Nếu hai "đại gia phone" sáp nhập: Có gì ầm ĩ!
Mặc dù ngày 20-3 Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định chưa có chuyện sáp nhập giữa hai nhà mạng MobiFone và VinaPhone thế nhưng câu chuyện sáp nhập này vẫn được cho rằng không sớm thì muộn.
Trả lời báo chí, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cho biết đã có đề án sáp nhập và chuyển đến cơ quan có trách nhiệm.
Chỉ là hợp thức hóa chuyện đã rồi
Thực tế, câu chuyện sáp nhập giữa hai nhà mạng này đã bắt đầu nóng ngay từ tháng 5-2011. Khi đó có nhiều luồng thông tin cho rằng kể ra đến tháng 6-2011, VNPT đã bắt buộc phải lựa chọn một trong hai phương án là sáp nhập hai nhà mạng hoặc cổ phần hóa một trong hai mạng.
Trước đó, tháng 4-2011, Chính phủ ban hành Nghị định 25, trong đó nêu VNPT không thể cùng lúc sở hữu hai nhà mạng MobiFone và VinaPhone.
Về việc VNPT chọn phương án sáp nhập, theo nhiều chuyên gia đó là điều rất dễ hiểu. “Tất nhiên, giữ lại một đứa con khỏe mạnh, thông minh thì cha mẹ nào cũng muốn hơn là giữ một đứa con ốm yếu” - TS Vũ Đình Ánh, Viện Thị trường Giá cả - Bộ Tài chính, ví von. Theo ông Ánh, MobiFone đã mang đến cho VNPT rất nhiều lợi nhuận. Hiện MobiFone chỉ chiếm 4% nhân sự của VNPT nhưng lại mang về cho VNPT đến gần nửa lợi nhuận.
Nói thêm về phương án sáp nhập, TS Vũ Đình Ánh phân tích: “Hiện nay, người ta hay nói thị trường viễn thông Việt Nam theo thế chân vạc, tức là ba ông “đại gia” gồm VinaPhone, MobiFone và Viettel. Nhưng theo tôi, thực ra đó chỉ là quan hệ tay đôi giữa VNPT và Viettel. MobiFone và VinaPhone đều là con của VNPT, cạnh tranh nhau chỉ mang tính hình thức. Do đó, việc sáp nhập giữa hai nhà mạng này chỉ là hợp thức hóa điều xưa nay vốn dĩ đã từng hình thành”.
Ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng Giám đốc VNPT, đã từng phát biểu trên báo chí: “Theo kinh nghiệm của tôi, không chỉ những nhà kinh doanh nhỏ lẻ mới có nhu cầu sáp nhập mà đấy là xu hướng của thị trường viễn thông thế giới. Ngay cả Trung Quốc, từ sáu nhà khai thác bây giờ họ gộp lại thành ba nhà khai thác. Đây là một xu hướng tích hợp các loại hình dịch vụ, nếu tách riêng thì rất tốn kém”.
Nhà mạng nhỏ: Chưa chết không có nghĩa là mạnh
Nếu việc sáp nhập của hai nhà mạng này được tiến hành thì đồng nghĩa với việc VNPT nắm giữ gần 60% thị phần, còn Viettel gần 37% thị phần. Như vậy, các nhà mạng khác có chết?
Ông Vũ Đình Ánh nói: “Một thị trường cạnh tranh không phụ thuộc vào thị trường đó có bao nhiêu người tham gia, đặc biệt thị trường viễn thông là một thị trường có điều kiện, không phải ai tham gia cũng được. Nhiều người lo ngại việc hai nhà mạng lớn này sáp nhập thì sẽ khiến các nhà mạng nhỏ chết. Thực tế, không có chuyện sáp nhập này thì các nhà mạng nhỏ cũng có nguy cơ chết, vì đặc tính của dịch vụ viễn thông là không chấp nhận các nhà mạng nhỏ như vậy. Trên thế giới, người ta cũng chỉ có một vài nhà mạng khống chế thị trường. Điều quan trọng nhất là cơ quan quản lý tạo ra được cơ chế cạnh tranh chứ không phải là lúc nào cũng cần đông nhà mạng tham gia. Đồng tình quan điểm trên, TS Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên Trường ĐH Kinh tế-Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc sáp nhập này sẽ không ảnh hưởng lớn đến thị trường viễn thông Việt Nam. Dưới góc độ pháp luật, trường hợp sáp nhập giữa hai công ty con cùng thuộc một tập đoàn không thuộc phạm vi của Luật Cạnh tranh. Đây thực sự chỉ là hình thức tái cấu trúc vốn của một tập đoàn.
Người tiêu dùng sẽ bớt đi quyền lựa chọn
Cũng theo ông Sơn, dưới góc độ của thị trường, người ta thường so sánh môi trường cạnh tranh giữa Viettel và VNPT. Như vậy, về mặt tương quan cạnh tranh, cấu trúc cạnh tranh thì bản thân việc sáp nhập sẽ không có gì ầm ĩ.
“Tuy nhiên, nhìn ở chiến lược phát triển kinh tế, có thể việc sáp nhập, tái cấu trúc lại sẽ là một giải pháp để đảm bảo sự tăng trưởng cho ngành viễn thông, để đầu tư, tránh lỗ” - ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh: “Ở lĩnh vực viễn thông, không phải cứ đa dạng hóa các doanh nghiệp là tốt. Anh nắm một thị phần lớn chưa chắc đã khống chế được thị trường. Nếu chúng ta có một hệ thống kiểm soát hợp lý thì vẫn đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu có sự sáp nhập giữa VNPT và Viettel thì đó mới đáng lo ngại vì họ đang là đối thủ của nhau. Cũng giống như câu chuyện của hàng không Việt Nam, Jetstar Pacific vốn là đối thủ cạnh tranh của Vietnam Airlines nhưng lại được Vietnam Airlines tiếp quản. Khi đó, Jetstar hoàn toàn phụ thuộc vào Vietnam Airlines thì làm sao còn là đối thủ cạnh tranh được nữa!” - ông Sơn nhấn mạnh.
Sáp nhập sẽ không ảnh hưởng đến đầu số
Việc chọn lựa phương án nào thì Chính phủ sẽ quyết định và DN sẽ làm theo. Tuy nhiên, dù phương án nào được chọn thì VNPT đảm bảo quyền lợi của các khách hàng vẫn được VNPT đặt lên trên hết. Dù VNPT thực hiện phương án cổ phần hóa hay sáp nhập thì đầu số di động của MobiFone và VinaPhone sẽ vẫn được giữ nguyên.
Ông BÙI QUỐC VIỆT, người phát ngôn của VNPT
Thị phần thuê bao tính đến tháng 12-2010
Quyền lợi người tiêu dùng giảm?
Hiện MobiFone và VinaPhone nằm tách khỏi nhau thì họ có những chiến lược kinh doanh riêng, kế hoạch phát triển riêng, vì vậy quyền lựa chọn của người tiêu dùng sẽ phong phú hơn. Còn khi hai mạng nhập lại, có thể quyền lợi người tiêu dùng giảm đi ở các chiến lược khuyến mãi, giảm giá...
TS NGUYỄN NGỌC SƠN, giảng viên Trường ĐH Kinh tế-Luật TPHCM
Người tiêu dùng không sao
Tôi không thấy điều này ảnh hưởng gì đến việc phát triển thị trường viễn thông Việt Nam hay câu chuyện độc quyền nào ở đây cả. Quyền lợi của người tiêu dùng cũng không bị ảnh hưởng bởi như tôi đã nói họ chỉ hợp thức hóa cái đang tồn tại.
TS VŨ ĐÌNH ÁNH, Viện thị trường Giá cả, Bộ Tài chính |
MAI PHƯƠNG - BÁ HUY
Pháp luật TP
|