Cổ đông lớn, cổ đông nhỏ: Ai hơn ai?
Cổ đông, bất kể lớn hay nhỏ đều là những người bỏ tiền mua cổ phiếu và nắm quyền sở hữu doanh nghiệp. Nhưng trong thực tế, cổ đông nhỏ lẻ thường bị phân biệt đối xử. Một câu hỏi đặt ra là họ có thể bám víu vào đâu để quyền lợi của mình được bảo vệ?
Ông See Kim Ho, chuyên gia tư vấn quan hệ nhà đầu tư (IR) của August Consultin đưa ra một ví dụ: “Nếu buổi sáng, chúng ta thấy CP đang nắm giữ giảm giá mạnh, chúng ta sẽ hỏi: Điều gì đang xảy ra? Và người trả lời tốt nhất chính là giám đốc điều hành (CEO ) hoặc giám đốc tài chính (CFO). Nếu 9-10 giờ tối mà các vị này vẫn còn nghe điện thoại và trả lời cho bạn thì rõ ràng các NĐT có thể yên tâm về CP mà mình đang nắm giữ”.
Câu chuyện trên thoạt nghe đã đoán được rằng, trong việc đầu tư CP, người nắm và công bố thông tin vô cùng quan trọng. Lâu nay, DN có một vị trí tưởng chừng rất hữu ích nhưng gần như trở thành... vô dụng, đó là người công bố thông tin.
Cho đến bây giờ, không rõ người công bố thông tin công bố cho ai, thông tin gì. Thử lướt qua một số người công bố thông tin hiện nay sẽ thấy một số điểm đáng chú ý sau: nhiều người công bố thông tin chính là tổng giám đốc, kế toán trưởng hay chủ tịch HĐQT, tức là những “yếu nhân” của công ty đó.
Với những người này, vốn dĩ bận rộn trong công việc, chưa kể những trường hợp “chảnh” cá biệt, không thèm nói chuyện với cổ đông, nhiều người tự hỏi rằng: Liệu vị trí này có phát huy tác dụng hay không?
Cũng chính vì sự “lấp liếm” thông tin mà trong những vụ phá sản như DVD, cổ đông lớn đã tẩu tán trước, để những NĐT nhỏ lẻ sở hữu vài chục nghìn CP mà chưa kịp bán phải đối diện với việc mất trắng hàng trăm triệu đồng.
Anh Huy (quận 3, TP.HCM) vẫn chưa thể bán 15.000 CP DVD với giá hơn 200 triệu đồng nói rằng: “Tôi không hề biết thông tin gì từ DVD, chỉ đến lúc HOSE công bố DVD đã mở thủ tục phá sản thì hôm nào cũng canh bán nhưng không thể khớp lệnh được. Tới hôm nay 200 triệu đồng của anh chỉ là mớ giấy trắng không đáng giá một xu. DVD bán tài sản chưa chắc đủ trả cho chủ nợ, huống gì tới cổ đông”, anh chua xót kể.
Với kinh nghiệm của mình, ông See Kim Ho dẫn một khảo sát của Hiệp hội IR Singapore trong năm 2009 với kết quả: IR có ảnh hưởng rất mạnh đối với NĐT tổ chức khi quyết định đầu tư vào một công ty nào đó. 89% các nhà quản lý quỹ cho biết sẵn sàng trả thêm một khoản tiền khoảng 10 -15% cho công ty có IR tốt.
Mối quan hệ hiệu thông qua các cuộc đối thoại cởi mở và thẳng thắn với NĐT có thể gián tiếp làm tăng giá trị cho công ty, bởi vì với thông tin đúng lúc, công ty sẽ tạo ra niềm tin lớn hơn. Như vậy, mặc dù điều này không đảm bảo cho việc tăng giá của CP nhưng sẽ đảm bảo CP không bị thấp hơn giá trị.
Ảnh hưởng, chất xám hay chế tài?
LS. Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, phân tích thêm: “Hiện nay có một số cơ chế bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ, chẳng hạn Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vài năm trở lại đây đã bắt đầu xem xét tính khả thi của các đợt phát hành CP cho cán bộ công nhân viên của DN, sao cho không ảnh hưởng đến cổ đông bên ngoài. Tuy nhiên, chúng ta không có một cơ chế mang tính tổng thể về vai trò cũng như cách thức bảo vệ của cổ đông nhỏ lẻ mà chỉ rải rác thông qua các điều luật, quy định”.
Như vậy, tính đến thời điểm này, việc nâng tỷ lệ biểu quyết trong các vấn đề quan trọng của cổ đông, chẳng hạn từ 65% lên 75% hoặc 85% cũng không có nhiều tác dụng.
Mấu chốt vấn đề là sự bất cân xứng trong thông tin, dẫn đến bất cân xứng về quyền lợi và thực tế, luật có chặt đến đâu nếu muốn lách vẫn có cách. Vì vậy, theo quan điểm của ông Hải, cần có giải pháp để minh bạch hoá thông tin và tăng cường cơ chế giám sát.
Bởi lẽ, tại nước ngoài, luôn tồn tại 2 “gọng kìm” giám sát DN cũng như những người lãnh đạo đó là luật lệ và các bộ quy tắc ứng xử, vi phạm 1 trong 2 là không thể chấp nhận. Trong khi đó, tại Việt Nam vấn đề này lại đang để ngỏ.
Ví dụ: Nhiều DN công bố mua CP quỹ, nhưng thực chất là mua vào CP ở những tài khoản chìm của lãnh đạo DN. Điều này rất khó quy định từng trường hợp cụ thể trong luật vì “chặn” đầu này có thể nảy sinh biến tướng điều khác.
Như vậy, giải pháp có thể là một quy tắc ứng xử, hoặc thêm vào điều lệ công ty quy định lãnh đạo DN nếu trục lợi DN cho lợi ích bản thân sẽ bị xử lý như thế nào... Nếu có sẽ ngay lập tức bảo vệ cổ đông nhỏ, và tăng vai trò giám sát.
Một vấn đề nữa là hiện tại, quy mô của các DN vẫn còn tương đối nhỏ cả về vốn lẫn hoạt động, chưa hình thành những tập đoàn mang tầm vóc quốc tế nên vẫn có thể do một hoặc một vài cá nhân bắt tay nhau chi phối.
Trong khi đó, tại những tập đoàn toàn cầu, rất khó để một cá nhân nào đó có thể nắm được 50 - 51% cổ phần mà phải có sự hợp lực của tất cả các bên. Thậm chí, tại nhiều công ty còn bán quyền tham dự họp ĐHCĐ của mình.
Lúc này, tất yếu các cổ đông dù nắm cổ phần lớn, vẫn phải đi tìm sự đồng thuận của những cổ đông khác.
Theo đó, một giải pháp dành cho các cổ đông nhỏ lẻ đã được nhắc đến nhiều đó là việc tập hợp nhau, sau đó bầu ra một cổ đông đại diện cho tiếng nói của mình, nhưng đến nay gần như không khả thi.
Lý do là vì mối liên kết giữa các cổ đông nhỏ lẻ quá yếu, nguyên nhân không phải từ các cổ đông nhỏ lẻ. Không thể đòi hỏi một cổ đông tại Hà Nội, có thể biết mặt cổ đông khác tại TP.HCM để liên lạc...
Vấn đề nằm ở chỗ không có một chất kết dính nào giữa các cổ đông với nhau, chẳng hạn đề cử cho ai, cổ đông đại diện này phải làm gì? Trong khi đó, các cổ đông lớn nếu muốn đưa người của mình vào HĐQT, rất dễ dàng để chọn ra một ứng viên, sau đó liệt kê tiểu sử, trình độ và dễ dàng thông qua.
Tại thị trường chứng khoán nước ngoài, đã hình thành những cổ đông chuyên làm đại diện cho các cổ đông nhỏ lẻ. Nhưng hiện tại, chưa có một đơn vị, tổ chức hay một cá nhân trong nước nào có thể đảm nhận công việc này. Cứ nhìn câu chuyện cổ đông của STB để thấy rằng, trước mắt đây cũng được coi là một giải pháp giải quyết vấn đề khó.
Vũ Hoàng, Quỳnh Vũ
Doanh nhân Sài Gòn
|