Thứ Bảy, 17/03/2012 11:03

Cổ phiếu ngành điện khó “ăn theo” giá điện

Dù giá điện có tăng thêm như đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất điện chưa hẳn sẽ tăng.

Theo BCTC quý IV/2011 của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH), trong năm 2011, doanh thu của Công ty đạt 447,7 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với năm 2010. Con số này nhìn trong tình hình sản lượng điện ổn định cho thấy, VSH có thể đã tính doanh thu giá bán điện theo cách thức cũ, bằng 90% giá điện bình quân của năm 2010.

Không thể liên lạc được với ông Võ Thành Trung, Tổng giám đốc, cũng là người công bố thông tin của VSH để biết chính xác VSH đã đàm phán xong giá điện mới với EVN chưa, nhưng đặt giả thiết VSH hoàn tất việc thương lượng, thì VSH vẫn có thể chưa điều chỉnh ngay giá bán, qua đó tăng doanh thu năm 2011. Như trường hợp ở CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC), mức tăng trưởng 20% về doanh thu năm 2011 chỉ bộc lộ trong báo cáo tài chính có kiểm toán. Dựa theo giá mua điện mới của EVN dành cho TBC, đơn vị kiểm toán đã nâng doanh thu của TBC từ 122 tỷ đồng (trước kiểm toán) lên 175,6 tỷ đồng (sau kiểm toán).

Đặc thù ngành điện đòi hỏi đầu tư lớn và 65% nguồn vốn đầu tư đều phải đi vay

Thực tế, khi EVN tăng giá bán điện thêm 15,28%, lên 1.242 đồng/kWh trong năm 2011, EVN cũng đồng thời nâng giá mua điện tại các nhà cung cấp. Chẳng hạn, EVN đồng ý nâng giá mua điện ở Nhà máy Khe Diên của CTCP Sông Ba (SBA) từ 600 đồng/Kwh lên 900 đồng/Kwh. Với nguồn điện tại Nhà máy Krong H’Năng cũng thuộc SBA, EVN chấp nhận trả giá 690 đồng/Kwh, thay vì chỉ trả 638 đồng/Kwh như trước đó. Nhờ vậy, doanh thu của SBA trong năm 2011 đã tăng từ 104,5 tỷ đồng năm 2010 lên 202,5 tỷ đồng năm 2011.

Tuy nhiên, như chia sẻ của đại diện SBA, dù EVN chịu chi thêm tiền thì giá bán điện của các nhà sản xuất tính ra cũng chỉ khoảng 5,3 - 5,5 cent/Kwh. Mức giá này không đủ xoa dịu gánh nặng chi phí tài chính đang đè lên vai các doanh nghiệp ngành điện.

Theo giới phân tích, với đặc thù ngành điện đòi hỏi đầu tư lớn và 65% nguồn vốn đầu tư đều phải đi vay, thì lãi vay hiện đang là một trong những áp lực lớn đối với doanh nghiệp điện. Năm 2011, lãi vay ở SBA là 71,7 tỷ đồng, chiếm 56,5% lãi gộp. Vì thế, dù doanh thu tăng 43%, nhưng lợi nhuận từ kinh doanh của SBA chỉ tăng 2,7%.

Chi phí lãi vay của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cuối năm 2011 là hơn 230 tỷ đồng. Tuy nhiên, mối lo của PPC không chỉ là lãi vay, mà còn ở vấn đề tỷ giá. Theo BCTC quý IV/2011, lỗ từ chênh lệch tỷ giá (cả thực hiện và chưa thực hiện) của PPC tính đến cuối 2011 là 761,6 tỷ đồng. Cộng chung, chi phí tài chính ở PPC lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Chi phí tài chính đã xóa hết những kết quả kinh doanh mà PPC đạt được trong năm qua.

Vì thế, với những doanh nghiệp đang phải theo đuổi các kế hoạch đầu tư cần vốn hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng, thì ngoài bài toán tìm vốn ở đâu, các công ty này còn phải chú ý đến khía cạnh có thể được vay với nhiều ưu đãi hay không.

SBA đã coi việc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho Dự án Thủy điện Khe Diên (20 tỷ đồng, lãi suất 3,9%/năm) và vay 792,8 tỷ đồng và 6,8 triệu USD ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với lãi suất cố định từ 6,9 - 8,4%/năm cho Công trình Krong H’Năng là một lợi thế quan trọng. Vì nhờ đó mà SBA né tránh được phần nào tác động tiêu cực từ lãi vay tăng và rủi ro tỷ giá. Tuy vậy, cũng như các doanh nghiệp vay nợ nhiều, SBA không thể thoát được cảnh chi phí tài chính “ăn” vào lợi nhuận Công ty.

Rõ ràng, giá điện chỉ là một yếu tố trong nhiều yếu tố làm nên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất điện. Lợi nhuận doanh nghiệp có tăng tương ứng theo giá điện hay không còn tùy vào việc DN có được EVN tăng giá mua điện, có ổn định được sản lượng sản xuất và có ít nợ nần hay không.

Đối chiếu vào các DN điện niêm yết, hiếm đơn vị đạt được những yếu tố kể trên. Trong khi đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhiệt điện còn phải đối phó với biến động giá đầu vào như giá than tăng. Năm ngoái, giá than đã tăng hơn 30% và dự kiến còn tăng. Vì thế, năm 2011, dù doanh thu có tăng nhẹ so với năm 2010, thì giá vốn hàng bán vượt doanh thu đã khiến CTCP Nhiện điện Bà Rịa (BTP) lỗ ngay từ khâu sản xuất.

Hiệu quả kinh doanh khó đột biến, lại phải đương đầu với nhiều thách thức, nên trong mắt giới đầu tư, cổ phiếu ngành điện vẫn chưa được ưu tiên chọn lựa. Trong số 14 DN điện trên sàn, cổ phiếu của PPC, KHP, BTP, HJS, SBA, TIC, TMP vẫn đang giao dịch dưới mệnh giá. Còn lại, các cổ phiếu VSH, NBP, NLC, RHC, SEB, SJD, TBC đang giao dịch quanh mức 10.000 - 14.000 đồng/CP.

Ngọc Thủy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Đại gia giấu mặt: Tầng lớp siêu giàu xuất hiện? (17/03/2012)

>   SHS vào diện cảnh báo do sau kiểm toán vẫn lỗ 381 tỷ đồng (16/03/2012)

>   Đầu tư cổ phiếu ngân hàng: Kỳ vọng hay mạo hiểm? (16/03/2012)

>   SHB và HBB gửi lại... “thông cáo báo chí” cho UBCK (16/03/2012)

>   Chứng khoán: Căng thẳng và bất ngờ (16/03/2012)

>   Doanh nghiệp kiểm toán phải giải trình nội dung ngoại trừ (16/03/2012)

>   Chứng khoán Trường Sơn chính thức ngừng hoạt động giao dịch (16/03/2012)

>   Quỹ đầu tư đón trước thị trường (16/03/2012)

>   Đại gia giấu mặt: Những nghi án thôn tính (16/03/2012)

>   Chứng khoán Dầu khí đóng cửa một loạt chi nhánh (15/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật