Thứ Tư, 07/03/2012 14:25

Lao đao chuyện kiểm soát dư lượng kháng sinh

Cho dù đã bị kiểm tra gắt gao từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) nhưng mức độ và số lượng hàng thủy sản bị nước ngoài cảnh báo nhiễm dư lượng kháng sinh vẫn không có dấu hiệu giảm.

Kiểm soát dư lượng kháng sinh: gánh nặng của doanh nghiệp

Đặc biệt, có hơn 50% số lượng lô hàng bị cảnh báo nhiễm kháng sinh từ khâu nuôi trồng trong khi doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ những yêu cầu lấy mẫu kiểm nghiệm và được cấp giấy chứng thư từ Nafiqad.

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản giải thích dù đã siết chặt các khâu chế biến nhưng họ hoàn toàn không đủ khả năng kiểm soát được tất cả nguồn nguyên liệu. Bởi thực tế chỉ có một số ít doanh nghiệp đầu tư được vùng nguyên liệu và kiểm soát được mức an toàn ở vùng nuôi, còn lại nhiều doanh nghiệp phải mua từ nhiều nguồn của nông dân, ngư dân mới đủ nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Nafiqad giải thích họ chỉ chịu trách nhiệm an toàn vệ sinh thực phẩm các sản phẩm thủy sản xuất khẩu ở khâu chế biến, như vậy là hoàn toàn bỏ ngỏ các công đoạn trước đó như giám sát dư lượng kháng sinh ở vùng nuôi, điều kiện an toàn ở khu vực nuôi, vùng khai thác nguyên liệu thủy sản tự nhiên, quá trình vận chuyển qua trung gian mua bán.

Khi ông Dũng đặt vấn đề trách nhiệm giám sát các công đoạn trên với lãnh đạo của Nafiqad, cơ quan này lại “đá quả bóng” sang sở nông nghiệp các tỉnh thành. Cuối cùng lại quay về một lý do muôn thuở là các sở nông nghiệp ở các tỉnh thành không có đủ lực lượng để đảm trách công việc này, từ nhân lực, vật lực cho đến trình độ chuyên môn.

Ông Dũng phân tích: “Có một nghịch lý là trong nhiều năm qua chúng ta đã bỏ bê khâu kiểm soát an toàn nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành thủy sản. Trong khi đó, ở công đoạn chế biến xuất khẩu, khâu mà doanh nghiệp có thế mạnh, chúng ta lại dồn quá nhiều nguồn lực để kiểm soát”. Theo ông Dũng, đã đến lúc hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thủy sản xuất khẩu cần được sắp xếp lại để đáp ứng với thực tế phát triển của ngành, hướng đến việc kiểm soát an toàn trong toàn chuỗi sản xuất.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HOSE: HVG), phân tích các doanh nghiệp hiện nay đã từng bước chủ động được việc quản lý kiểm soát vấn đề kháng sinh thông qua việc đầu tư nuôi trồng an toàn hơn và cải tiến những máy móc thiết bị trong chế biến, vấn đề hiện nay là ở ý thức của người nông dân. Khi vùng tôm, cá nuôi bị bệnh, nông dân buộc phải dùng thuốc để bảo vệ tài sản của họ. Đối với sản phẩm đánh bắt, ngư dân cũng phải làm mọi cách để nguyên liệu hải sản không bị hư hỏng trong những ngày đánh bắt xa bờ dài ngày. Tất cả những điều này, doanh nghiệp không thể kiểm soát được, trong khi đó Nhà nước cũng chưa có quy định đầy đủ trong việc kiểm soát khâu nuôi trồng cũng như khâu bảo quản nguyên liệu thủy sản.

Ông Minh dẫn chứng, hiện sản lượng tôm nguyên liệu dành cho xuất khẩu do người dân nuôi chiếm đến 95%, do vậy doanh nghiệp khó quản lý và kiểm soát được chất lượng tôm nuôi cho chế biến xuất khẩu. Riêng cá tra, các doanh nghiệp đã kiểm soát được 50% tổng sản lượng nuôi đạt tiêu chuẩn thông qua việc chủ động nuôi trồng. Hơn 40% số lượng cá tra nguyên liệu còn lại chủ yếu tập trung ở các địa phương, diện tích nuôi khá manh mún. Đối với nguồn nguyên liệu này doanh nghiệp khó kiểm soát được chất lượng.

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn về việc quản lý và kiểm soát nguồn nguyên liệu, ông Phan Thanh Chiến, Tổng giám đốc Công ty Hải Việt, cho biết đã bắt đầu có hiện tượng những khách hàng Nhật nhập khẩu tôm từ Việt Nam đã chuyển đơn đặt hàng sang Indonesia. Lý do vì tôm của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Nhật phải bị kiểm đến 4 loại kháng sinh, riêng một container xuất khẩu sang Nhật, doanh nghiệp phải chịu chi phí kiểm tra dư lượng kháng sinh lên đến 2.000 đô la Mỹ. “Bên cạnh việc doanh nghiệp cố hết sức để đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu, Nhà nước phải có giải pháp lâu dài hơn cho vấn đề này”, ông Chiến nói.

Theo Vasep, chi phí kiểm nghiệm lô hàng thành phẩm trước khi xuất khẩu đang trở thành gánh nặng với doanh nghiệp, khi chi phí kiểm nghiệm tăng gấp đôi so với thời gian trước. Bên cạnh đó, thời gian lấy mẫu lô hàng kiểm nghiệm cùng với những thủ tục kiểm soát lô hàng xuất khẩu kéo dài từ 7-10 ngày đã làm tăng chi phí sản xuất, vòng quay vốn của doanh nghiệp chậm lại, Điều này càng làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường xuất khẩu.

Cần thay đổi cách quản lý

Để kiểm soát được dư lượng kháng sinh khi xuất khẩu, ngành thủy sản buộc phải thay đổi cách kiểm soát chất lượng hiện nay và thực hiện việc quản lý theo chuỗi sản phẩm. Các doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được nguyên liệu ở vùng nuôi an toàn để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

“Chúng ta có thể học hỏi mô hình kiểm soát theo chuỗi sản xuất trong ngành thủy sản ở Thái Lan. Trách nhiệm này được chính phủ giao do Cục Nghề cá (DOF)”, ông Chiến nói.

Cụ thể, khi nông dân hoặc doanh nghiệp muốn bắt đầu quy trình nuôi, họ phải được sự đồng ý của cơ quan này. Nhân viên của DOF sẽ xuống tận vùng nuôi để kiểm tra điều kiện tự nhiên, môi trường nuôi và xem xét tất cả những yếu tố cần thiết để thiết lập được vùng nuôi an toàn. Nếu đáp ứng được những yêu cầu này, DOF sẽ cấp phép, đưa ra quy trình nuôi và bắt buộc nông dân tuân thủ những quy trình này. Với những quy định cụ thể như nông dân buộc phải sử dụng loại thức ăn gì, thuốc trị bệnh nào... DOF cũng khuyến cáo, những loại thuốc thú y dùng trong quá trình nuôi được sử dụng với thời gian bao lâu trước khi thu hoạch. Trước khi thu hoạch, cơ quan này sẽ đến vùng nuôi lấy mẫu kiểm tra và cấp phép bán ra thị trường. Nếu vùng nguyên liệu nuôi bị nhiễm kháng sinh, DOF sẽ cấm người nuôi bán sản phẩm ra thị trường.

Đề cập đến vấn đề kiểm nghiệm, nhiều doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu thủy sản cho rằng cần nhanh chóng xã hội hóa hoạt động kiểm nghiệm, tránh gây quá tải hệ thống bắt doanh nghiệp phải chờ đợi như hiện nay. Khi xã hội hóa công tác kiểm nghiệm, những phòng kiểm nghiệm ra đời sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn quy định do Nafiqad đưa ra và hoạt động theo đúng luật định. Từ những phòng kiểm nghiệm này doanh nghiệp có thể mang kết quả những mẫu hàng sau kiểm nghiệm trình cho Nafiqad để nhận lấy chứng thư xuất khẩu.

Sơn Nghĩa

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Xử lý, thu hồi nhiều khoản tiền lớn tại tập đoàn Viettel (07/03/2012)

>   Cơ hội nào cho ngành đóng tàu Việt Nam? (07/03/2012)

>   Nhập khẩu để... chết yểu (07/03/2012)

>   Mỹ áp thuế phá giá với hàng Việt Nam, Trung Quốc (07/03/2012)

>   Kiến nghị hỗ trợ 100% lãi suất cho DN tạm trữ lúa gạo (07/03/2012)

>   Doanh nghiệp nội địa cũng chuyển giá (07/03/2012)

>   Doanh nghiệp chế biến gỗ lao đao (07/03/2012)

>   Trăm, ngàn tỉ đồng - nói nhẹ như không (06/03/2012)

>   19 DN khai mỏ Australia tìm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam (06/03/2012)

>   Việt Nam học kinh nghiệm làm trò chơi có thưởng từ Singapore (06/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật