Trăm, ngàn tỉ đồng - nói nhẹ như không
Phát biểu tại hội nghị công bố kế hoạch tiết giảm chi phí quản lý và phương án tái cấu trúc của một tập đoàn kinh tế nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tính đến thời điểm hiện tại (ngày 21-2-2012), đã có năm tập đoàn, tổng công ty cam kết tiết kiệm chi phí quản lý, sản xuất trong năm nay với mức cắt giảm lên tới 2.353,6 tỉ đồng.
Tiết kiệm là chuyện cần làm, nên làm và làm thường xuyên. Thế nên, khi Bộ Tài chính có Công văn (số 867/BTC-TCDN ngày 17-1-2012) kêu gọi các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì rõ là chuyện quá hay. Không dừng lại ở lời kêu gọi suông, con số cụ thể “tiết giảm 5-10% chi phí quản lý” cũng được Bộ Tài chính đặt ra nhằm “giảm giá thành sản phẩm; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”.
Chỉ sau đó chưa đầy tháng, hàng loạt tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đã lần lượt ký cam kết với Bộ Tài chính về việc “tiết giảm 5-10% chi phí quản lý” với những con số hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Tập đoàn Tài chính-Bảo hiểm Bảo Việt (cam kết tiết giảm 145 tỉ đồng), tập đoàn Dệt may Việt Nam (178,6 tỉ đồng), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (105 tỉ đồng), tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (137 tỉ đồng), tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (hơn 900 tỉ đồng), tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị (125 tỉ đồng), tập đoàn Điện lực Việt Nam (1.800 tỉ đồng)... Các con số tiết giảm cụ thể được hình thành (theo thuyết minh của các tập đoàn, tổng công ty) từ việc tiết kiệm nguyên vật liệu, dịch vụ mua ngoài, điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, hội nghị, hội thảo... Nhiều đơn vị cũng không quên nói thêm con số đã tiết kiệm của năm 2011, thậm chí từ vài năm trước.
Tuy nhiên, qua các diễn biến trên, người quan tâm thời cuộc hẳn không khỏi có nhiều suy nghĩ. Nếu với tập đoàn hay doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn hay cổ phần, thậm chí là cơ sở sản xuất gia đình hay cá thể thì chuyện tiết kiệm chắc chắn đã được đặt ra ngay từ ngày đầu thành lập đơn vị. Do vậy mới có câu hỏi là vì sao tại thời điểm này, sau khi có nghị quyết của Chính phủ, mới đặt mạnh vấn đề tiết giảm chi phí quản lý?
Điều đáng nói hơn là từ phía các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, những “quả đấm thép” của nền kinh tế. Nếu quả thật đã nhìn ra và cắt giảm được ngay 5-10% chi phí quản lý, thì tại sao trước đó không làm? Lẽ nào chẳng hề có ý thức tiết kiệm và đã thả giàn tiêu pha từ chính những hạng mục cắt giảm hôm nay? Còn nếu đã không thể cắt giảm được mà vẫn làm thì liệu việc cắt giảm ấy sẽ ảnh hưởng thế nào và tác động ra sao đến quy trình sản xuất, đến chất lượng sản phẩm, đến tiến độ công trình...? Và việc “tiết giảm” này chỉ thực hiện trong năm 2012, còn các năm tiếp theo thì sao?
Nếu nhìn các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước là những chủ thể được hình thành từ vốn ngân sách (tức từ tiền thuế của dân), thì việc chắt chiu từng đồng là đáng trân trọng, huống chi đến cả trăm tỉ, ngàn tỉ đồng được nhất tề cắt giảm trong một thời gian ngắn. Nhưng nếu nhìn đến tổng tài sản mà các tập đoàn và tổng công ty được giao quản lý và kinh doanh cùng những ưu đãi được hưởng (cơ chế độc quyền, tiếp cận những nguồn vốn lãi suất thấp hoặc không lãi suất, giãn nợ hoặc khoanh nợ khi thua lỗ...) thì những khoản trăm tỉ, ngàn tỉ trên chẳng đáng là bao so với tiềm năng mà nguồn lực, tài sản đó có thể đem lại.
Chánh Khải
TBKTSG
|