Tiền đồng tiếp tục có giá
Tổng phương tiện thanh toán đến ngày 20-2-2012 giảm 0,11% so với cuối năm ngoái là thống kê chính thức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tiền đã không được “bơm” ra qua kênh chính thức, nhưng NHNN đã bắt đầu phát hành hàng ngàn tỉ đồng tín phiếu ngân hàng kỳ hạn từ 28-364 ngày để hút bớt nguồn cung dồi dào trong hệ thống.
Vậy tiền đã chảy ra lưu thông qua ngả nào và liệu nó có ảnh hưởng tới sự ổn định giá trị tiền đồng?
Mua ngoại tệ: cung tiền không kỳ hạn
Một tổ chức tài chính trích dẫn nguồn tin từ NHNN cho biết cơ quan quản lý ngành ngân hàng chuẩn bị phát hành khoảng 40.000 tỉ đồng tín phiếu với lãi suất từ 11,5-12,5%/năm cho các kỳ hạn một, ba và sáu tháng. Giá trị phát hành lớn như vậy có thể rải đều ra nhiều tháng, không nhất thiết phải dồn vào một thời điểm nhất định và diễn ra trong thời gian ngắn.
Thông tin về tín phiếu ngân hàng đã ngay lập tức tác động khác nhau đến thị trường trái phiếu xuất phát từ các quan điểm trái ngược về loại hàng hóa mới mẻ này. Gọi là “mới mẻ” vì nó đã vắng bóng trên thị trường gần bốn năm nay kể từ khi NHNN phát hành tín phiếu bắt buộc vào năm 2008. Khi ấy các tổ chức tín dụng mua tín phiếu bắt buộc phải giữ đến ngày đáo hạn với lãi suất bất lợi.
Một số ý kiến cho rằng tín phiếu ngân hàng không thể phổ biến và được ưa chuộng như trái phiếu chính phủ. Nên thay vì mua tín phiếu, một số tổ chức tài chính vẫn hướng đến trái phiếu. Đây có thể là một trong những lý do khiến lãi suất trái phiếu chính phủ các kỳ hạn hai và ba năm tụt xuống dưới 11%/năm trên thị trường thứ cấp tuần trước. Đã có những giao dịch trái phiếu chấp nhận lãi suất 10,85-10,9%/năm.
Tuy nhiên một số ngân hàng lại bày tỏ quan điểm việc thanh khoản đang dư thừa chỉ là tạm thời và khó có thể dự đoán thanh khoản sẽ ra sao trong vòng sáu tháng tới, nên mua tín phiếu ngân hàng kỳ hạn ngắn từ 1-6 tháng không những có lợi về kỳ hạn, mà cả lãi suất. Lãi suất tín phiếu rõ ràng cao hơn lãi suất trái phiếu nếu không nhìn vào kỳ hạn.
Việc giữ một mặt bằng lãi suất cao bằng cách áp trần huy động đã hỗ trợ rất mạnh cho tiền đồng trong vòng 12 tháng trở lại đây. Điều này làm cho dòng chảy kiều hối vào Việt Nam rộng mở vì có khả năng một phần kiều hối đã được chuyển qua tiền đồng nhằm tận dụng chênh lệch lãi suất. |
Cho dù nhìn từ quan điểm nào, cũng đưa đến kết quả là thanh khoản tiền đồng của hệ thống ngân hàng đang trong những ngày dư dả, có của ăn của để.
Sự dư dả ấy bắt nguồn từ đâu? Từ việc mua vào ngoại tệ của NHNN. Những phỏng đoán dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã vượt 20 tỉ đô la Mỹ, thậm chí cao hơn là có cơ sở.
Cứ theo công bố của NHNN, dự trữ ngoại hối vào cuối năm ngoái tăng 50% so với đầu năm ngoái và từ đầu năm 2012 đến nay tăng thêm 20%. Dự trữ ngoại hối vào thời điểm thấp nhất của năm ngoái được Quỹ Tiền tệ quốc tế ước 13,5 tỉ đô la Mỹ. Nếu tăng 50% vào cuối năm ngoái, nó đã xấp xỉ 20 tỉ đô la Mỹ và hiện có thể vào khoảng 24 tỉ đô la Mỹ tính theo mức tăng thêm 20% nữa. Đây chắc chắn là con số ấn tượng!
Như vậy, một lượng tiền đồng lớn đã được NHNN tung ra để mua ngoại tệ. Những số liệu công bố của NHNN từ đầu năm đến nay cho thấy thị trường mở liên tục hút ròng tiền về, đều đặn từng tuần. Khoảng một tháng sau Tết, con số hút về đã lên tới 135.000 tỉ đồng. Tất nhiên trong số này, có sự cân bằng lại với lượng tiền đã “bơm” ra trước Tết nhằm đảm bảo việc rút tiền để chi tiêu của doanh nghiệp cũng như dân cư. Nhưng mức hút về lớn đến thế phần khác là để trung hòa lượng tiền bỏ ra mua ngoại tệ vốn không có kỳ hạn. Nói cách khác, tiền đưa ra mua ngoại tệ là tiền không quay về két sắt NHNN cho đến khi ngoại tệ được bán ra trở lại để can thiệp tỷ giá nếu cần thiết.
Tiền đồng lên giá đến đâu?
Việc giữ một mặt bằng lãi suất cao bằng cách áp trần huy động đã hỗ trợ rất mạnh cho tiền đồng trong vòng 12 tháng trở lại đây. Điều này làm cho dòng chảy kiều hối vào Việt Nam rộng mở vì có khả năng một phần kiều hối đã được chuyển qua tiền đồng nhằm tận dụng chênh lệch lãi suất. Với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ có thể giữ mức lãi suất thấp đến năm 2014, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ 11%/năm cho kỳ hạn ba năm, thì chênh lệch lãi suất tiền đồng - ngoại tệ là một cơ hội không thể bỏ qua.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp đang trở lại. HSBC trong bản báo cáo mới nhất về Việt Nam cho biết từ đầu năm đến nay Nhật Bản đã đầu tư 800 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam. Vốn nước ngoài giải ngân vào chứng khoán cũng lên tới 500 triệu đô la Mỹ (ở đây tính cả việc một số đối tác nước ngoài tham gia vào các thương vụ M&A trong nước).
Quan trọng hơn cả là doanh nghiệp đã không còn găm giữ ngoại tệ và tình trạng bảo toàn tài sản bằng đô la Mỹ của người dân đã dịu đi nhiều sau khi NHNN tuyên bố tỷ giá năm nay nếu có điều chỉnh cũng không quá 2-3%. Tuyên bố này đang tỏ ra hiện thực khi dự trữ ngoại hối cho phép NHNN đủ sức can thiệp vào thị trường bất cứ lúc nào.
Việc giảm lãi suất huy động 1%/năm vừa qua chưa ảnh hưởng nhiều đến chênh lệch lãi suất tiền đồng - đô la Mỹ dù khoảng cách đã thu hẹp ít nhiều. Trong giới tài chính, điểm kỳ vọng cho sự chênh lệch lãi suất tầm 5%/năm là chấp nhận được, nhưng hiện tại chênh lệch lãi suất huy động tiền đồng - ngoại tệ đang ở mức 11%/năm sau khi đã đứng ở 12%/năm suốt nhiều tháng qua. Chênh lệch lãi suất thực tế vẫn đang gấp hơn hai lần kỳ vọng! Và chừng nào tỷ giá niêm yết của ngân hàng cũng như tỷ giá thị trường tự do còn cách xa trần, chừng đó sự lên giá của tiền đồng vẫn chưa thể chấm dứt.
Lưu Hảo
tbktsg
|