Thứ Sáu, 02/03/2012 14:15

Hồi hộp dõi theo vụ EIB - STB

Dư luận đang hồi hộp dõi theo vụ EIB - STB, nhất là khi EIB công khai đã nhận ủy quyền 51% cổ phần khi STB chưa chốt danh sách cổ đông.

Diễn biến mới nhất liên quan đến vụ việc nhóm cổ đông Eximbank (EIB) công bố ý định thâu tóm quyền lực tại Sacombank (STB) là UBCK lên tiếng yêu cầu cả 2 bên phải có báo cáo về vụ việc.

Trong thông báo phát đi ngày 29/2/2012, UBCK yêu cầu STB và Chủ tịch EIB phải báo cáo về diễn biến giá cổ phiếu STB. Một ngày sau đó, UBCK đưa lại thông tin nói rõ rằng, yêu cầu báo cáo của cả 2 phía là về những tin đồn trên một số phương tiện truyền thông đại chúng.

Nguồn tin của ĐTCK cho biết, trong nội dung gửi tới STB, UBCK có yêu cầu báo cáo về diễn biến giá; còn trong nội dung gửi Chủ tịch EIB, UBCK có yêu cầu báo cáo rõ về thông tin nhóm cổ đông EIB đã nhận ủy quyền đến hơn 51% cổ phiếu STB.

Thông tin này được viết trong Công văn số 58/2012 ngày 17/2/2012 của Chủ tịch EIB gửi tới Chủ tịch STB, Thống đốc NHNN, UBCK, Sở GDCK TP. HCM.

Dư luận đang hồi hộp dõi theo diễn biến giải trình vụ việc, nhất là từ phía EIB khi EIB công khai việc đã nhận ủy quyền đến 51% cổ phần STB trong điều kiện STB chưa chốt danh sách cổ đông để tổ chức đại hội và cơ quan duy nhất quản lý được danh sách cổ đông STB lại là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.

Chỉ 10 phiên giao dịch kể từ khi EIB gửi công văn đến STB công bố việc nhận ủy quyền đến 51% cổ phần STB, giá STB đã tăng 19,5%. Tìm trên công cụ Google với chủ đề “Eximbank thâu tóm Sacombank”, chưa đầy 1 giây cho ra hơn 1 triệu kết quả. Hầu như tất cả các báo viết, báo hình, báo mạng đều đưa tin và mổ xẻ vụ thâu tóm  với các góc cạnh và bình luận liên tục. Thực tế này cho thấy sức nóng của thông tin mà EIB đã công bố về thương vụ. Cùng với nhiều diễn biến khác, UBCK đã yêu cầu cả 2 chủ thể (STB và EIB) phải báo cáo nhanh về tính xác thực của thông tin, đồng thời cơ quan này dự kiến, sẽ công khai báo cáo của 2 chủ thể trên ra công chúng.

Xét trên khía cạnh pháp lý và động thái từ cơ quan chức năng, cho đến lúc này, có thể hiểu rằng, việc nhóm cổ đông EIB có người đại diện đủ điều kiện gia nhập HĐQT Sacombank hay không, phụ thuộc rất lớn vào sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (theo Luật Các tổ chức tín dụng, ứng cử viên vào vị trí HĐQT của ngân hàng thương mại phải được NHNN chấp thuận). Còn việc Chủ tịch EIB công khai thông tin đã nhận ủy quyền đến trên 51% cổ phiếu STB, gây rúng động dư luận, có được coi là bình thường hay không, phụ thuộc rất lớn vào phán xét của UBCK trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành.

UBCK cho biết, khi tham gia TTCK, DN có điều kiện tiếp cận với kênh huy động vốn từ công chúng, nhưng đổi lại, ban lãnh đạo DN buộc phải chấp nhận việc có thể bị thay thế khi không kiểm soát được các giao dịch thứ cấp. Hoạt động M&A trên TTCK vì thế là hết sức bình thường xét trên quan hệ sở hữu, nhưng đây là hoạt động rất nhạy cảm, vì ranh giới giữa việc tiến hành thâu tóm DN một cách hợp pháp, công khai với hành vi cấu kết để thao túng, lũng đoạn giá là rất mong manh.

Còn nhớ khi Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xét xử nguyên Chủ tịch Dược Viễn Đông tội thao túng giá trong mục tiêu thâu tóm Dược Hà Tây, trước Tòa, ông Lê Văn Dũng nói: “Tôi chỉ có mục đích là phát triển Công ty, phát triển ngành dược, nhưng trong quá trình thực thi, tôi đã vi phạm vào hành vi thao túng chứng khoán”. Dẫn lại ý này để thấy rằng, TTCK Việt Nam còn non trẻ, pháp luật còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, chưa rõ ràng, vì thế, để có một cuộc M&A trọn vẹn, ngoài tiềm lực tài chính đủ mạnh, hành động của bên mua còn cần hơn hết là sự kín kẽ về pháp lý, sự minh bạch về thông tin.

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Nhật báo phố Wall ca ngợi TTCK Việt Nam (02/03/2012)

>   Chờ giải pháp thiết thực từ Hội nghị ngành chứng khoán (02/03/2012)

>   Tổng giám đốc Habubank: Cổ phiếu HBB "nóng" theo thị trường (02/03/2012)

>   02/03: Bản tin 20 giờ qua (02/03/2012)

>   Tháng 2: Có thêm 22 tổ chức nước ngoài tham gia TTCK (01/03/2012)

>   Dragon Capital đầu tư 100 triệu USD vào doanh nghiệp Việt (01/03/2012)

>   Vốn ngoại đã trở lại chứng khoán Việt Nam? (01/03/2012)

>   KSA giải trình lý do cổ phiếu tăng 10 phiên liên tiếp (01/03/2012)

>   Runaway gap đã báo hiệu chính xác sự phục hồi (05/03/2012)

>   Chứng khoán: Tiền đâu nhiều thế? (01/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật