Rót tiền để tái cơ cấu?
Phương án tái cơ cấu ở tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) theo yêu cầu của Chính phủ hiện còn ở dạng đề cương, nhưng ngay ở bản phác thảo đầu tiên này, HUD đã đề nghị “Bộ Tài chính tạo điều kiện hỗ trợ tập đoàn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi có lãi suất thấp và các cơ chế cần thiết để tập đoàn có nguồn vốn thực hiện tái cơ cấu”.
Tại buổi lễ công bố tiết giảm chi phí của tập đoàn mới đây với sự có mặt của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và nhiều quan chức cấp cao khác, Chủ tịch Hội đồng thành viên HUD Nguyễn Đăng Nam đã đưa ra hai đề xuất.
Đề xuất thứ nhất là cho tập đoàn tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ cùng với cơ chế để triển khai các dự án nhà ở xã hội. Điều này có thể hiểu được do vai trò của HUD phải gánh cả nhiệm vụ an sinh xã hội. Đề xuất thứ hai là cấp vốn ưu đãi để thực hiện tái cơ cấu - một đề xuất “lạ” chưa thấy tập đoàn, tổng công ty nào đề cập đến.
Phát biểu với TBKTSG về đề xuất nêu trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, không nên “nhân danh tái cơ cấu” để đưa ra những đòi hỏi, điều kiện, trong khi lâu nay các tập đoàn sử dụng vốn nhà nước hiệu quả thấp ra sao đã quá rõ. “Dư luận có quyền đặt câu hỏi rằng trong khi nợ nần của các tập đoàn kinh tế nhà nước với các tổ chức tín dụng, rồi nợ lẫn nhau rất lớn. Nếu được cấp tiền để tái cơ cấu như đề xuất của họ, liệu rằng nguồn vốn có được sử dụng đúng mục đích hay dành để trả nợ”. Bà nhấn mạnh thêm rằng đòi hỏi Nhà nước bỏ tiền hỗ trợ tái cơ cấu là không hợp lý.
Mặt khác, nếu các tập đoàn, tổng công ty đều tuyên bố tiết giảm chi phí được hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng như tuyên bố thì dư sức có tiền để tái cơ cấu. Vì bản chất của tái cơ cấu là tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, nguồn lực và phương thức quản trị, không phải một khoản đầu tư, mở rộng doanh nghiệp nếu không có vốn thì không làm được.
Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng Chính phủ còn phải thực hiện nhiều cam kết về hỗ trợ cơ chế, chính sách với nông nghiệp, nông thôn, với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, với hạ tầng xã hội nên mọi nguồn lực không thể tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty như trước đây.
Sự hoài nghi về các tuyên bố, cam kết tái cơ cấu còn diễn ra ở góc độ khác. Như thông báo của tập đoàn Điện lực (EVN) rằng trong số 1.800 tỉ đồng dự kiến tiết kiệm và cắt giảm trong năm nay, có 1.300 tỉ là do tiết giảm 1% sản lượng tiêu thụ điện của toàn nền kinh tế. Nhưng con số này có khả thi không? Theo ông Tô Quốc Trụ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm thuộc Hiệp hội Năng lượng, EVN thực hiện các khâu giảm tổn thất điện năng qua các khâu truyền tải, phân phối là khả thi hơn (dự tính giảm sản lượng điện tự dùng trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối từ 9,5% kế hoạch xuống còn 9,3%, ước tính giảm được 330 tỉ đồng).
Còn muốn giảm sản lượng điện tiêu thụ (đồng thời với việc giảm chi phí sản xuất) phải phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng điện thực tế của nền kinh tế, phụ thuộc vào điều kiện thủy văn, thời tiết và quan trọng hơn là phụ thuộc vào việc giảm chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật tại các nhà máy sản xuất điện, chứ không phụ thuộc vào mong muốn chủ quan.
Ông Trụ phân tích: với các nhà máy điện có công nghệ cũ như nhiệt điện Phả Lại, Ninh Bình hay Thủ Đức... rất khó để thực hiện tiết giảm chi phí đầu vào hay chi phí sản xuất. Cái có thể cam kết và giám sát được là ý thức của người lao động, cải tiến khâu vận hành nhưng tính toán cho ra con số lớn như mong muốn là hết sức khó.
Không phủ nhận sự cố gắng của các tập đoàn trong việc tiết giảm chi phí để khởi động quá trình tái cơ cấu, nhưng theo chuyên gia Phạm Chi Lan, các vấn đề mà tập đoàn, tổng công ty đặt ra phải có tầm chiến lược, tính khả thi, tránh sa lầy vào những tuyên bố, hành động, yêu cầu lẻ tẻ, thiếu thực tế. Bà Lan cho rằng mục đích cuối cùng của quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là sử dụng hiệu quả nguồn vốn và nguồn lực.
Ngọc Lan
TBKTSG
|