Thứ Hai, 05/03/2012 16:59

Lắng nghe cổ đông nhỏ lẻ

Năm 2009, tại ĐHCĐ của REE, khi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Mai Thanh trình bày về các dự án nhà máy điện, một cổ đông cá nhân đã nêu quan điểm phản biện rất thuyết phục. Anh chỉ ra những điểm lãng phí nếu xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu từ việc đốt rác. Kết thúc đại hội, đích thân bà Mai Thanh đã xuống bắt tay và cảm ơn cổ đông này, thậm chí khi nghe anh vừa nghỉ hưu, bà đã ngỏ lời mời về REE công tác.

Trên đây là một trong những thí dụ điển hình về vấn đề lãnh đạo doanh nghiệp lắng nghe, tiếp thu và trân trọng ý kiến cổ đông, nhất là cổ đông cá nhân, nhỏ lẻ, nhưng trong thực tế lại không nhiều. Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới CTCK MHBs, cho rằng có những cổ đông rất bình thường nhưng có thể đóng góp những sáng kiến kinh doanh đáng giá cho doanh nghiệp.

Vì vậy, lắng nghe và tiếp nhận sao cho hiệu quả nhất là một cách để lãnh đạo đi tìm những nguồn lực tiềm ẩn trong chính doanh nghiệp mình thay vì phải tốn chi phí tìm kiếm xa xôi.

Thực tế, tại ĐHCĐ những tiếng nói mang tính chất góp ý “có chất” từ phía nhà đầu tư cá nhân hiện chưa nhiều, còn lãnh đạo doanh nghiệp thường rất sợ cổ đông phản biện về những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh, làm ăn yếu kém, phát hành CP.

Bởi nhiều cổ đông chỉ chờ cầm micrô để “dìm” không thương tiếc ban lãnh đạo doanh nghiệp. Những điều này dẫn đến việc cả 2 phía thay vì đối thoại đã trở thành đối đầu, bên muốn nói nhiều hơn, còn một bên muốn rút ngắn thời gian càng sớm càng tốt. Và với thời lượng có hạn trong khuôn khổ của ĐHCĐ, khách quan mà nói, không thể để ai cũng có thể nói được.

Năm ngoái, tại ĐHCĐ của một vài quỹ đầu tư, một nhóm cổ đông lớn đã “hành” ban lãnh đạo khi dẫn ra được những con số chứng minh về hoạt động kém hiệu quả. Nhưng cũng nhóm cổ đông trên khi tham gia ĐHCĐ của một quỹ lớn khác lại im lặng. Theo tiết lộ từ những người trong cuộc, sự êm thấm này là do đã có cuộc dàn xếp trước đó với các cổ đông.

Hay như trường hợp của Pinaco (PAC), thường tổ chức trước một cuộc gặp với các cổ đông lớn là các NĐT tổ chức để chia sẻ thông tin. Nói như vậy để thấy rằng việc lắng nghe, tiếp thu, thậm chí thương lượng, điều đình không phải để đến ĐHCĐ mới ứng phó. Nếu doanh nghiệp biết “ứng xử” với cổ đông lớn như vậy, tại sao không thử áp dụng với cổ đông nhỏ lẻ?

Thực chất, nếu nói về chất xám, chưa chắc cổ đông lớn đã hơn cổ đông tổ chức hay cổ đông cá nhân. Thí dụ trường hợp của REE đã nói ở trên, cổ đông khiến bà Mai Thanh phải cảm ơn chính là một người có rất nhiều kinh nghiệm trong ngành điện, nhiều quỹ đầu tư cũng đã đến xin số điện thoại của người này để tham khảo ý kiến.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC), thường phát biểu tại ĐHCĐ của công ty mình: “Tôi rất mong nhận được câu hỏi của cổ đông, càng khó càng tốt. Có như vậy, chúng tôi mới nghiêm túc nhìn lại năng lực để xác định những điểm yếu của mình lập tức khắc phục”.

Đại hội cổ đông tại Vinaconex (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Tại nhiều ĐHCĐ, nhiều cổ đông cao tuổi đứng lên phát biểu những vấn đề có thể có tính chất kỹ thuật không cao, nhưng lại rất hợp tình hợp lý, và đặc biệt rất tâm huyết với doanh nghiệp. Vậy mà sau khi phát biểu xong, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp mặt lạnh tanh, chỉ nói: “Cảm ơn bác đã góp ý, xin mời cổ đông tiếp theo”. Thử hỏi, ai muốn tiếp tục phát biểu lần nữa.

Ở đây, cũng có những trường hợp vì cổ đông phát biểu tại ĐHCĐ này nhưng thấy ý kiến của mình chưa được tôn trọng, lại đi dự… ĐHCĐ khác cũng phát biểu một ý tương tự như vậy. Những ai thường tham dự ĐHCĐ có thể nhận biết một số cổ đông cá nhân quen mặt. Nhiều người nói những cổ đông này “rảnh”, nhưng người khác tỏ ra khách quan hơn thì nói rằng họ sẽ còn nói, cho đến khi nào nhận được sự quan tâm đúng mực mới thôi.

Nói đi cũng phải nói lại, có những trường hợp cổ đông phát biểu rất “vô thưởng vô phạt”, ngay những cổ đông khác cũng không muốn nghe huống hồ lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, những cổ đông này lại bị “dập” một cách không thương tiếc, điều này khiến họ cảm thấy ức.

Giám đốc một quỹ đầu tư chia sẻ quỹ của anh thường nhận được không ít những góp ý, quan điểm về hoạt động đầu tư, thậm chí còn “phím hàng” cho quỹ nên mua con nào. Ý kiến nào cũng được anh sẵn sàng tiếp thu, những ý kiến thấy “chưa đạt” cũng ráng phân tích cho cổ đông hiểu, nếu ứng dụng sẽ rủi ro chỗ nào, không hợp lý ra sao… Điều này rất vất vả, nhưng phải làm.

Thông thường, lãnh đạo các doanh nghiệp thường “khất” cổ đông rằng có vấn đề gì xin liên lạc với bộ phận quan hệ cổ đông, gửi email đến công ty sẽ được giải đáp. Nhưng thiết nghĩ, ngay trong đại hội, lãnh đạo doanh nghiệp đã bộc lộ thái độ trịch thượng thì liệu có “hạ cố” hay chỉ đạo nhân viên của mình trân trọng trả lời thư từ của cổ đông thông qua văn bản hay không?

Nhiều cổ đông cũng tỏ ra e dè: “Hỏi qua email, nhưng chẳng có biện pháp khuyến khích chúng tôi hỏi, cho một địa chỉ email rõ ràng hay một người nào đó đứng ra chịu trách nhiệm trả lời. Không biết lắng nghe tất nhiên sẽ không thể khai thác được nguồn lực từ cổ đông nhỏ”.

Lê Thụy Thanh Tâm

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   Giao dịch hai buổi, các sàn vắng vẻ về chiều (05/03/2012)

>   Rút ngắn thời gian thanh toán T+: Việt Nam không nên là một ngoại lệ! (05/03/2012)

>   Chứng khoán: “Yêu lại từ đầu” (05/03/2012)

>   Giao dịch thêm phiên chiều: Một quyết định văn minh! (05/03/2012)

>   Chậm chuyển giao tài khoản: CTCK hết khất lần lại chối quanh (05/03/2012)

>   HBB: Tin đồn, cơ hội và nguy cơ (05/03/2012)

>   Thị trường chứng khoán: Dòng tiền đang chảy về  (05/03/2012)

>   Đầu cơ chứng khoán: Coi chừng trắng tay trong tăng trưởng (05/03/2012)

>   Kiểm soát giao dịch bất thường, cách nào? (04/03/2012)

>   TTCK: “Thật ngoài sức tưởng tượng” (04/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật