Thứ Hai, 05/03/2012 22:39

Sản xuất công nghiệp tiếp đà tăng trưởng

Theo Bộ Công Thương, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong tháng 2, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng 10% so với tháng 1 và tăng 22,1% so với cùng kỳ 2011.

Tính chung 2 tháng so với cùng kỳ 2011, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng 3,9%; trong đó, ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 5,0%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,4% và sản xuất, phân phối điện, gas, nước tăng 11,7%.

Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đạt 15,3 tỷ USD

Về tình hình xuất khẩu, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương bà Phan Thị Diệu Hà cho biết, tháng 2/2012, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, nhất là xuất khẩu sang một số thị trường chính như EU, Nhật Bản, Mỹ…, ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng 1 và tăng 66,3% so với cùng kỳ.

Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 15,4% so với tháng 1 và tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,3 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoảng sản ước đạt 1,58 tỷ USD, tăng 5,4% và chiếm tỷ trọng 10,4%. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 9,75 tỷ USD, tăng 42,1% và chiếm tỷ trọng 63,8%, trong đó, điện thoại các loại và linh kiện tăng hơn 2,9 lần, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 86,4%; hàng dệt và may mặc tăng 25,4%, giầy dép các loại tăng 21%, sản phẩm từ sắt, thép tăng 53,4%, hóa chất tăng 52,5%...

Tuy nhiên, theo bà Diệu Hà, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản lại có xu hướng giảm, ước đạt 2,7 tỷ USD, giảm 8,9%. Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch giảm như: gạo giảm 43%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 15,8%; cà phê giảm 17,4%; cao su giảm 5,9%. Bù lại, thủy sản tăng 15,6%; hạt tiêu tăng 35,2%; chè các loại tăng 19,5%; nhân điều tăng 10,5%.

Xét về giá, theo bà Diệu Hà, so với cùng kỳ, giá bình quân một số mặt hàng xuất khẩu tăng như giá nhân hạt điều, hạt tiêu, gạo, dầu thô, xăng dầu, quặng và khoáng sản khác, chất dẻo nguyên liệu…

Chú ý thị trường trong nước

Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ông Võ Văn Quyền cho biết, tổng mức bán lẻ của tháng 1/2012 tăng so với tháng 12/2011 là 4,9%, trong khi đó tháng 2 so với tháng 1/2012 giảm 3,79%. Tuy nhiên, tựu chung lại 2 tháng đầu năm 2012, tổng mức bán lẻ vẫn tăng (chưa loại trừ yếu tố giá).

Theo ông Quyền, đây là mức tăng trưởng dương, rất tích cực và đáng khích lệ trong điều kiện nền kinh tế trên thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, dấu hiệu tiêu dùng cá nhân đang co về, chỉ tiêu dùng trực tiếp cho nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thực phẩm, còn lại những mặt hàng mua sắm vật dụng mang tính lâu bền giảm đi.

Ông Quyền cho biết, sức mua trên thị trường đang có chiều hướng giảm, mặc dù chưa ở mức báo động nhưng đây cũng là dấu hiệu cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp nghiên cứu, tìm giải pháp ổn định thị trường.

Bên cạnh đó, CPI của tháng 2 mặc dù giữ ở mức 1,37 % và là tháng 2 trong 10 năm gần đây có mức tăng CPI thấp nhất (chỉ đứng sau 2009) nhưng chúng ta vẫn không được chủ quan trong kiềm chế lạm phát.

Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại các chính sách, biện pháp từ vấn đề tín dụng, yếu tố đầu vào của sản xuất, đến vấn đề tiết giảm, cắt giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất từ khâu phân phối đến tiêu thụ, làm sao để đảm bảo gỡ khó cho doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp chủ động đề ra giải pháp nhằm tăng trưởng mức tiêu thụ tồn kho. Chú ý tới thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tiếp tục củng cố hệ thống phân phối để thị trường trong nước ổn định, trở thành một trong những trụ cột để ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Về thông tin gần đây một số cửa hàng thuộc hệ thống Fivimart trong miền Nam đóng cửa, ông Võ Văn Quyền cho biết, Bộ Công Thương đã chủ động làm việc với các bên liên quan để tìm hiểu và thấy rằng, phần lớn các doanh nghiệp tổ chức hệ thống phân phối lớn, nhất là hệ thống phân phối hiện đại như cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, siêu thị hầu hết phải thông qua những nhà đầu tư khác để có đất, có nhà để sử dụng trong kinh doanh. Do đó họ buộc phải có hợp đồng thuê sử dụng đất, trong khi đó hợp đồng chỉ có thời hạn khoảng 5-10 năm. Khi không đàm phán được hợp đồng thuê tiếp nên buộc phải đóng cửa.

Trên thực tế, hệ thống chuỗi siêu thị Fivimart hoạt động rất tốt cả ở thị trường trong Nam, ngoài Bắc cũng như hệ thống phân phối bán lẻ nói chung như Hapro, Coopmart trở thành một trong những kênh tốt để giúp bình ổn thị trường giá cả.

“Từ câu chuyện này cho thấy, cần phải để các doanh nghiệp phân phối tiếp cận tốt tới những chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong đó có chính sách tiếp cận đất đai, tín dụng…”, ông Quyền nói.

Về triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết, Bộ đã yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp; tập trung kiềm chế lạm phát, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, tàng trưc, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, háng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Mai Chi

chính phủ

Các tin tức khác

>   Dự án thép ngàn tỷ gỉ sét, phơi sương (05/03/2012)

>   14 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép (05/03/2012)

>   Hỗ trợ khó khăn của doanh nghiệp thuộc Vinashin (05/03/2012)

>   Tập đoàn bán lẻ AEON của Nhật thâm nhập thị trường Việt (05/03/2012)

>   Vì sao có chuyện nợ tiền bán cá? (04/03/2012)

>   Vực dậy Đồng bằng sông Cửu Long (04/03/2012)

>   Chạy đua tìm than (04/03/2012)

>   Tạm dừng thành lập mới các khu kinh tế, khu công nghiệp (04/03/2012)

>   Nhập siêu từ Hàn Quốc - nỗi lo mới (04/03/2012)

>   Quản lý hoạt động xuất khẩu khoáng sản: Khó về giá (04/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật