Tận dụng cơ hội xuất khẩu vào EU
Mặc dù Châu Âu đang lâm vào khủng hoảng nợ công nhưng các doanh nghiệp Việt Nam không những ít chịu tác động mà còn có cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU.
Lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam
Bộ Công Thương nhận định, trong khi nhiều mặt hàng được nhập khẩu vào thị trường châu Âu như xe hơi, vật liệu xây dựng, đồ điện và điện tử, đồ gia dụng... giảm mạnh thì các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, thực phẩm, quần áo, giày dép, cà phê, thuỷ sản... lại được duy trì ở mức cao, thậm chí tăng về lượng.
Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang Châu Âu như điện thoại, dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản, hạt tiêu, điều, đồ gỗ,... tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, khoảng hơn 25% so với năm 2010. Một trong những lý do khiến cơ hội hàng hoá Việt Nam có thể tăng thị phần tại EU trong điều kiện khủng hoảng kinh tế tài chính, người tiêu dùng các nước có xu hướng quay lại dùng các sản phẩm hàng hóa có giá hợp lý.
Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì lợi thế này, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội XK trong năm 2012.
Chẳng hạn, nhu cầu nhập khẩu hoa quả của Châu Âu đang gia tăng tới 50% và đa số nhập khẩu trái cây nhiệt đới. Trong đó chuối và dứa là những loại trái cây được nhập khẩu nhiều nhất vào thị trường này. Nếu như 5 năm trước, riêng trái dứa mới nhập khẩu vào Châu Âu khoảng 400.000 tấn thì nay đã tăng đột biến lên đến hơn 900.000 tấn và trong hầu hết các chợ, siêu thị ở Châu Âu đều có tiếp thị giới thiệu về sản phẩm dứa với nhiều hình thức. Các loại trái cây khác của Việt Nam như bưởi, chanh, đu đủ, thanh long, vải… có nhiều triển vọng XK vào Châu Âu.
Không chỉ có hoa quả mà nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng được người tiêu dùng Châu Âu tiếp tục nhập về phục vụ cho cuộc sống. Chẳng hạn tại Pháp, nền kinh tế đứng thứ hai Châu Âu hằng năm có lượng tiêu dùng khá mạnh trong 27 nước EU, trong năm 2012 có nhu cầu nhập khẩu 100 triệu USD thuỷ sản, 310 triệu USD dệt may, 480 triệu USD giày dép, 115 triệu USD đồ gia dụng...
Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp Nguyễn Cảnh Cường cho biết: Xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp thời gian tới sẽ tiếp tục tăng vì cơ cấu sản phẩm hàng xuất khẩu tiêu dùng sang Pháp rất cao. Người Pháp và châu Âu có thể cắt giảm chi tiêu hàng tiêu dùng cao cấp, nhưng đồ tiêu dùng thiết yếu vẫn không suy giảm. Những sản phẩm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh ở Pháp hiện nay là hàng dệt may, giày dép, hạt điều, hạt tiêu..., nhưng phải lưu ý trong vấn đề an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thủy sản, tránh để các yếu tố bất lợi gây tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông cũng khuyến cáo, do khủng hoảng nợ công và tác động của hệ thống tài chính ngân hàng, tại Pháp cũng như ở một số nước châu Âu sẽ không tránh khỏi việc một số doanh nghiệp phá sản. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong các điều khoản thanh toán khi xuất khẩu sang khu vực này và hạn chế giao hàng trước.
Và những vấn đề cần lưu ý
Ông Trần Công Thực, Tham tán thương mại Việt Nam tại EU, cho biết, nhiều mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, da giày, hàng linh kiện điện tử máy tính… của Việt Nam đã được bạn hàng châu Âu chấp nhận.
Nhưng theo ông Thực, năm 2012 EU sẽ thay đổi một số chính sách liên quan đến vấn đề ưu đãi cho các nước đang phát triển, thay vì họ quy định cho những nhóm hàng thì nay họ có thể quy định thị phần hoặc chia nhỏ số lượng hàng xuất khẩu của từng quốc gia vào EU. Với cách làm này, nhiều khả năng một số mặt hàng của Việt Nam sẽ bị đẩy ra khỏi danh sách được hưởng quy chế ưu đãi như trước đây. Theo đó, quy định kiểm tra về động thực vật sẽ trở nên gay gắt hơn. Mặt khác, EU cũng đang dự thảo về quy định dán nhãn mác vào sản phẩm nên buộc các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ hơn về các luật lệ thì mới có thể tăng lượng hàng xuất khẩu vào EU.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng khó khăn của thị trường EU cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam xem lại, cải thiện chiến lược của họ. Với cái nhìn lạc quan, ông Thành nói nếu so với các nước đang phát triển khác thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam (tính theo khối lượng) vẫn còn khả quan vì Việt Nam xuất sang EU chủ yếu là hàng thiết yếu, như giày dép, nông sản, thủy sản,…nên nhu cầu hàng hoá Việt Nam co giãn theo giá không quá lớn.
Dù gặp khó khăn, theo ông Thành, tiềm năng thị trường EU vẫn còn rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, vì một số nền kinh tế tại EU, bao gồm Đức vẫn tương đối mạnh. Tuy nhiên, khai thác tốt thị trường EU không phải là chuyện dễ và doanh nghiệp phải biết kết hợp cạnh tranh bằng giá và hiểu biết hơn thị trường EU, như về các vấn đề pháp lý, ưu đãi thuế quan, sở hữu trí tuệ.
Công Trí
chính phủ
|