỉ đến được với doanh nghiệp lớn còn doanh nghiệp nhỏ và vừa dù cho nằm trong đối tượng ưu tiên cho vay vốn vẫn chưa được hưởng.

“Như vậy, liệu việc giảm lãi suất có tạo ra tác động tích cực cho nền kinh tế hay chưa, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp một phần không nhỏ trong việc tạo ra tiền cho nền kinh tế và công ăn việc làm cho xã hội”, ông Kiên đặt câu hỏi.

Ông Võ Thanh Liêm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nguồn Sinh Thái, cho biết hiện tại doanh nghiệp “thở đến đâu hay đến đó”, không dám mở rộng sản xuất vì không có vốn. Nếu phải vay vốn ngân hàng với lãi suất 17- 18% thì xem như hoạt động kinh doanh sẽ không còn mang lại lợi nhuận.

Ông Liêm cho rằng, hiện tại doanh nghiệp phải tái cấu trúc mình để tìm được vốn, nhưng ngân hàng cũng phải xây dựng đội ngũ thẩm định dự án cho chuyên nghiệp, chính xác, trung thực thì mới mong vốn rót vào đúng chỗ, không ảnh hưởng tiêu cực đến cơ cấu nợ của ngân hàng, và ngân hàng sẽ mạnh dạn cho vay hơn.

Thanh Thương

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   NHNN: Không có chuyện đã chấp thuận cho SHB mua lại HBB (13/03/2012)

>   Công cuộc “giải cứu” doanh nghiệp bắt đầu (13/03/2012)

>   NHNN: Huy động vốn tháng 2 tăng 1.66%, tín dụng giảm (13/03/2012)

>   Thêm ngân hàng công bố giảm lãi suất huy động (13/03/2012)

>   VietinBank giảm lãi suất huy động xuống 13%/năm (13/03/2012)

>   Ngân hàng ồ ạt hạ lãi suất tiền gửi (13/03/2012)

>   Reuters: Lãi suất OMO giảm xuống 13% (13/03/2012)

>   Lãi suất giảm, đói vốn vẫn “ngậm sâm”… nhìn! (13/03/2012)

>   Giảm lãi suất 1%: Doanh nghiệp được lợi gì? (13/03/2012)

>   Gửi tiền Việt lợi gấp 2 lần USD (13/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật