Quỹ đầu tư đón trước thị trường
Các quỹ đầu tư đang có những kế hoạch riêng để chuẩn bị đón cơ hội mới khi thị trường chứng khoán phục hồi.
Ông Trần Thanh Tân, Tổng Giám đốc Công ty quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFM), cho rằng, trong năm 2012, hoạt động đầu tư chứng khoán sẽ vận động theo chiều hướng phát triển mạnh hoạt động đầu tư cá nhân. “Sẽ hình thành các quỹ chuyên biệt, tuy quy mô nhỏ, nhưng chuyên sâu. Với VFM, trong vài tháng tới sẽ tiến hành huy động vốn cho quỹ mở đầu tiên tại Việt Nam”, ông Tân nói và cho hay VFM đã nộp hồ sơ xin thành lập quỹ mở tới các cơ quan chức năng.
Chia sẻ xu hướng này, ông Nguyễn Tuấn Thiên Ân, Tổng điều hành đầu tư của Eastspring Investments tại Việt Nam cũng cho hay, việc cơ quan chức năng sẽ cho phép các công ty quản lý quỹ huy động vốn để thành lập quỹ mở (hiện đang xây dựng các điều kiện) cũng là một trong những mục tiêu quan tâm của Eastspring Investments trong năm 2012 này.
Ông Ân cho biết, kế hoạch trong 2 đến 3 năm tới, Eastspring Investments sẽ huy động thêm khoảng 200 triệu USD từ các nguồn để đầu tư vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Dự kiến Quỹ sẽ dành 25% số tiền trên để đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Với thực tế hạ lãi suất cho vay đã bắt đầu, cơ hội để thị trường chứng khoán trở nên sôi động hơn đang được dự báo sẽ sớm diễn ra, kéo theo cơ hội cho các quỹ đầu tư giải ngân vốn cũng gần hơn. Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phòng Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận xét, việc một số ngân hàng hạ lãi suất dù mức độ chưa nhiều nhưng đã tác động tích cực đối với tâm lý của nhà đầu tư, bởi đây là điều mà thị trường đã chờ đợi trong thời gian dài vừa qua. “Về dài hạn, khi mặt bằng lãi suất của toàn hệ thống giảm xuống, các doanh nghiệp niêm yết dễ dàng tiếp cận dòng vốn này, gánh nặng về chi phí lãi vay giảm bớt và thể hiện trong kết quả hoạt động kinh doanh, sẽ tác động tốt tới giá cổ phiếu”, ông Hiển dự báo.
Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, cơ hội đầu tư sẽ không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực. Cổ phiến của các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ trên vốn cao sẽ có nhiều dư địa tăng giá do sớm thoát khỏi áp lực trả lãi cao vốn kéo dài suốt năm vừa qua.
Ông Hiển cho biết, theo thống kê, mức nợ vay/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, gạch), sản xuất thực phẩm, chế biến thủy sản, vận tải thủy, xây dựng đang khá cao. Bình quân từ 1,5 lần đến trên 2 lần. Trong số này, các doanh nghiệp thực phẩm hoặc chế biến xuất khẩu thủy sản sẽ được hưởng lợi nhanh và nhiều hơn với xu hướng lãi suất giảm. “Các doanh nghiệp xây dựng cơ bản và thi công các công trình trọng điểm như một số doanh nghiệp thuộc nhóm Sông Đà cũng sẽ hưởng lợi nhiều từ xu hướng giảm lãi suất này so với các doanh nghiệp xây dựng dân dụng”, ông Hiển nhận định.
Mặc dù cơ hội đang mở ra phía trước, nhưng giới đầu tư vẫn cho rằng, cơ quan quản lý cần có những sách khích lệ, thu hút các nhà đầu tư thực sự tích cực tham gia, tạo động lực mới cho thị trường.
Ông Tân thì cho rằng, chính sách ưu đãi về thuế cần được áp dụng theo hướng tập trung vào đối tượng nhà đầu tư. “Nếu nhà đầu tư thấy đây là cơ hội thì gián tiếp các công ty trung gian sẽ được hưởng lợi và chính sách đó sẽ ưu việt hơn”, ông Tân phân tích.
Chí Tín
đầu tư
|