Lãi suất cho vay sẽ giảm dần
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tiếp tục yêu cầu các ngân hàng lớn tiết giảm chi phí đầu vào để có thêm điều kiện giảm dần lãi suất cho vay, nhằm giảm áp lực cho khách hàng cần vốn.
Cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã có văn bản yêu cầu 5 ngân hàng gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV và MHB tiết giảm từ 5% đến 10% chi phí, hạ lãi suất cho vay và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đây đều là các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Trên thực tế, kể từ khi NHNN phát đi thông điệp cắt giảm trần lãi suất huy động VND vào đầu tháng 3/2012, các ngân hàng trên đều đã công bố việc giảm lãi suất cho vay 1 - 2%/năm so với đầu năm 2012. Tuy nhiên, theo chủ trương của Chỉ thị 01/2012/CT-NHNN, nguồn vốn giá rẻ hiện chỉ mới dành cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp…).
Không chỉ có 5 ngân hàng trên, mà hầu hết các ngân hàng cũng đều đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, song do lãi suất này vẫn ở mức cao, nên áp lực đối với người cần vốn, nhất là doanh nghiệp còn rất lớn.
Mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận ở ngân hàng lớn vẫn dao động ở mức 17 - 20%/năm áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp và 19 - 21%/năm ở các ngân hàng nhỏ. Riêng mảng tín dụng cá nhân dù lãi suất cho vay đã giảm 2-3%/năm so với trước, nhưng vẫn cao trên 18%/năm. Do đó, mục tiêu của NHNN là điều chỉnh dần trần lãi suất huy động để ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay.
Đại diện nhiều ngân hàng thương mại cho biết, kể từ quý II/2012, lãi suất cho vay sẽ có xu hướng giảm dần và kỳ vọng sẽ kích thích được hoạt động tín dụng, nhất là trong quý IV/2012.
Đại diện ACB cho biết, Ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Cụ thể, ACB áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận 18 - 19%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp và 18,5-20%/năm đối với khách hàng cá nhân.
Lãnh đạo ACB còn cho biết, ACB sẽ giảm dần lãi suất cho vay khi trần huy động tiết kiệm VND giảm, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng và khơi thông tín dụng.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, vào đầu tháng 4 tới, DongA Bank sẽ chính thức cắt giảm lãi suất cho vay, trong đó có lãi suất áp dụng cho khách hàng cá nhân. “Chúng tôi tính toán để có mức giảm lãi suất cho vay một cách hợp lý, khi trần lãi suất huy động giảm. Trên thực tế, nhiều khoản vốn huy động với lãi suất ở mức 14%/năm đến nay vẫn chưa tiêu thụ hết”, ông Bình nói và cho biết thêm, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao 15% trong năm nay, DongA Bank sẽ tích cực đẩy mạnh phát triển cho vay trong 2 quý cuối năm.
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, khi trần lãi suất huy động giảm, các ngân hàng cũng phải tính toán lại lãi vay cho hợp lý để khơi thông dòng tín dụng. Bởi thực tế, kể từ sau tết Nguyên đán đến nay, tín dụng hầu như không tăng. “Tiền có, nhưng các ngân hàng khó cho vay, bởi lãi suất cho vay cao vẫn là rào cản đối với các doanh nghiệp. Thanh khoản của nhiều ngân hàng lớn đã được cải thiện so với trước. Do đó, giảm lãi suất đầu vào và đầu ra là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, ông Lịch nói và cho rằng, lãi suất sẽ giảm dần và có lộ trình, chứ không thể giảm một cách ồ ạt.
Còn theo ông Warren Hogan, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng ANZ, trong năm nay, các điều kiện tiền tệ của Việt Nam sẽ cần phải duy trì ở mức tương đối chặt chẽ để kiểm soát lạm phát và neo giữ kỳ vọng lạm phát, nên chưa thể ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đại diện Ngân hàng HSBC cũng nhận định rằng, lãi suất sẽ giảm dần cùng với lạm phát.
Thùy Vinh
đầu tư
|