Thứ Tư, 07/03/2012 08:48

Doanh nghiệp nội địa cũng chuyển giá

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, ngành thuế không chỉ quyết liệt chống chuyển giá với doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, mà còn mạnh tay chống chuyển giá với DN trong nước.

Từ trước đến nay, nói đến chuyển giá người ta chỉ nghĩ đến DN có vốn đầu tư nước ngoài, công ty xuyên quốc gia. Vì sao ông lại cho rằng, DN trong nước cũng có hoạt động chuyển giá?

Chuyển giá là hành vi thực hiện chính sách chuyển giao sản phẩm (tài sản hữu hình, tài sản vô hình, dịch vụ; vay, mượn vật tư, tiền vốn) giữa các thành viên của cùng một tập đoàn kinh tế, công ty đa quốc gia không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường. Mục đích của chuyển giá là tối thiểu hoá nghĩa vụ tính thuế trong tập đoàn, nhằm tối đa hoá lợi nhuận dựa vào chính sách ưu đãi thuế hoặc sự khác biệt về thuế suất giữa các vùng, miền hay quốc gia. Như vậy, về nguyên tắc, chuyển giá không chỉ diễn ra trong các giao dịch quốc tế do DN có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện, mà có thể còn do DN trong nước thực hiện.

Theo ông, tình trạng DN trong nước thực hiện chuyển giá đã phổ biến chưa?

Phổ biến hay chưa thì phải triển khai quyết liệt nhiều giải pháp chống chuyển giá mới có thể kết luận được. Nhưng chắc chắn, có không ít tập đoàn kinh tế trong nước đã lợi dụng chính sách ưu đãi thuế, thành lập một số công ty con hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau để chuyển lợi nhuận trước thuế từ nơi không được ưu đãi thuế sang nơi được ưu đãi thuế hoặc chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN có lãi sang DN bị lỗ thông qua chuyển giao sản phẩm và cung cấp dịch vụ giữa các bên không theo giá thị trường để giảm thiểu nghĩa vụ thuế của cả tập đoàn.

Hiện tại, tình trạng chuyển giá xảy ra khá phổ biến ở lĩnh vực khai thác mỏ. Nhiều đơn vị khai thác mỏ thành lập 2 công ty độc lập, một công ty chuyên khai thác và một công ty chuyên lưu thông. Công ty khai thác bán sản phẩm cho công ty lưu thông với giá chỉ bằng một nửa giá thị trường khiến Nhà nước mất một nửa thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp và nhiều loại thuế, phí khác.

Ngoài mỏ, tình trạng chuyển giá còn xảy ra ở lĩnh vực nào?

Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. Đặc biệt là kinh doanh khách sạn, lưu trú qua đêm cung cấp các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí. DN hoạt động trong những lĩnh vực này thường khai giá thuê phòng lưu trú thấp hơn thực tế, phần chênh lệch giữa giá thu thực tế và giá khai báo được chuyển cho công ty lữ hành. Quảng Ninh hiện có khoảng 80 DN kinh doanh du lịch với 500 tàu du lịch đưa đón khách tham quan Vịnh Hạ Long, trong đó có 160 tàu có dịch vụ lưu trú qua đêm trên Vịnh Hạ Long. Cục Thuế Quảng Ninh cho biết, khách lưu trú qua đêm phải mua vé với giá 100-120 USD nhưng DN chỉ khai giá 40-60 USD, khiến hàng năm ngân sách bị thất thu không nhỏ từ hoạt động này.

Để chống tình trạng thất thu trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, UBND tỉnh Quảng Ninh có nên ban hành mức giá sàn vé tham quan/lưu trú trên Vịnh Hạ Long?

Giá tham quan, du lịch không thuộc danh mục hàng hoá, dịch Nhà nước kiểm soát giá, định giá, bình ổn giá, nên không thể ban hành mức giá sàn. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường, Nhà nước cũng không nên can thiệp giá kinh doanh dịch vụ. Để chống chuyển giá với DN trong nước, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế, công an, tài chính, quản lý thị trường.

Thưa ông, tình trạng đại lý ô tô xe máy bán giá cao hơn so với giá của nhà sản xuất công bố có phải là hiện tượng chuyển giá của nhà sản xuất?

Nhà sản xuất không chuyển giá, vì các đại lý bán hàng không phải là công ty con, công ty liên doanh, liên kết. Đại lý bán ô tô, xe máy cao hơn giá do nhà sản xuất là hành vi gian lận. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 71/2010/TT-BTC hướng dẫn ấn định thuế đối với cơ sở kinh doanh xe ô tô, xe máy ghi giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường. Theo đó, khi phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ô tô, xe máy cho khách hàng cao so với mức ghi trên hóa đơn, cơ quan thuế có quyền được ấn định mức giá mới phù hợp để xác định thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ.

Mặc dù vậy, tình trạng bán ô tô, xe máy cao hơn giá ghi trên hoá đơn để trốn thuế vẫn diễn ra phổ biến?

Để xác định cơ sở kinh doanh ô tô, xe máy nào đó có vi phạm pháp luật thuế hay không chúng tôi sử dụng rất nhiều nguồn thông tin, dữ liệu từ các nguồn khác nhau, trong đó rất coi trọng thông tin  do báo chí cung cấp. Mỗi khi phát hiện hoặc nghi vấn cơ sở nào vi phạm ngay lập tức cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế và xử phạt hành chính đối với cơ sở vi phạm.

Cụ thể, kể từ ngày 21/6/2010 (ngày Thông tư 71/2010/TT-BTC có hiệu lực), cơ sở kinh doanh ô tô, xe máy phải niêm yết giá bán và bán đúng giá giao dịch thông thường trên thị trường, hoặc thấp hơn 5% thì được tính thuế theo giá niêm yết (giá niêm yết phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp biết theo từng thời điểm). Các trường hợp niêm yết giá nhưng bán không đúng quy định đều bị ấn định giá theo giá thị trường và ấn định số thuế phải nộp.

Mạnh Bôn

đầu tư

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp chế biến gỗ lao đao (07/03/2012)

>   Trăm, ngàn tỉ đồng - nói nhẹ như không (06/03/2012)

>   19 DN khai mỏ Australia tìm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam (06/03/2012)

>   Việt Nam học kinh nghiệm làm trò chơi có thưởng từ Singapore (06/03/2012)

>   Chưa kiểm điểm xong ông Đào Văn Hưng (06/03/2012)

>   Rót tiền để tái cơ cấu? (06/03/2012)

>   Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn tại EVN (06/03/2012)

>   Sumitomo lập liên doanh sản xuất thép ở Việt Nam (06/03/2012)

>   2 tháng đầu năm, sản lượng Habeco tăng, Sabeco giảm (06/03/2012)

>   Doanh nghiệp vận tải 'cắn răng' đi cao tốc (06/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật