Chứng khoán: Tiền đâu nhiều thế?
Khác với tình trạng èo uột giao dịch trung bình 600 tỷ/phiên trong suốt năm 2011, TTCK Việt Nam hai tuần trở lại đây đã thấy nhiều hơn những con số nghìn tỷ/phiên. Hơn hai năm tìm kiếm dòng tiền, nhưng giờ, chúng ta cũng phải giật mình tự hỏi: “Tiền đâu nhiều thế?”
Nhiều phiên trở lại đây, giá trị giao dịch trung bình trên hai sàn HOSE và HNX lên tới hơn 1,000 tỷ/phiên. Đặc biệt, ngày 28/2 vừa qua ghi dấu kỷ lục trên HNX khi có tới 135 triệu cổ phiếu được trao tay; giá trị giao dịch của hai sàn lên tới 2,700 tỷ đồng. Bất luận là rung lắc hay chốt lời, chắc chắn có một dòng tiền mới đang tham gia thị trường. Vậy động lực nào cho dòng tiền mới này?
Ngày 12/1, trong phiên đối thoại với nhân dân, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nêu rõ: NHNN sẽ thực hiện các chính sách để định hướng nhân dân đầu tư vào thị trường vốn, mà trực tiếp là TTCK.
Ngày 30/1, đích thân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên năm Nhâm Thìn. Bộ trưởng khẳng định thực hiện các chính sách quyết liệt để mang lại sự ổn định cho kinh tế vĩ mô, đồng thời phát triển bền vững TTCK.
Mới đây nhất, Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài Chính xem xét các giải pháp hỗ trợ TTCK, phản hồi các đề xuất của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Rõ ràng, những tín hiệu tích cực từ chính sách là động lực đầu tiên cho con sóng đầu năm nay của thị trường.
Quan trọng là những tín hiệu đó đã được cụ thể thành các dấu hiệu thực tế. Lạm phát hai tháng đầu năm vẫn nằm trong xu hướng giảm, đảm bảo cho việc thực thi mục tiêu kéo lạm phát xuống dưới 10% trong năm nay; lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt khi một số Ngân hàng thương mại lớn hạ lãi suất cho vay. Tuy vẫn còn nhiều tranh cãi về việc tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ này của doanh nghiệp, nhưng có thể khẳng định chi phí sử dụng vốn năm nay sẽ thấp hơn năm trước. Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ dần đi vào ổn định; vàng không còn lên cơn sốt thể hiện ở chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng thu hẹp; và bất động sản dần giảm về đúng giá trị của nó hơn. Vĩ mô dần ổn định, các kênh đầu tư khác bị thu hẹp, mà những nhà đầu tư thì đâu chịu để tiền của mình trong ngân hàng hưởng lãi suất tiền gửi… TTCK có được động lực thứ hai là từ đó.
Động lực thứ ba đến từ chính TTCK. Sau hơn hai năm giảm điểm, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá chứng khoán Việt Nam rẻ nhất khu vực. Và công nhận là… rẻ thật. Cuối năm 2011, P/E trên sàn HSX là 7.2, còn HNX là 6.8 (theo BVSC) thấp nhất khu vực. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác: VN30 ra đời mở đường cho trào lưu đầu tư vào các cổ phiếu nằm trong rổ 30; tình hình thôn tính trong ngành ngân hàng thời gian vừa qua làm dậy sóng cổ phiếu ngân hàng như STB, EIB, MBB, đặc biệt là HBB. Việc hai sàn sắp tới giao dịch thêm buổi chiều, tuy còn nhiều tranh cãi nhưng việc kéo dài thời gian giao dịch về lâu dài sẽ góp phần làm tăng giá trị giao dịch cho thị trường, đưa TTCK Việt Nam tiếp cận hơn với thế giới…
Dòng tiền vào TTCK trong đầu năm nay có sự góp mặt của khối ngoại, tự doanh của các CTCK… nhưng phần lớn là từ nguồn lực tài chính trong dân. Nhiều CTCK xác nhận có NĐT đã nạp vào tài khoản vài chục đến trăm tỷ đồng trong đầu năm nay.
Nghìn tỷ/phiên chưa phải là nhiều, vì còn đó một nguồn lực khổng lồ hơn 500 tấn vàng nằm trong dân chưa được khơi thông. NHNN đã có đề án huy động số vàng này, TTCK từ đó cũng được hưởng lợi rất nhiều.
Mặc dù vậy, trong con sóng ngày đầu năm của TTCK còn rất nhiều hoài nghi, như: lạm phát tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao; lãi suất có giảm nhưng chỉ ở một số Ngân hàng lớn, lo lắng về vấn đề thanh khoản của các Ngân hàng thương mại nhóm 3 và 4; và những tồn tại chưa thể giải quyết một sớm một chiều của bản thân thị trường như vấn đề tách bạch tiền của CTCK và NĐT, thanh toán T+…
Song, nhìn nhận một cách khách quan, so với các kênh đầu tư khác, TTCK là kênh đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay.
“Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi…” - Sir John Templeton
Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)
finfonet
|