Thứ Bảy, 03/03/2012 10:32

Doanh nghiệp hướng ngoại: Trả giá cho lợi ích ngầm

Hợp tác với đối tác nước ngoài phát hành riêng lẻ cổ phần để huy động vốn sẽ là trào lưu mới?

"Nội" quay lưng, "ngoại" để mắt

Thị trường chứng khoán nợ (trái phiếu) đang phát triển bùng nổ khi hàng loạt công ty phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ. Lãi suất trái phiếu từ 20-25%/năm trở nên hấp dẫn nhà đầu tư tổ chức, trở thành kênh huy động thuận lợi nhưng tạo ra chi phí cao với doanh nghiệp. Trái ngược lại, phát hành chứng khoán vốn (cổ phiếu) gặp nhiều trở ngại do yếu tố thị trường. Giá cổ phiếu đang thấp so với giá trung bình 3 năm: HSX giảm 19%, trong khi HNX giảm giá khoảng 45% so với giá trị trung bình. Giá cổ phiếu giảm dưới mệnh giá nên rất khó phát hành thành công theo hình thức đại chúng, mà phải theo hình thức riêng lẻ, lựa chọn đối tác chiến lược gắn bó lâu dài. Theo nhận định của ông Quách Mạnh Hào, PTGĐ CTCK Thăng Long (TLS), thị trường cổ phiếu đang ở mức rẻ nhất, nhưng cần ít nhất đến hết quý II/2012 để nhận thấy hiệu quả của chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, sau đó, mới có thể hy vọng thị trường tăng điểm. Ngoài ra,"bóng ma" thoái vốn của các quỹ đầu tư trong năm 2012 có giá trị khoảng 25.000 tỷ đồng, vẫn rình rập sự hồi phục TTCK, xói mòn sự quan tâm của nhà đầu tư nội.

Nhiều doanh nghiệp hướng ngoại vì muốn thay đổi chiến lược kinh doanh, phát triển sản phẩm mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh

Tuy nhiên, cũng ở thời điểm này, mức thị giá cổ phiếu so với thu nhập trên cổ phần (P/E) bình quân của thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán sáp nhập (M&A) hay đầu tư dài hạn của các tổ chức nước ngoài. Trên cả 2 sàn HOSE và HNX, mức giá cổ phiếu trên thu nhập cổ phần (P/E) chỉ ở mức tương ứng 8x và 4x trong năm 2011, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Do đó, các tập đoàn lớn như của Nhật tìm kiếm cơ hội đầu tư có chi phí thấp tại các thị trường mới nổi như Việt Nam nhờ sức mạnh của đồng Yên. Một số thương vụ phát hành thành công cổ phần cho đối tác nước ngoài phát đi những tín hiệu tích cực về sự hợp tác chiến lược. Đó không chỉ là những nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn, quan trọng hơn là kinh nghiệm cùng ngành nghề, muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Trả giá cho lợi ích ngầm

Tiêu biểu nhất là trường hợp Công ty XNK Y tế Domesco (DMC) bán thành công số lượng 305.817 cổ phiếu quỹ (tương ứng tỷ lệ 1,72%) cho đối tác ngoại là Công ty Dược CFR International (CFR International SPA) theo phương thức thỏa thuận. Mức giá chuyển nhượng là 53.000 đồng/CP, cao gấp 2,5 lần giá thị trường. Hơn thế nữa, 5 quỹ đầu tư lớn nắm giữ 36,2% cổ phần của DMC cũng đồng loạt thoái vốn cho cổ đông ngoại mới này gồm có: Qũy đầu tư chứng khoán Y tế Bản Việt; KITMC Vietnam Growth Fund 2; KITMC Worldwide Vietnam Fund 2; Dragon Capital Vietnam Mother Fund; Amersham Industries Limited. Như vậy, cổ đông mới CFR International nắm giữ trên 38% cổ phần trong DMC, có quyền tham gia 2 vị trí trong Hội đồng quản trị và 1 vị trí Ban Kiểm soát công ty.

Các quỹ ngoại tỏ ra hạnh phúc vì tận hưởng "vị ngọt" thu nhập bất thường trong thời điểm thị trường xuống dốc liên tục. Đối với DMC, thực chất đây không phải một thương vụ bán cổ phiếu quỹ thông thường với giá hời, mà sâu xa hơn là vụ mua bán sáp nhập điển hình để DMC có thêm nhân tố mới trong chiến lược kinh doanh và quản trị điều hành. Liệu CFR có quá hào phóng hay TTCK đang định giá cổ phiếu quá rẻ để châm ngòi liên tục cho các thương vụ bán cổ phần?

CFR là một công ty dược phẩm có tiếng tại khu vực Mỹ La tinh, được thành lập tại Chile từ năm 1922, mở rộng sang thị trường quốc tế đầu những năm 1990. Chiến lược phát triển của CFR và Domesco khá giống nhau, tập trung vào mảng thuốc đặc trị có tỷ suất lợi nhuận gộp cao 80-85%. Tổng giám đốc CFR, Alejandro Weinstein phát biểu rằng, thương vụ Domesco sẽ mở rộng sự hiện diện thượng hiệu CFR tại các thị trường mới nổi có sức tăng trưởng nhanh, đồng thời tận dụng được mạng lưới cung ứng và phân phối của DMC.

Doanh thu 9 tháng đầu năm 2011 của CFR đạt mức 357 triệu đô la, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2010. Trên thực tế, tỷ trọng doanh thu tại khu vực như Chile, Peru, Columbia… vẫn chiếm trên 90% doanh số, nhưng sức tăng trưởng đã chậm lại, đặc biệt tại thị trường truyền thống Chile. Do vậy, cuộc "kết hôn" với DMC với mức giá vượt trội so với thị trường cũng dễ hiểu khi CFR sẽ khai thác được nhiều lợi thế của đối tác chiến lược sau hơn 5 năm hợp tác.

Về phần mình, DMC đối mặt với khó khăn về tài chính khi tình hình kinh doanh gặp nhiều thách thức như hiện nay. Doanh thu và lợi nhuận của DMC năm 2011 dự kiến ở mức 1.200 tỷ và 90 tỷ đồng, tăng trưởng 7,5% và 12% so với năm 2010. Tuy nhiên, các khoản phải thu khách hàng cũng tăng lên đến 194 tỷ đồng, nợ vay ngắn hạn 106 tỷ đồng, trong khi DMC đang mở rộng đầu tư xây dựng cơ bản các nhà máy chiết xuất nhiên liệu, sản xuất cồn v.v… (tính đến quý III/2011). Tiêu chí lựa chọn đối tác ngoại của DMC là tiềm lực tài chính, kinh nghiệm phát triển sản phẩm, cũng như năng lực điều hành của cổ đông ngoại để tạo ra thay đổi đáng kể trong quá trình phát triển của Domesco. Mức giá "hào phóng" mà CFR trả cho DMC đã gồm lợi ích ngầm mà đối tác tính đến trong quá trình mua cổ phần.

Hết thời chỉ đầu tư tài chính?

Lãi suất trái phiếu từ 20-25%/năm trở nên hấp dẫn nhà đầu tư tổ chức, trở thành kênh huy động thuận lợi nhưng tạo ra chi phí cao với doanh nghiệp

Tương tự như Domesco, Kinh Đô Group dự kiến bán 14 triệu cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản với mức giá cao hơn giá trên thị trường niêm yết. Theo như công bố của KDC, danh tính của đối tác ngoại chưa được tiết lộ, nhưng thông tin quan trọng là cùng ngành nghề với KDC, muốn thâm nhập thị trường bánh kẹo Việt Nam. Đồng thời KDC cũng muốn mở rộng phát triển sản phẩm thực phẩm. Sự hợp tác chéo giữa KDC và đối tác ngoại có lợi cho cả đôi bên, đặc biệt khi KDC đang bị "co ngót" lớn về lợi nhuận. Trong năm 2011, doanh thu của KDC ước đạt 4.200 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận lại giảm mạnh so cùng kỳ năm ngoái, dự kiến khoảng 400 tỷ đồng. Nguyên do là chi phí bán hàng tăng mạnh gấp 2,8 lần, trong khi doanh thu tài chính (vốn đóng góp phần lớn lợi nhuận) lại sụt giảm đến 86%. Lợi nhuận gộp của KDC cũng giảm đi nhanh chóng do giá nguyên liệu đầu vào cũng như sự cạnh tranh gắt gao đối với sản phẩm truyền thống như bánh trung thu, bánh kẹo Tết v.v… Do vậy, KDC phát hành cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài nhằm cải thiện bức tranh kinh doanh, đồng thời, thương hiệu của đối tác ngoại sẽ xuất hiện trên thị trường Việt nam.

Tựu trung lại, cả hai thương vụ phát hành cổ phần ở trên đều hướng tới cổ đông chiến lược nước ngoài: cùng ngành nghề, hỗ trợ sự phát triển và thâm nhập chéo kênh cung ứng, phân phối của nhau. Xu hướng này khác hẳn với cách đây 4-5 năm khi các quỹ đầu tư nước ngoài mua cổ phần doanh nghiệp chỉ để đầu tư tài chính đơn thuần. Rõ ràng, doanh nghiệp không chỉ đơn giản cần vốn mà còn đòi hỏi cao hơn về đối tác - phải song hành và gắn bó cùng doanh nghiệp, không chỉ là quan hệ tín dụng hay đầu tư tài chính. Nhiều doanh nghiệp đã và đang hướng ngoại vì muốn thay đổi chiến lược kinh doanh.

Thương vụ Công ty XNK Y tế Domesco (DMC) bán thành công 1,72% cổ phiếu cho đối tác ngoại là Công ty Dược CFR International DMC là vụ mua bán sáp nhập điển hình để DMC có thêm nhân tố mới trong chiến lược kinh doanh và quản trị điều hành.

Theo ông Quách Mạnh Hào, thị trường cổ phiếu đang ở mức rẻ nhất, nhưng cần ít nhất đến hết quý II/2012 để nhận thấy hiệu quả của chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, sau đó, mới có thể hy vọng thị trường tăng điểm.

Anh Quân

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu STB: kịch bản bị săn đuổi và khả năng “tạo tiền” (03/03/2012)

>   Nhà đầu tư nên cảnh giác tự giám sát tài khoản (02/03/2012)

>   VFM thành lập quỹ mở 50 tỷ đồng đầu tư vào VN30 (02/03/2012)

>   Thâu tóm hay chỉ tranh quyền đại diện? (02/03/2012)

>   HOSE dự kiến phân bảng các cổ phiếu niêm yết (02/03/2012)

>   Hồi hộp dõi theo vụ EIB - STB (02/03/2012)

>   Nhật báo phố Wall ca ngợi TTCK Việt Nam (02/03/2012)

>   Chờ giải pháp thiết thực từ Hội nghị ngành chứng khoán (02/03/2012)

>   Tổng giám đốc Habubank: Cổ phiếu HBB "nóng" theo thị trường (02/03/2012)

>   02/03: Bản tin 20 giờ qua (02/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật