Thứ Hai, 26/03/2012 15:44

Khó giảm lãi suất như công bố?

NHNN đã yêu cầu 5 NHTM nhà nước và NHTMCP do nhà nước sở hữu 50% vốn điều lệ thực hiện tiết kiệm 5-10% chi phí, nhằm hạ lãi suất cho vay, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh để chia sẻ chi phí với doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu lãi suất có giảm xuống như kỳ vọng khi cơ quan quản lý chỉ mới dừng ở kêu gọi.

Không giảm mà còn tăng

Tuần qua, ông Vũ Viết Nhân, chủ một trường học mầm non tại quận Tân Phú, TPHCM, phản ánh với ĐTTC rằng năm 2007 ông vay vốn của một NH cổ phần có hội sở ở quận 1, TPHCM gần 4 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm để xây trường. Lãi suất những tháng đầu 13-14%/năm, nhưng đến năm ngoái lãi suất tăng lên 23%/năm.

Ông làm đơn xin xem xét được giảm lãi suất vì lĩnh vực ông vay vốn liên quan đến đầu tư giáo dục. Đầu năm nay NH nói đã giảm lãi suất cho vay xuống còn 21%/năm, nhưng mới đây khi đến NH nộp tiền, ông Nhân mới biết lãi suất không giảm mà còn tăng lên 22,3%/năm.

Khi ĐTTC liên hệ với NH đã cho ông Nhân vay vốn để tìm hiểu nguyên nhân, được biết NH này đã chấp nhận thỏa thuận với khách hàng về lãi suất nhằm tránh gây ồn ào.

Trường hợp của ông Nhân chỉ là một trong nhiều trường hợp khách hàng vẫn phải chịu lãi suất vay rất cao. Các NHTM vẫn công bố rầm rộ các gói tín dụng lãi suất thấp nhưng thực tế không có nhiều khách hàng tiếp cận được lãi suất thấp.

Một lãnh đạo NH cổ phần cho biết với khách hàng cũ việc giảm lãi suất cho vay đã khó nên với khách hàng mới càng khó có cơ hội. Qua đó cho thấy, trong khi mặt bằng lãi suất huy động còn 14%/năm, việc cho vay lãi suất 21-22%/năm đã tạo lợi nhuận cho các NHTM rất lớn 7-8%/năm.

Điều này cũng cho thấy nhiều NHTM đang lợi dụng việc thỏa thuận lãi suất để chèn ép khách hàng nhằm gia tăng lợi nhuận. Đó là lý do vì sao dù năm qua tăng trưởng tín dụng của các NHTM rất thấp nhưng lợi nhuận từ lãi của các NHTM vẫn cao ngất ngưởng. Đây là sự bất hợp lý trong bối cảnh Chính phủ kêu gọi chia sẻ khó khăn để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Thị trường hay hành chính?

Thị phần tín dụng của 5 NHTM nhà nước trên khá lớn và nếu các NHTM này tiết giảm chi phí thực sự, khả năng tiếp cận vốn giá rẻ của người dân, doanh nghiệp sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, theo một chuyên gia NH, đã đến lúc NHNN không chỉ kêu gọi mà phải có giải pháp buộc thực hiện.

Cụ thể, NHNN có thể giám sát quá trình huy động vốn đầu vào và đầu ra của các NHTM. Điều này không quá khó, bởi với hệ thống công nghệ NH lõi (core- banking) của các NHTM hiện nay cho phép quản lý được giá vốn đầu vào đầu ra của từng hợp đồng tín dụng, từ đó tính biên lợi nhuận từng tháng, từng quý cho NHTM.

Về phần mình, NHNN vẫn tuân thủ nguyên tắc thị trường, lãi suất theo cơ chế thỏa thuận nhưng hàng tháng công bố bình quân lãi suất đầu vào đầu ra của từng NHTM sẽ có tác dụng buộc các NHTM phải kéo giảm lãi suất cho vay xuống mức thực tế hơn.

Và trên cơ sở minh bạch giá vốn của các NHTM, Quốc hội có thể tiến đến việc giám sát yêu cầu đánh thuế bổ sung với các khoản cho vay của các NHTM có “siêu” về biên lợi nhuận. Có như vậy mới công bằng và các NHTM mới thực sự chia sẻ khó khăn cùng khách hàng.

Theo các chuyên gia, do một số đặc thù của nền kinh tế nước ta, các công cụ có thể tác động để điều chỉnh lãi suất trên thị trường tiền tệ, như lãi suất chính sách, lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất, lãi suất liên NH… đang không phát huy được hiệu quả.

Thứ nhất, nền kinh tế nước ta hiện nay đa tiền tệ: VNĐ, ngoại tệ và vàng. Vì thế, khi NHNN muốn điều chỉnh lãi suất tiền đồng phải nhìn sang lãi suất của 2 đồng tiền kia.

Thứ hai, NHNN Việt Nam là cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ, không có sự độc lập về mặt chính sách, nên khả năng điều hành chính sách một cách chủ động rất khó.

Thứ ba, nền kinh tế tiền mặt nước ta đang có tác động ngược trở lại làm hạn chế hiệu quả của nền kinh tế.

Thứ tư, trái phiếu của nền kinh tế quá mỏng chưa đến 2% GDP, nên các hoạt động về nghiệp vụ thị trường mở của NHNN tác động đến thị trường có hiệu lực kém.

Tóm lại, NHNN có khá nhiều công cụ để kiểm soát lãi suất nhưng trên thực tế ít hiệu quả nên cũng không thể kỳ vọng quá nhiều. Và cũng chính vì không thể sử dụng cơ chế thị trường để đạt được lãi suất như mong muốn nên NHNN buộc phải dùng biện pháp hành chính.

Dịu Ngân

sài gòn đầu tư tài chính 

Các tin tức khác

>   Cơ chế cho vay đặc biệt: Hành lang pháp lý cơ cấu NHTM yếu kém (26/03/2012)

>   Lãi suất cho vay sẽ giảm dần (26/03/2012)

>   Lái “bản năng” của dòng vốn (26/03/2012)

>   Ngân hàng chưa thật “giàu“ vốn? (26/03/2012)

>   Sắp sáp nhập thêm các ngân hàng (26/03/2012)

>   Lãi suất ở mức 6% - 8%/năm, DN sẽ “bật dậy”? (26/03/2012)

>   Tái diễn thu đổi USD ở tiệm vàng (26/03/2012)

>   Đua khuyến mãi, huy động vốn vẫn giảm (26/03/2012)

>   Khó bỏ trần lãi suất huy động (25/03/2012)

>   Danh sách đen và sự minh bạch (25/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật