Đầu tư cổ phiếu ngân hàng: Kỳ vọng hay mạo hiểm?
Thị trường chứng khoán có dấu hiệu thoát qua giai đoạn điều chỉnh từ phiên 12/3. Thời điểm này những thông tin về lĩnh vực ngân hàng liên tiếp được “hâm nóng” đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư đồng thời sự kỳ vọng vào sự tăng trưởng tiếp theo của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Đón đầu “lướt sóng”
Kể từ đầu năm đến phiên phân phối tạo đỉnh 5/3, chỉ số HNX-Index và VN-Inndex đã tăng trên 30% và nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp đáng kể vào quá trình tăng trưởng đó. Với 9 mã cổ phiếu niêm yết trên hai sàn, duy có NVB là tăng 21% còn lại hầu hết đều có mức tăng quanh mức 50%, đáng chú ý hai mã HBB và SHB vọt tăng tương ứng 79% và 93%.
Quan sát diễn biến giao dịch của nhóm cổ phiếu này, cho thấy giới đầu tư dựa nhiều vào các thông tin đồn thổi và thực hiện đầu cơ mang tính chất đón đầu.
Trường hợp của cổ phiếu STB là một trong những điển hình, sau khi ngân hàng Eximbank cho biết nắm 51% cổ phần tại Ngân hàng Sacombank, thì cổ phiếu này ngay lập tức đã được các nhà đầu tư tranh mua, tăng từ giá 18.700 đồng/cổ phiếu (23/2) lên mức 23.300 đồng/cổ phiếu (5/3).
Tương tự, cổ phiếu HBB trở thành hiện tượng về giao dịch trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Tuy nhiên, năm 2011 lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng chỉ đạt 262 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhóm các ngân hàng lớn như CTG, EIB, STB… Ngoài ra, kết quả kinh doanh của HBB trong quý IV lại lỗ hơn 40 tỷ đồng, song giá HBB vẫn tăng vù vù và thanh khoản có những phiên tăng kỷ lục 40 triệu cổ phiếu (28/2).
Liên quan đến HBB, cổ phiếu SHB đã có mức giá tăng trưởng cao nhất nhóm ngân hàng trong 3 tháng, kể từ đầu năm 2011.
Do hoạt động đầu tư trên thị trường hiện mang nặng tính đầu cơ, nên sau đợt tăng trưởng ồ ạt, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không thoát khỏi đợt điều chỉnh chung của thị trường.
Tín hiệu sáng
Tuy nhiên bắt từ đầu phiên giao dịch 12/3 trở lại gần đây, một số cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu chuyển động trở lại và cùng với đó thị trường cũng xuất hiện xu hướng hồi phục. Trái với diễn biến tăng trưởng của chu kỳ trước, thời điểm này nhiều chuyên gia cho rằng, các tín hiệu sáng bắt đầu lộ diện và có cơ sở hơn cho đợt tăng trưởng lần nay.
Nhận định về triển vọng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, ông Nguyễn Tuấn, Trưởng phòng Đầu tư Công ty Chứng khoán FLC có quan điểm khá lạc quan, diễn biến giảm lãi suất cơ bản xuống 13% (từ 13/3) sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có nguồn vốn rẻ hơn, trên cơ sở đó có thể hạ lãi suất.
“Khi một chu kỳ kinh tế mới bắt đầu chuyển động, đầu tư cổ phiếu thường rất nhạy cảm với thông tin giảm lãi suất. Các yếu tố ảnh hưởng tới giá cổ phiếu ngân hàng là vấn đề nợ xấu. Về cơ bản khi lãi suất giảm có xu hướng giảm thì các chỉ số về nợ xấu cũng giảm theo. Rõ ràng, cổ phiếu ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ những yếu tố này,” ông Tuấn nói.
Phân tích quá trình giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng, ông Tuấn cũng chỉ ra, nhóm cổ phiếu thuộc các ngân hàng năng động như EIB, ACB... đã có sự tích lũy khá lâu từ 2010 đến 2011. Ngoài ra trường hợp của cổ phiếu HBB cho thấy sự thu gom gần đây của các tổ chức là rất lớn, có những hôm dư trần tới trên 20 triệu cổ phiếu không được đáp ứng. Điều này cho thấy số lượng chứng khoán trôi nổi của nhóm cổ phiếu này không còn nhiều.
“Thông tin giảm lãi suất, các tổ chức đã tích lũy cổ phiếu rất lớn đồng thời xu hướng thị trường có dấu hiệu hồi phục. Ba yếu tố cơ bản sẽ là động lực tích cực hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu ngân hàng," ông Tuấn nhận định.
Ngoài ra, theo ông Marc Djandji, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Bản Việt, cuối tuần qua, quỹ Van Eck Vietnam đã công bố việc điều chỉnh hàng quý của chỉ số Market Vectors Vietnam Index, theo đó từ 19/3 tỷ trọng của mã cổ phiếu STB trong rổ cổ phiếu sẽ là 6%.
Thông báo này có thể gây hứng thú đối với nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận từ việc thay đổi tỷ trọng cổ phiếu trong ETF. Từ đầu tuần đến nay (12/3 - 16/3), cổ phiếu STB đã bắt đầu lấy lại đà tăng liên tiếp trong các phiên.
“Một thông tin khác cũng đang khuấy động các nhà đầu tư, đó là việc quỹ ETF iShares Vietnam Investable Market Index được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cấp mã giao dịch, mở tài khoản và sẽ sớm giải ngân vào thị trường Việt Nam, điều này khiến nhiều cá nhân đã tranh thủ tăng lực mua. Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm hợp lý cho các nhà đầu tư giá trị tích lũy ở mức giá rẻ,” ông Marc Djandji kỳ vọng.
Tuy nhiên, dưới góc độ đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng về khả năng tăng ngắn hạn của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ông Trần Tiến Dũng là một nhà đầu tư khá lớn và sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, song tại thời điểm này lại tỏ ra do dự và cho rằng trong ngắn hạn nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn là mục tiêu đầu cơ, tuy nhiên về trung hạn thì cần quan sát sự hấp thụ của thị trường vào tuần tới.
“Đầu cơ là chấp nhận rủi ro và đi kèm với nó phải là sự tăng trưởng lợi nhuận lớn. Nhưng sau đợt tăng trưởng bình quân trên 50% của nhóm ngân hàng vừa qua, nếu vẫn kỳ vọng mức tăng tiếp 50%-60% quả là quá lạc quan. Do đó, theo tôi đây không phải là bài toán đầu cơ hợp lý,” ông Dũng nói./.
Linh Chi
Vietnam+
|