Tăng vốn điều lệ và áp lực cổ tức của ngân hàng
Trong kế hoạch kinh doanh chuẩn bị đưa ra trình ĐHCĐ thường niên năm nay, không ngân hàng nào bỏ sót việc tăng vốn điều lệ, với mức tăng từ 15 - 30% so với năm trước.
Song trước diễn biến thị trường còn nhiều khó khăn, kế hoạch tăng vốn điều lệ cũng đặt áp lực lớn về lợi nhuận và cổ tức lên mỗi ngân hàng.
DongABank vừa được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cấp giấy chứng nhận chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, mệnh giá 10.000 đồng/CP. Tổng giá trị cổ phiếu chào bán tính theo mệnh giá là 500 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ của ngân hàng này từ mức 4.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Nhưng theo kế hoạch, trong năm nay, Ngân hàng còn phải tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng; trong đó, một phần vốn sẽ chào bán cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước.
Tổng giám đốc DongABank, ông Trần Phương Bình cho rằng, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính. Theo ông Bình, DongABank, luôn cố gắng đảm bảo tỷ lệ cổ tức ở mức 15% bằng tiền mặt để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông. Lợi nhuận trước thuế DongABank dự kiến đạt được trong năm nay ở mức 1.650 tỷ đồng.
Một số ngân hàng có vốn điều lệ lên tới chục nghìn tỷ đồng như ACB, Eximbank (EIB), Sacombank (STB), Techcombank cũng cho biết, sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ trong năm nay. Trong đó, Sacombank dự kiến tăng thêm 17% vốn điều lệ trong năm 2012, từ 10.047 tỷ đồng lên 11.700 tỷ đồng, bằng hình thức trả cổ tức 15% bằng cổ phiếu cho cổ đông và bán thêm 2% cổ phần cho các cán bộ cốt cán. Quỹ dự trữ bổ sung tăng vốn điều lệ của Sacombank hiện còn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế Sacombank đặt ra cho năm 2012 chỉ ở con số 3.500 tỷ đồng so với mức thực hiện được trong năm qua là 2.800 tỷ đồng.
Mặc dù đã đạt đến mức vốn 10.560 tỷ đồng, nhưng theo một lãnh đạo cấp cao của Eximbank, Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng thêm vốn điều lệ để nâng cao tiềm lực tài chính cũng như sức cạnh tranh trên thị trường. Trong năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt hơn 4.000 tỷ đồng, cao hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu (3.600 tỷ đồng). Vì thế, theo vị lãnh đạo của Eximbank nói trên, chỉ tiêu lợi nhuận Ngân hàng đưa ra cho năm nay sẽ phải cao hơn so với năm trước, nhưng đây cũng là áp lực đối với Ban điều hành và lãnh đạo của Eximbank.
Theo lý giải của các nhà băng lớn, dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được nhận ở mức cao nhất (17%), nhưng vẫn thấp hơn so với năm trước, đồng thời, chi phí đầu vào chưa thể cắt giảm và tăng trưởng dư nợ không được như kỳ vọng. Đáng chú ý, nợ xấu tăng khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được dự báo còn khó khăn hơn cả năm 2011.
Vì thế, lãi thuần từ hoạt động cho vay cũng không thể kỳ vọng cao, do chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động dần được thu hẹp. Cạnh tranh khó khăn hơn do các công cụ trần lãi suất và trần tăng trưởng tín dụng cộng với các nghiệp vụ ngân hàng có tính công nghệ cao như kinh doanh vàng và các sản phẩm phái sinh, vốn là thế mạnh của ngân hàng lớn đã bị hạn chế và thu hẹp. Hoạt động kinh doanh ngoài tín dụng đóng góp chưa nhiều vào lợi nhuận.
Thế nhưng, không chỉ với các nhà băng lớn mà nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ cũng tiếp tục tăng thêm vốn điều lệ trong năm 2012. Chẳng hạn, HDBank đã được Ngân hàng Nhà nước và UBCK thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng từ mức 3.000 tỷ đồng hiện nay. Theo HDBank, kế hoạch này sẽ sớm được thực hiện trong những tháng tới. TrustBank cũng nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng năm nay.
Trong khi đó, tỷ lệ cổ tức của các ngân hàng nhỏ còn ở mức khiêm tốn, thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động tiền gửi. Năm 2011, một số ngân hàng chi trả cổ tức chưa tới 10%, như Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) trả cổ tức tỷ lệ 9%, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trả cổ tức tỷ lệ 6%, Ngân hàng Bản Việt (GiaDinhBank) cũng chỉ trả dưới 10% do lợi nhuận trước thuế chưa đạt mức kỳ vọng.
Thùy Vinh
đầu tư chứng khoán
|