Thứ Hai, 26/03/2012 09:53

Lái “bản năng” của dòng vốn

Ngân hàng Nhà nước đang liên tiếp có những điều chỉnh trong chính sách để lái “bản năng” dòng vốn đi theo ý đồ của mình.

Ở thời điểm này nếu nói vay VND lãi suất chỉ khoảng 9 - 10%/năm thì như không tưởng. Nhưng bản năng của dòng vốn, cộng với chủ ý của người sử dụng nó có thể sẽ tạo được điều không tưởng đó.

Sự kiện 2/5/2012

Một lẽ thông thường, dòng vốn chảy đến những điểm trũng có lợi. Điển hình thời gian qua là tín dụng ngoại tệ. Nhưng thời hoàng kim đang chóng qua. Ngân hàng Nhà nước đã siết lại, ngay cả với nguồn hỗ trợ tích cực cho các nhà xuất khẩu.

Ngay trong năm 2010 và đầu 2011, thị trường ngoại hối luôn tiềm ẩn các cú sốc tỷ giá, tín dụng ngoại tệ cũng đã thực sự bùng nổ. Chênh lệch lãi suất vay vốn giữa VND với USD quá lớn là nguyên nhân. Từ cuối 2011 đến nay, chênh lệch đó càng trở nên rất hấp dẫn, vay USD lãi suất chỉ bằng khoảng 1/3 so với vay bằng VND, trong khi rủi ro tỷ giá đã được khống chế bằng “cam kết” giữ ổn định mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra.

Nhưng các điều kiện kinh tế mới chỉ là một phần, phần quan trọng còn lại là sự thay đổi của chính sách tại mỗi thời điểm. Và ngày 2/5/2012 sẽ đánh dấu sự đứt gãy quan trọng của tín dụng ngoại tệ sau một thời kỳ hoàng kim.

Ngày 8/3/2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03 quy định cơ chế cho vay bằng ngoại tệ mới, cắt bỏ một phần rất lớn các nhóm đối tượng nhu cầu. Nối tiếp, ngày 20/3/2012, nhà điều hành có thêm Thông tư 07 thu hẹp trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng từ +/-30% xuống +/-20% vốn tự có.

Cả hai điều chỉnh trên cùng có hiệu lực từ ngày 2/5/2012, đều ảnh hưởng lớn đến các dòng vốn, hoạt động của các ngân hàng thương mại, đến các doanh nghiệp vay vốn, thậm chí cả các vấn đề rộng hơn… Song thông tin định hướng, giải thích từ nhà điều hành cho đến thời điểm này là rất hạn chế, ngoài mục đích hạn chế đô la hóa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Còn lại, thị trường hãy tự hiểu.

Cỗ xe và con dốc

Trở lại với điều như không tưởng nói trên, trong lần trò chuyện bên lề mới đây, lãnh đạo một ngân hàng nọ tỏ ra bất ngờ khi được hỏi: “Có thực tế nào lãi suất vay VND lúc này chỉ khoảng 9 - 10%/năm không?”.

Ông bất ngờ vì mức lãi suất đó quá thấp và như phi thực tế trong bối cảnh hiện nay. Trong hoạt động của ngân hàng mình ông cũng chưa thấy. Nhưng rồi cuộc trò chuyện nối tiếp lại cho thấy có sự hợp lý.

Ở Thông tư số 03, cơ chế tín dụng ngoại tệ bị siết chặt. Một dòng vốn rẻ cho doanh nghiệp theo đó sẽ bị hạn chế. Phản ứng mà một số thông tin phản ánh là nhiều doanh nghiệp đang gấp rút vay ngoại tệ để tranh thủ trước khi chính sách trên có hiệu lực. Phía ngân hàng thương mại, đâu đó có câu trả lời “ngược”, rằng: cấm doanh nghiệp vay nhưng có cấm ngân hàng cho vay đâu!

Tất nhiên là không phải cho vay bằng ngoại tệ. Khi doanh nghiệp không được vay trực tiếp nữa, ngân hàng có thể dùng vốn ngoại tệ đó đổi sang VND và cho doanh nghiệp vay vẫn được lãi suất ưu đãi, thay vì doanh nghiệp phải tự chuyển đổi như trước đây.

Đặt trong tình huống đó, mức lãi suất “không tưởng” nói trên có cơ sở của nó. Ngân hàng huy động USD chỉ từ 0,5 - 2%/năm, đổi sang VND cho vay 9 - 10%/năm vẫn có lãi. Ngân hàng chỉ làm trung gian và sự hợp lý ở đây chỉ dành cho phạm vi hẹp, cùng với đó là những điều kiện nhất định.

Nguồn vốn với lãi suất cực thấp đó chỉ áp cho ngắn hạn, gắn với một nhóm đối tượng trọng tâm mà ngân hàng thu hút, chủ yếu là nhà xuất khẩu. Đi kèm với khoản vay là cam kết sử dụng vốn đúng mục đích, với một thỏa thuận người vay phải bù đắp chi phí phát sinh rủi ro tỷ giá trong kỳ nếu xẩy ra.

Với người vay, lợi ích quá rõ ràng. Với người cho vay, tưởng như thiệt khi so với lãi suất cho vay VND cao như thông thường; nhưng đổi lại họ có nền tảng khách hàng tốt, lôi kéo được những khách hàng tốt, có cơ sở để thúc đẩy các dịch vụ khác đi kèm… cho mục đích phát triển lâu dài. Hay thực tế hơn, họ có thể áp dụng ở một địa bàn mới thâm nhập, ở một chi nhánh mới hoạt động để tạo ưu thế cạnh tranh. Còn trong bối cảnh khó khăn, cơ chế đó cần được xem như là một sự chia sẻ để gắn kết.

Tuy nhiên, không hẳn ngân hàng nào cũng sẵn sàng chia sẻ như vậy, hoặc có điều kiện để làm như vậy. Ở cuộc trò chuyện trên, vị lãnh đạo ngân hàng nọ nhìn nhận rằng cần phải có một sự chủ động, cân đối tốt nguồn vốn ngoại tệ, hay năng lực huy động vốn phải tốt và chỉ cho vay trong phạm vi hẹp.

Còn với một số người trong cuộc, vẫn có sự nghi ngại khi xem đây là con đường “lách”, đi vòng… Sẽ đơn giản hơn khi xem đó là một bản năng của đồng vốn, một sự linh hoạt của ngân hàng trong hướng tìm kiếm những con đường phục vụ cho mục đích của mình, dĩ nhiên là phải tôn trọng luật giao thông.

Thế rồi, ở Thông tư số 07, Ngân hàng Nhà nước siết lại trạng thái ngoại tệ. Điều kiện để ngân hàng thay doanh nghiệp “vay” ngoại tệ bị thu hẹp đi.

Với hai điều chỉnh vừa qua, có thể hiểu ý đồ của Ngân hàng Nhà nước là hạn chế bớt khả năng chuyển đổi các nguồn vốn trong hệ thống, mà phía sau đó đòi hỏi phải kiểm soát sự ảnh hưởng (hoặc đòi hỏi năng lực kiểm soát). Mục đích cụ thể hơn là thúc đẩy sự chuyển dịch các quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ mua - bán, phục vụ cho việc điều hành tỷ giá.

Còn lý do, Ngân hàng Nhà nước có thể nói: “Tôi phải hãm lại vì anh đang đẩy xe lên cao hơn trên con dốc tiềm ẩn rủi ro”. Nhưng người đẩy xe cũng có thể nói rằng: “Tôi đang tìm cách chặn nó lao xuống, mà đẩy lên cũng là một cách”.

Cái lý của người đẩy xe là họ đang sống trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, họ cần những khách hàng mới và tốt hơn để đi tiếp, mà nhiều khách hàng cũ lại đang điêu đứng vì lãi vay quá cao… Có được một nguồn vốn rẻ trong bối cảnh đó là một lợi thế.

Sắp tới, cho vay trực tiếp nguồn vốn rẻ bằng ngoại tệ bị hạn chế hẳn. Nhưng giới hạn +/-20% trạng thái ngoại tệ còn lại vẫn là một tỷ lệ khá rộng rãi để các nhà băng có thể xem xét chuyển đổi, tạo nguồn vốn rẻ như vậy.

Vốn rẻ không chỉ cần cho doanh nghiệp vay vốn, mà còn củng cố nền tảng khách hàng cho ngân hàng. Nếu không có nền tảng khách hàng tốt, không gia tăng được yếu tố nền tảng đó thì cỗ xe sớm muộn cũng sẽ đổ dốc.

Minh Đức

tbktvn

Các tin tức khác

>   Ngân hàng chưa thật “giàu“ vốn? (26/03/2012)

>   Sắp sáp nhập thêm các ngân hàng (26/03/2012)

>   Lãi suất ở mức 6% - 8%/năm, DN sẽ “bật dậy”? (26/03/2012)

>   Tái diễn thu đổi USD ở tiệm vàng (26/03/2012)

>   Đua khuyến mãi, huy động vốn vẫn giảm (26/03/2012)

>   Khó bỏ trần lãi suất huy động (25/03/2012)

>   Danh sách đen và sự minh bạch (25/03/2012)

>   Ngân hàng đua mở rộng mạng lưới (24/03/2012)

>   Giám đốc kéo quân đi đòi nợ Chi nhánh Agribank (23/03/2012)

>   Tiền đồng tiếp tục có giá (23/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật