Thứ Hai, 19/03/2012 13:26

HBB và “show diễn” thanh khoản

Về mức độ tăng giá, HBB (Ngân hàng Nhà Hà Nội) dù tăng mạnh nhưng không phải “nhất” trên thị trường. So về thanh khoản CP này không có đối thủ, nhưng sự vượt trội này lại đặt ra không ít câu hỏi cũng như rủi ro.

83% = 336 triệu CP đang ở ngoài

Tháng 9-2011, 10,5 triệu trái phiếu (TP) với mệnh giá 100.000 đồng của HBB đã được chuyển đổi thành CP với tỷ lệ 1:10 (1 TP chuyển đồi thành 10 CP), qua đó vốn điều lệ (VĐL) của ngân hàng này tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 4.050 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do chưa công bố những trái chủ (sau khi chuyển đổi trở thành cổ đông) của TP chuyển đổi nói trên là những ai, vì vậy để xác định tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn HBB không đơn giản.

Dựa theo những số liệu HBB đã công bố, có thể xác định một cách tương đối lượng nắm giữ của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ HBB như sau: cổ đông nước ngoài Deutsche Bank AG, có cử đại diện của mình tham gia HĐQT tại HBB, nắm 30 triệu CP (nếu tham gia mua TP chuyển đổi con số này có thể tăng thêm), tương đương với tỷ lệ khoảng 7,4%.

Kế đến là ông Nguyễn Văn Bảng, Chủ tịch HĐQT và người thân của mình với tổng số CP nắm giữ hơn 32 triệu CP, xấp xỉ 8%. Các thành viên HĐQT khác nắm khoảng 3,3 triệu CP, chưa tới 1%. Như vậy trong ban kiểm soát cũng như ban giám đốc của HBB không ai nắm giữ con số “khủng”, tức hàng triệu CP.

Tính sơ bộ, có thể thấy nhóm cổ đông “trong nhà” của HBB nắm trên dưới 17% vốn cổ phần và 83% cổ phần còn lại là của “người ngoài”. HBB có VĐL 4.050 tỷ đồng, tương ứng 405 triệu CP lưu hành và như vậy 83% tương ứng 336 triệu CP đang ở ngoài.

Bất thường khối lượng giao dịch

Chào sàn HNX vào ngày 23-11-2010, cho đến trước năm 2012, thanh khoản của HBB chỉ ở mức thường thường bậc trung, với vài trăm nghìn CP giao dịch mỗi phiên, một số giai đoạn khớp từ 1 triệu CP trở lên nhưng không đều. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ đầu năm 2012 với các phiên giao dịch có thanh khoản từ 1 triệu CP trở lên ngày một tăng dần. Ngày 16-2, thị trường chứng kiến một đợt sóng khủng khiếp cả về độ tăng giá lẫn thanh khoản của HBB.

Dấu mốc đầu tiên phiên ngày 28-2, có hơn 40 triệu CP được trao tay. Như đã ước tính ở trên, số CP HBB “trôi nổi” bên ngoài hơn 330 triệu CP, như vậy 40 triệu CP khớp lệnh tương đương 12% số này, còn nếu tính trên VĐL số CP đã xấp xỉ 10% VĐL. 40 triệu CP khớp lệnh của HBB cũng chiếm gần 1/3 tổng KLGD ngày hôm đó của HNX (gần 133 triệu CP).

Chưa dừng lại ở đó, ngày 6-3, KLGD khớp lệnh của HBB đạt 38 triệu đơn vị, kèm theo đó hơn 7,5 triệu đơn vị thỏa thuận. 3 phiên kế tiếp, lại có gần 50 triệu CP được giao dịch (cả khớp lệnh lẫn thỏa thuận). Điều này cũng có nghĩa chỉ trong 4 phiên, đã có khoảng 95 triệu CP, xấp xỉ 25% tổng số cổ phần được bán ra (và mua vào). Từ những so sánh trên đây, nếu dùng từ “bất thường” để nói về thanh khoản của HBB cũng không có gì quá đáng.

Trước đây, một CP khớp lệnh khoảng 10-20 triệu đơn vị mỗi phiên đã là rất “khủng” và cũng chỉ có một số thời điểm. Ngay như những CP có thanh khoản hàng đầu như STB, SSI không phải lúc nào cũng đạt con số hàng chục triệu. Nhưng tất cả chỉ là “muỗi” nếu so với HBB 1 tháng gần đây.

Rủi ro lớn

Về mức độ đại chúng trên TTCK, HBB không thể so được với STB hay EIB do sự thua kém về quy mô, thương hiệu, năng lực… cũng như thâm niên trên sàn. Vì vậy sự đa dạng cũng như độ phủ sóng cổ đông của HBB khó thể bằng STB, EIB. Do đó, khả năng NĐT cá nhân “đẩy” HBB mà không có trợ lực nào là rất thấp.

Trường hợp khác, mua 1 triệu CP HBB với giá 6.000 đồng/CP, số tiền bỏ ra khoảng 6 tỷ đồng, điều này có không ít NĐT cá nhân làm được. Nhưng “dám” ôm số lượng CP lên đến hàng chục triệu là một thử thách với các NĐT cá nhân bạo tay nhất. Bởi lẽ NĐT cá nhân thường đánh ngắn, nói đến chuyện “thoát hàng” với khối lượng lên đến hàng trăm nghìn CP nhiều người cũng đã ngán, nói chi đến hàng triệu.

Trong khi đó, nhìn vào diễn biến đặt lệnh mua-bán trên sàn có thể dễ dàng thấy được cách giao dịch rất “chắc tay”, hàng triệu CP khớp chỉ trong vài phút. Ai đã “thủ” sẵn trong tay hàng chục triệu CP để rồi sẵn sàng “cung” ra thị trường chỉ trong vài ngày? Ai sẵn sàng mua một lúc cả triệu CP? Để nhận diện rõ bên mua, bên bán nhằm mục đích thâu tóm hay ý định gì khác là không đơn giản.

Tuy nhiên, các thống kê trên đây đã chỉ ra: một lượng lớn CP HBB nhiều khả năng đã được các “tay to” kiểm soát. Và nếu như vậy, phải chăng những phiên KLGD “khủng” của HBB chính là động thái bán tay phải mua tay trái với mục đích “biểu diễn”?

Nằm trong tay lượng lớn CP, rồi lại tạo thanh khoản cho số CP này có thể mang lại nhiều tác động: Một mặt để “chiêu dụ” NĐT bên ngoài rằng CP đang có thanh khoản tốt, cứ mua cứ bán và mượn tay NĐT để đẩy CP lên. Mặt khác cũng để “dằn mặt” những NĐT dù còn nắm trong tay một lượng lớn CP cũng nên bán ra, vì những “tay to” ở đây mới là người kiểm soát cuộc chơi.

Ở đây có 2 điểm cần lưu ý: Nếu mua với mục tiêu thâu tóm, bên mua thường không mua đuổi trên sàn để rồi phải chịu mức giá cao, chưa chắc đã đạt được mục đích. Cách thức chủ yếu vẫn là “gom” âm thầm và sau đó công bố thông tin. Vì vậy, nếu NĐT nào đó kỳ vọng câu chuyện thâu tóm, sáp nhập vẫn sẽ là động lực của HBB cần phải xem lại. Có thể một bên nào đó dựa vào thông tin này “đánh lên”, CP sẽ tăng.

Nhưng nếu không ai “đánh” và NĐT cũng không quan tâm CP không có “cửa” tăng, thậm chí còn quay đầu. Điểm kế tiếp, khi CP đã rơi vào “tay to” việc tạo thanh khoản hết sức dễ dàng. Vì vậy khi đã hoàn thành “sứ mạng”, thanh khoản có thể giảm đột ngột và trở lại như trước. Thí dụ, nắm giữ 200.000 CP HBB trong những phiên KLGD 20 triệu CP thì “xả” rất dễ dàng, nhưng nếu KLGD chỉ còn 2 triệu CP sẽ vô cùng “mệt mỏi”.

“Show diễn” về thanh khoản có thể kết thúc bất cứ lúc nào và đó là một trong những rủi ro lớn nhất đối với HBB.

Thái Ca - Đông Phong

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Chân - Tay - Miệng (19/03/2012)

>   Các quỹ “tiếp lửa” cho thị trường (19/03/2012)

>   Công ty chứng khoán trước giờ G (19/03/2012)

>   Sẽ có làn sóng vốn ngoại nếu gỡ trần 49% (19/03/2012)

>   19/03: Bản tin đầu tuần (19/03/2012)

>   Cổ phiếu ngành điện khó “ăn theo” giá điện (17/03/2012)

>   Đại gia giấu mặt: Tầng lớp siêu giàu xuất hiện? (17/03/2012)

>   SHS vào diện cảnh báo do sau kiểm toán vẫn lỗ 381 tỷ đồng (16/03/2012)

>   Đầu tư cổ phiếu ngân hàng: Kỳ vọng hay mạo hiểm? (16/03/2012)

>   SHB và HBB gửi lại... “thông cáo báo chí” cho UBCK (16/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật