Công cuộc “giải cứu” doanh nghiệp bắt đầu
Việc hiện thực hóa hạ lãi suất được đánh giá là thiết thực và kịp thời để từng bước giảm khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận vốn.
Từ 13 -3, lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức thay đổi giảm 1%. Quyết định hạ lãi suất này theo PGS - TS Lê Thẩm Dương, Đại học kinh tế Hồ Chí Minh đánh giá là đúng thời điểm, cứu doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng "chết” hàng loạt.
Lãi suất huy động về 13%/năm
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức phát đi thông báo về việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi tối đa đối với các tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, lãi suất tối đa áp dựng với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng trở lên từ 14%/năm xuống 13%/năm. Lãi suất áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng trở lên giảm từ 14,5%/năm xuống 13,5%/năm. Giảm lãi suất tái cấp vốn từ 15%/năm xuống 14%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 16%/năm xuống 15%; lãi suất tái chiết khấu từ 13%/năm xuống 12%/năm.
Liên tục tuần qua, lãi suất liên ngân hàng đã có dấu hiệu "hạ nhiệt” và hiện dao động trong mức từ 7 đến 14%/năm, tùy từng kỳ hạn; lãi suất qua đêm cho vay liên ngân hàng chỉ ở mức 7-8%/năm; lãi suất cao nhất 1 tháng cũng chỉ ở mức 13-14%... chứng tỏ thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện rõ rệt.
Đồng tình mệnh lệnh giảm lãi suất của NHNN nhưng một số ngân hàng cho rằng cần phải siết chặt kiểm soát để đảm bảo các ngân hàng cùng tuân thủ trần lãi suất huy động mới; tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất và vượt trần, gây xáo động trên thị trường.
Chấp nhận đánh đổi
Việc hiện thực hóa hạ lãi suất được đánh giá là thiết thực và kịp thời để từng bước giảm khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận vốn. "Đây là quyết định hợp lý trong bối cảnh lạm phát cùng kỳ thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, cũng nằm trong xu hướng chung của thế giới là giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp” – chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong khẳng định.
Tuy nhiên TS Phong cũng cho rằng, cần phải đảm bảo cơ chế để việc giảm lãi suất huy động có tác động tới giảm lãi suất vay. Nếu không thì chỉ có ngân hàng thương mại được lợi mà doanh nghiệp và người dân bị thiệt. Bởi lỷ lệ cho vay và huy động đang chênh nhau rất lớn. Một số NHTM vay 14% nhưng cho vay tận 20% thậm chí cho vay gấp đôi. Trong khi đó với cơ chế làm ăn có lãi, ngân hàng chỉ cần cộng thêm 3% chi phí vào lãi suất huy động là được.
Theo TS Lê Thẩm Dương, việc hạ thêm 1% lãi suất là việc làm không hề gấp gáp, mà đã được NHNN báo trước. Và khi giảm lãi suất thì xu hướng giảm tiền gửi sẽ có. Vốn sẽ chạy từ ngân hàng nhóm 4 sang ngân hàng nhóm 1, 2 với độ uy tín cao hơn. "Câu chuyện sau khi giảm lãi suất cần làm tiếp là vốn ngân hàng sẽ đi vào địa chỉ nào. Giảm xong nhưng doanh nghiệp có được tiếp cận vốn hay không hay vẫn đưa ra các tiêu chuẩn cao”.
Theo ông Dương, lãi suất là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô nhưng cũng phải làm đúng định hướng của Chính phủ: đi vào địa chỉ cần vào như xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, lãi suất là con dao hai lưỡi. Muốn tăng trưởng thì phải để doanh nghiệp sống. Chính vì giữ nhiều trọng trách mà các trọng trách mâu thuẫn nhau do vậy hạ lãi suất là phương án tốt nhất trong những phương án xấu.
Thuý Hằng
Đại Đoàn Kết
|