Sắp sáp nhập thêm các ngân hàng
Hiện NHNN đang thúc đẩy quá trình để cho các NH tự sáp nhập trên tinh thần tự nguyện, tự tìm đối tác. Trong trường hợp khó khăn về sáp nhập, NHNN sẽ can thiệp.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, tại cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với hơn 30 nhà khoa học và các chuyên gia kinh tế trong nước để tham vấn chính sách kinh tế vĩ mô diễn, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết đến thời điểm này số lượng các NH khó khăn chỉ có 6% trên thị trường liên ngân hàng mà tập trung vào 9 NH mà NHNN đã khoanh vùng quản lý. Còn 94% trên thị trường liên ngân hàng đã ổn định với lãi suất qua đêm chỉ 7-8% và cao nhất 1 tháng chỉ có 13,3%....
Hiện NHNN đang thúc đẩy quá trình để cho các NH tự sáp nhập trên tinh thần tự nguyện, tự tìm đối tác. Trong trường hợp khó khăn về sáp nhập, NHNN sẽ can thiệp.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, với lĩnh vực ngân hàng có 4 vấn đề lớn được các chuyên gia kinh tế đưa ra thảo luận gồm thanh khoản, nợ xấu, DN khó tiếp cận vốn và giải quyết tín dụng cho bất động sản. Trong đó vấn đề lớn ảnh hưởng đến hệ thống NH là thanh khoản và nợ xấu, dẫn đến cuộc đua lãi suất huy động vốn, thị trường cạnh tranh không lành mạnh.
Dù lãi suất huy động đã giảm xuống còn 13% nhưng một số ngân hàng, kể cả NH lớn vẫn tìm cách lách huy động với lãi suất vượt trần. NHNN cho biết không có quốc gia nào có tỷ lệ dự nợ trên tổng huy động cao như VN đến gần 100%. Để cho thấy các NH đang có vấn đề về thanh khoản. Do đó, ông Hiếu đề xuất, NHNN hãy để cho lãi suất thả thổi, bởi như thế lãi suất sẽ trở về mức bình quân theo quy luật cung-cầu.
Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cũng đề xuất việc tiếp tục giải quyết một cách căn cơ về vấn đề thanh khoản của NH cũng như thực hiện chủ trương tiếp tục hạ lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN; kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động và cho vay trên thực tế của các NHTM, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vượt trần lãi suất.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS.Bùi Kiến Thành đặt câu hỏi, hiện nay DN Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với DN các quốc gia khác, mà ở đó, chính sách tiền tệ không như ở nước ta. Với lãi suất 16-27%, DN Việt Nam sẽ cạnh tranh thế nào với DN các nước có lãi suất 4 - 5%? Vấn đề mấu chốt là giải quyết thanh khoản cho các NH.
Theo ông Thành, vấn đề này nằm trong tay NHNN bởi NHNN có nhiệm vụ cung ứng đầy đủ lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững. NHNN có nguồn tín dụng không phải trả lãi suất cho ai nên họ có thể cho NHTM vay với lãi suất thấp để có thể cho DN vay với lãi suất hợp lý.
"Việc này tất cả các NHTW trên thế giới đều làm trong tình trạng thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Nếu NHTM không huy động được vốn với lãi suất thấp để cho DN vay với lãi suất hợp lý, thì lúc đó sự việc trở thành nhiệm vụ của NHTW phải giải quyết, chứ không thể nào để cho DN chết được". Ông Thành nêu quan điểm.
Ông Thành cho rằng, dựa vào những quy định quyền hạn của NHNN thì NHNN có thể cho NHTM vay theo lãi suất mức 3-5%, từ đó NHTM cho DN vay với lãi suất dưới 10%. Không phải chờ NHTM hạ lãi suất huy động và giải quyết thanh khoản từ nguồn vốn trong nhân dân. Thanh khoản là do từ nguồn tín dụng của NHNN
Bên cạnh đó, NHNN có thể áp dụng các hình thức tái cấp vốn đặc biệt bảo đảm nguồn vốn sử dụng đúng mục đích. Chẳng hạn đưa ra các chương trình tài trợcho vay đối với các dự án sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, không cho vay các lĩnh vực khác.
Dự án giải ngân theo tiến độ, để đảm bảo dòng tiền không rò rỉ qua các mục đích khác. NHTM tham gia phải cam kết nghiêm túc chấp hành những quy định của chương trình. NHTM nào vi phạm các quy định của chương trình sẽ bị xoá tên trong danh sách NHTM tham gia và bị truy cứu trách nhiệm tùy vào mức độ vi phạm. Ông Thành đề xuất.
Hoàng Lộc
diễn đàn kinh tế việt nam
|