Chủ Nhật, 04/03/2012 22:37

Vực dậy Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất giàu tiềm năng với lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái… Tuy nhiên, qua nhiều năm tập trung khai thác, tài nguyên đã cạn dần. Cùng với sự đầu tư không tương xứng về giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng…, ĐBSCL trở nên lạc hậu toàn diện so với nhiều khu vực khác

Nhiều thế mạnh mà vẫn yếu!

Không phát huy được thế mạnh nên ở ĐBSCL, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống nông thôn chậm phát triển, khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng tăng.     

ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha, trong đó có 1,68 triệu ha đất phèn (chiếm 44% diện tích chung) tập trung ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên. Đất phù sa có 1,16 triệu ha (chiếm 30%) tập trung dọc theo hai bờ sông Tiền và sông Hậu. Đất mặn ven biển có 0,7 triệu ha (chiếm 18%), trồng rừng ngập mặn và các loại đất khác chiếm 8%. ĐBSCL nằm trong vùng khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình 27oC, lượng mưa trung bình hằng năm từ 1.500 - 2.000 mm, lũ lụt xảy ra từ cuối tháng 8 kéo dài đến tháng 11… Những điều kiện khí hậu này kết hợp với nguồn đất phù sa màu mỡ đã giúp ĐBSCL trở thành vựa lúa, thủy sản và trái cây lớn nhất nước.

Nhận diện tiềm năng

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, từ năm 2001-2010, năng suất lúa vùng ĐBSCL tăng từ 4,3 tấn/ha lên 6,3 tấn/ha, nâng sản lượng từ 16 triệu tấn lên 21,6 triệu tấn. Hằng năm, xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 3 tỉ USD, chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cây ăn trái phát triển nhanh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với nhu cầu thị trường, một số giống đã có thương hiệu như xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn… Đến cuối năm 2010, toàn vùng có hơn 400.000 ha cây ăn trái, chiếm 40% diện tích cả nước, đạt 3,5 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với năm 2001, chiếm khoảng 70% sản lượng trái cây cả nước.

Ngoài ra, ĐBSCL là vùng nuôi, đánh bắt thủy sản lớn nhất nước, chiếm 70% diện tích nuôi, 58% sản lượng thủy sản cả nước. Trong những năm qua, cơ cấu sản xuất trong ngành thủy sản chuyển biến theo hướng tăng tỉ trọng nuôi trồng từ 236.200 ha năm 2001 lên 736.400 ha năm 2010, sản lượng từ 444.000 tấn lên 1,9 triệu tấn, tăng 4,4 lần. Trong đó xuất khẩu cá tra, tôm trở thành những ngành kinh tế chiến lược của quốc gia. Ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhận định: “Đạt được những thành tựu như trên là nhờ Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị được ban hành kịp thời, trong đó đã định hướng rõ, đánh giá đúng đặc điểm, vị trí quan trọng, tiềm năng, lợi thế và những khó khăn của vùng, làm cơ sở cho các địa phương, bộ, ngành ưu tiên mục tiêu, tập trung tổ chức thực hiện”. Chính vì vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng giai đoạn 2001-2010 đạt 11,7%/năm, giá trị sản xuất năm 2010 đạt gần 337.000 tỉ đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt 9,3 tỉ USD.

Làm ăn manh mún, đầu tư ít

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Theo một báo cáo gần đây, Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp ngày càng ít đi. Ngành nông nghiệp đóng góp cho GDP hơn 20% nhưng theo kiểm tra của Quốc hội, việc đầu tư lại chưa tới 7%, không tương xứng với tiềm năng”. Do vậy, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống nông thôn chậm phát triển, khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng tăng. Ở các nước trên thế giới, nơi nào không trồng lúa được họ mới làm công nghiệp. Còn Việt Nam và khu vực ĐBSCL thì ngược lại, nơi nào có phương tiện đường thủy, đường bộ tốt thì dành làm công nghiệp, gây lãng phí lớn. Nông dân làm ra hạt lúa cho hàng chục triệu người có bát cơm ngon nhưng hiện nay, đời sống của đại bộ phận này còn nghèo, chỉ có doanh nghiệp mới thu nguồn lợi lớn từ lúa gạo”.

TS Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cho biết: “Sản xuất trái cây ở ĐBSCL còn manh mún, nhỏ lẻ, làm ra sản lượng khá lớn nhưng đầu ra không ổn định. Tuy hiện nay có chương trình VietGAP áp dụng cho một số loại cây ăn trái nhưng diện tích còn quá nhỏ, không đáp ứng nhu cầu thị trường ngoài nước”. Theo một cán bộ Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, ĐBSCL có tiềm năng khai thác thủy hải sản dồi dào nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ cho khai thác như: cảng cá; bến cá; chợ cá; khu neo tránh, trú bão chưa đáp ứng nhu cầu năng lực tàu thuyền rất lớn trong vùng.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tuy được tập trung đầu tư cho ĐBSCL trong những năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các công trình cầu Vàm Cống, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, tuyến đường sắt TPHCM - Mỹ Tho triển khai ì ạch. Những tuyến đường huyết mạch xuống cấp như Quốc lộ 91 nối TP Cần Thơ với TP Long Xuyên (An Giang) và nối Long Xuyên với biên giới. Hiện còn 144 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã; các cảng nằm dọc tuyến sông Tiền, sông Hậu, cảng biển Đại Ngãi, Hòn Chông chưa được đầu tư xây dựng. Về thủy lợi, chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau và dự án thủy lợi Ba Lai (Bến Tre) đầu tư chưa đồng bộ…

Không thể chỉ dựa vào tiềm năng

Giai đoạn 2001-2010, cơ cấu kinh tế của vùng ĐBSCL chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2000, tỉ trọng khu vực I (nông - lâm - thủy sản) chiếm 53,5%, khu vực II (công nghiệp - xây dựng) là 18,5%, khu vực III (dịch vụ) là 28%. Nhưng đến năm 2010, cơ cấu kinh tế các khu vực tương ứng là 39%, 26% và 35%. Điều này cho thấy nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo của vùng ĐBSCL.

TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), nói: “Tiềm năng lúa gạo, thủy sản, trái cây như bệ phóng giúp đất nước vượt qua giai đoạn nghèo khó nhưng chỉ dựa vào tiềm năng này mà hy vọng đời sống người dân khá lên là không thể. Nếu chỉ dựa vào tiềm năng trời cho, chỉ khai thác mà không đầu tư, về lâu dài nó sẽ suy giảm, kéo theo tăng trưởng thấp”.

 Ca Linh

Người lao động

Các tin tức khác

>   Chạy đua tìm than (04/03/2012)

>   Tạm dừng thành lập mới các khu kinh tế, khu công nghiệp (04/03/2012)

>   Nhập siêu từ Hàn Quốc - nỗi lo mới (04/03/2012)

>   Quản lý hoạt động xuất khẩu khoáng sản: Khó về giá (04/03/2012)

>   Tận dụng cơ hội xuất khẩu vào EU (03/03/2012)

>   Sản xuất, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL: Đang trên đường tụt dốc (03/03/2012)

>   Đề nghị gia hạn nợ cho doanh nghiệp ngành điều (03/03/2012)

>   Mỹ giảm thuế chống bán phá giá tôm VN, MPC hưởng thuế 0% (03/03/2012)

>   Doanh nghiệp, nhà kinh tế chia sẻ kinh nghiệm “vượt bão” (02/03/2012)

>   Lòng kiêu hãnh của tập đoàn kinh tế (02/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật