Chứng khoán: “Yêu lại từ đầu”
Hai năm đánh mất niềm tin với đủ cung bậc chán chường, thất vọng và thậm chí… thù hận cái TTCK này, nhưng không hiểu sao NĐT Việt Nam có thể tìm lại được niềm tin chỉ trong vòng có… hai tuần?
Niềm tin đánh mất
Kể từ ngày TTCK ra đời, xã hội Việt Nam xuất hiện thêm một thành phần mới là nhà đầu tư (NĐT). Từ các ông, các bà đã nghỉ hưu đến các vị còn đi làm ngày 8 tiếng; từ bà bán rau, chú lái xe ôm đến nhân viên ngân hàng, chuyên gia cao cấp; từ đại gia vài trăm tỷ đến “thiếu gia” sinh viên vài…trăm ngàn…Thôi thì đa dạng về tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị xã hội, cứ ai có tài khoản và mua bán chứng khoán thì đều “cá mè một lứa”, gọi chung là NĐT.
Vậy là ngoài việc huy động vốn cho doanh nghiệp ra, TTCK còn “vô tình” kết nối mọi người từ các thành phần trong xã hội lại để cùng nhau… đồng cam cộng khổ trên TTCK. Hơn hai năm qua, cứ ngỡ như cái vòng kết nối này tan vỡ vì liên tiếp sóng gió bão bùng xảy ra với NĐT…
Thị trường liên tục đi xuống, tài khoản cũng bốc hơi vài chục phần trăm. Nhưng “gia cảnh” thê lương đó cũng không làm các tổ chức trên thị trường động lòng thương hại mà buông tha. Vài lần đánh lên rồi thoát hàng của họ là đủ để đẩy mớ cổ phiếu… của nợ về cho các NĐT. Đã vậy, các doanh nghiệp còn đua nhau… phát hành cổ phiếu mới trong khi thị giá đang thấp hơn mệnh giá. NĐT “một cổ hai tròng” chỉ biết ngày ngày nhìn danh mục đang bốc hơi mà thêm xót xa.
Tiếng là khách hàng - “thượng đế” của CTCK, nhưng thực ra NĐT cũng chẳng khác gì “gà” cho một số CTCK “vặt lông”. Tiền trong tài khoản thì bị lợi dụng cho vay, cổ phiếu thì bị “mượn”, không đặt lệnh giao dịch mà lại thấy tiền hao đi... Hơn nữa, lúc thị trường thăng hoa, các CTCK đón đưa mời chào dùng đòn bẩy, đến khi thị trường lao dốc thì suốt ngày thúc ép NĐT nạp tiền vào tài khoản. Thôi thì nghe theo lời Phật “quay đầu là bờ” không chơi đòn bẩy, nhưng … “ ai ngờ là vực”- danh mục bị giải chấp từ lâu mà không biết…
NĐT có tuổi đời đầu tư nhiều thì 7-8 năm, ít có ai theo cùng thị trường từ lúc nó mới sinh ra. TTCK giờ được 11 tuổi, tức là mới bước vào độ tuổi… dậy thì, độ tuổi ấy còn nhiều cái dở dở ương ương lắm mà các nhà kinh tế vẫn thường gọi là “khuyết tật của thị trường”. Cái khuyết tật ấy nó gây hậu họa ra sao thì thị trường cứ đùn đẩy cho nhau, cuối cùng lại là NĐT gánh chịu.
Vậy nên báo chí nói nhiều về niềm tin NĐT bị tổn thương trong suốt hai năm qua, muốn phát triển thị trường bền vững thì phải gây dựng lại niềm tin ấy…
…nhưng chẳng ai ngờ niềm tin ấy lại có thể lấy lại được chỉ trong vòng có… hai tuần.
“Yêu lại từ đầu”
Những chuyển biến tích cực trong chính sách và tình hình kinh tế trong hai tháng đầu năm là nguyên nhân làm TTCK tăng điểm trong thời gian qua. Nhưng không ai ngờ, dòng tiền chảy vào TTCK lại…“ điên đảo” đến thế. Từ mức lèo tèo vài trăm tỷ/phiên trên cả hai sàn năm 2011 thì hai tuần vừa qua, nghìn tỷ/phiên xuất hiện nhiều hơn.
28/2, khối lượng và giá trị giao dịch lập kỷ lục tại HNX, sàn HSX giao dịch 1,700 tỷ. Hàng loạt các CTCK cảnh báo thị trường sẽ có phiên điều chỉnh.
29/2, hai sàn đóng cửa trong sắc xanh, HSX giao dịch 2,300 tỷ.
Các CTCK tiếp tục cảnh báo ngưỡng kháng cự, rủi ro tăng cao.
Đóng cửa tuần, cả hai ngưỡng kháng cự bị phá vỡ. VN-Index lên 439.60, còn HNX-Index lên 71.72. Đến cả những mã như SME, VKP, BAS… cũng tăng trần.
Khắp các diễn đàn về chứng khoán, các NĐT hùa nhau “ lên tàu”, không khí tươi vui, lạc quan trở lại. Chẳng ai còn nhớ những lần bị lừa đánh “chứng” lên để thoát hàng; chẳng ai nhìn lại những vết thương hay những chán chường, thất vọng đã từng trải qua hai năm qua…
Niềm tin trở về. NĐT như…“ yêu lại từ đầu”.
Không hiểu chứng khoán là “em” nào, “sắc nước hương trời” thế nào mà NĐT xứ mình si tình đến vậy?
Câu hỏi trên chỉ những ai vướng cái nghiệp chứng khoán vào mình mới có thể trả lời. Khi đã yêu “em” ấy rồi, ngẫm lại những gì đã qua, nhìn những gì đang diễn ra trước mắt, ta mới thấy. Chỉ ở trên TTCK, con người ta mới nhìn thấy rõ được mình…tham lam?
Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)
Finfonet
|