Thứ Hai, 05/03/2012 11:02

Chậm chuyển giao tài khoản: CTCK hết khất lần lại chối quanh

Dù một số CTCK đã rút nghiệp vụ môi giới khá lâu, nhưng nhiều NĐT vẫn chưa chuyển giao tài khoản của mình vì đủ mọi lý do từ CTCK.

Có thực là đã xong?

Thua lỗ nặng nề, thậm chí ăn cả vào vốn chủ sở hữu đã khiến một số CTCK phải rút nghiệp vụ môi giới. Việc dừng hoạt động kinh doanh trong một số mảng, lĩnh vực không đem lại hiệu quả như mong muốn để chuyển sang một hoạt động khác có lợi nhuận cao hơn của các DN là điều hết sức bình thường.

Tuy nhiên, khi một CTCK dừng cung cấp dịch vụ môi giới, nhiều vấn đề về quyền lợi của NĐT - khách hàng đang được đặt ra và thực tế một số trường hợp chưa được giải quyết thích đáng. Trao đổi với ĐTCK, một số NĐT mở tài khoản tại các CTCK rút nghiệp vụ môi giới bày tỏ bức xúc khi tài khoản chậm chuyển giao, NĐT không thể giao dịch khi thị trường sôi động.

CTCK Hà Nội (HSSC) đã chấm dứt tư cách thành viên của 2 Sở, dừng lưu ký và thực hiện tất toán tài khoản cho NĐT từ ngày 9/12/2011 đến ngày 9/1/2012. Sau thời gian này, NĐT nào chưa đến làm thủ tục tất toán tài khoản sẽ được HSSC chuyển giao tài khoản sang CTCK Thiên Việt. Theo lời một nhân viên của HSSC thì đến nay, CTCK này đã chuyển hết những tài khoản đã tất toán của NĐT, chỉ còn khoảng 500 - 600 tài khoản NĐT không tới tất toán. CTCK này cũng không có vướng mắc, khiếu kiện gì với NĐT.

Hồi cuối tháng 12/2012, CTCK Trường Sơn (TSS) cũng thông báo trên website về việc đóng tài khoản giao dịch của NĐT và yêu cầu, trong vòng 7 ngày (từ ngày 23 - 29/12/2011), NĐT phải đến TSS để tất toán, chuyển tài khoản. Sau thời hạn đó, nếu NĐT chưa đến, CTCK sẽ tự động chuyển các tài khoản sang CTCK Navibank. Ngày 1/3/2012, lãnh đạo CTCK này cho biết, hiện chỉ còn khoảng 600 tài khoản chưa chuyển đi do khách hàng không đến tất toán. Trong số đó, có những tài khoản chỉ còn số dư tiền 100.000 - 200.000 đồng. Lãnh đạo CTCK này cho biết, đã gửi công văn đến Trung tâm Lưu ký (TTLK) để xin ý kiến giải quyết đối với những tài khoản này.

Mặc dù các CTCK này khẳng định đã giải quyết êm thấm với khách hàng, nhưng thực tế vẫn có một số NĐT gửi đơn thư tố cáo, khiếu nại. Đơn cử, tại TSS, NĐT Trần Thị Vượng liên tiếp có đơn thư tới các cơ quan chức năng tố cáo CTCK này phong tỏa trái phép tài khoản trị giá hơn 2 tỷ đồng của bà; NĐT Khúc Xuyền tố cáo TSS giả mạo chữ ký; NĐT Phan Huỳnh Dũng tố cáo CTCK Trường Sơn lừa đảo của ông hơn 4 tỷ đồng…

Hay như trường hợp HSSC, gần 3 tháng kể từ khi CTCK này bắt đầu thực hiện tất toán, vẫn có NĐT chưa thể chuyển tài khoản sang CTCK mới và thường xuyên gọi điện giục giã. Tương tự như vậy, kể từ khi CTCK SME chuyển về trụ sở của CTCP Đầu tư SME, nhiều NĐT tới đây để hỏi về tình hình chuyển giao tài khoản. Nhân viên của CTCP Đầu tư SME thường xuyên bị NĐT “nặng lời”, bởi những NĐT này bức xúc và lo lắng vì tài sản của họ đến giờ vẫn chưa được chuyển giao.

Khó giải quyết tranh chấp

Phóng viên ĐTCK đã trực tiếp nghe nhân viên một CTCK đã thông báo rút nghiệp vụ môi giới trả lời những bức xúc của NĐT về nguyên nhân vì sao đến nay một số tài khoản vẫn chưa được chuyển giao sang CTCK mới. Lý do mà nhân viên này đưa ra là Công ty đã chốt và chuyển lên TTLK, song TTLK chưa chuyển đi và khi nào chuyển đi được thì không thấy TTLK hứa hẹn. Tuy nhiên, lý do thực sự chưa hẳn là do TTLK, bởi khi thông số tài khoản do CTCK chuyển lên “vênh” với thông số của TTLK thì cơ quan này không thể chuyển tài khoản đi cho đến khi CTCK và NĐT giải quyết xong.

Vì sao có sự “vênh” nhau này và “vênh” ở đâu? Theo tìm hiểu của ĐTCK, số dư tiền trong tài khoản NĐT là phần dễ bị “bốc hơi” và tạo ra chênh lệch so với thông số trong tài khoản NĐT trên TTLK. Nguyên nhân là do các CTCK chưa thực hiện việc quản lý tách bạch tài khoản NĐT, do vậy dễ dẫn tới tình trạng lạm dụng tài sản. Nhiều trường hợp, số dư chứng khoán trong tài khoản NĐT còn đủ, song số dư tiền đã “lặn mất tăm”. CTCK đương nhiên không thể “nói thẳng, nói thật” cho NĐT, nên phải tìm cách trả lời vòng quanh và đổ cho cơ quan quản lý.

Ngoài ra, trong khi thị trường phát triển nóng, việc thiếu minh bạch và tuân thủ pháp luật của cả 2 phía CTCK và NĐT để lại hậu quả khó giải quyết. Chẳng hạn, để lách quy định T+4, ngoài tài khoản chính, NĐT còn nhờ người khác đứng tên mở tài khoản hộ. Hậu quả là có một số lượng tài khoản đến nay không thể tìm được chủ nhân đứng tên để hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo đúng quy định của luật pháp.

Do việc nhờ người đứng tên tài khoản, nên rất nhiều hồ sơ, giấy tờ, chứng từ đã được ký thay, ký hộ. Điều này dẫn đến những tranh chấp căng thẳng, thậm chí phải đưa nhau ra cơ quan pháp luật. Dịch vụ margin lách luật bằng hình thức hợp tác đầu tư cũng mang đến nhiều khúc mắc cho CTCK và NĐT. Những khoản vay để mua chứng khoán được đảm bảo bởi chính chứng khoán dẫn đến tranh cãi về trách nhiệm tài chính giữa các bên khi giá chứng khoán đi xuống.

Đáng nói là trong việc giải quyết tranh chấp giữa CTCK và NĐT, rất nhiều trường hợp phức tạp, khó phân định đúng sai, bởi vậy những tranh chấp, đơn thư vẫn tiếp diễn, kéo dài và khó giải quyết.

Bùi Trang

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   HBB: Tin đồn, cơ hội và nguy cơ (05/03/2012)

>   Thị trường chứng khoán: Dòng tiền đang chảy về  (05/03/2012)

>   Đầu cơ chứng khoán: Coi chừng trắng tay trong tăng trưởng (05/03/2012)

>   Kiểm soát giao dịch bất thường, cách nào? (04/03/2012)

>   TTCK: “Thật ngoài sức tưởng tượng” (04/03/2012)

>   Tháng 2: Vốn hóa thị trường tăng hơn 56,000 tỷ đồng (04/03/2012)

>   Chứng khoán Việt Nam – không mua bây giờ sẽ hối hận? (04/03/2012)

>   05/03: Bản tin đầu tuần (05/03/2012)

>   STB và MBB vào rổ chỉ số ETF, cổ phiếu ngân hàng tăng sức hút? (03/03/2012)

>   Doanh nghiệp hướng ngoại: Trả giá cho lợi ích ngầm (03/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật