Chân - Tay - Miệng
Dần dần, Miệng đâm ra tự mãn, hở ra là rêu rao về công dụng dẫn dắt, định hướng thị trường của mình.
Ngày xửa ngày xưa, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai và lão Miệng sống bên nhau rất là thân thiết. Ai làm việc nấy, lúc rảnh rỗi thì cùng nhảy múa hát ca. Tháng ngày trôi qua hạnh phúc lắm. Bỗng một hôm, cô Mắt than thở với cậu Chân, cậu Tay rằng:
*“Bác Tai, hai anh và tôi làm việc mệt nhọc, quần quật quanh năm, còn lão Miệng thì chẳng làm gì cả, chỉ ngồi ăn không. Nay chúng ta đừng làm gì nữa, thử xem lão có còn sống được nữa không. Tôi là tôi chán cái cảnh kẻ làm người xơi thế này lắm rồi”.
Cậu Chân, cậu Tay cũng nói:
* “Phải đấy! Chúng ta phải đi nói cho lão Miệng biết để lão tự lo lấy. Chúng ta vất vả nhiều rồi, đã đến lúc lão phải tự mình tìm lấy thức ăn, xem lão có làm nổi không”.
Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay qua nhà bác Tai để rủ bác cùng đi. Cả bọn dắt nhau hăm hở tới nhà lão Miệng. Không chào hỏi gì cả, cậu Chân và cậu Tay huỵch toẹt:
* “Chúng tôi đến không phải thăm hỏi mà để nói cho ông biết: từ nay chúng tôi không làm để nuôi ông nữa, lâu nay chúng tôi vất vả cực khổ vì ông quá đủ rồi”.
Nói rồi, không kịp để cho lão Miệng kịp phân trần gì, cả bọn lục tục kéo nhau về.
- Từ hôm đó, đúng như những gì đã nói, Bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay không làm lụng gì nữa. Nhưng lạ thay, một ngày, hai ngày, rồi ba ngày…, cả bọn thấy mệt mỏi, rã rời. Cậu Chân, cậu Tay không còn muốn cất mình lên để chạy nhảy, vui đùa như trước nữa. Cô Mắt thì ngày cũng như đêm lúc nào cũng lờ đờ, hai mí mắt sụp xuống nhưng không tài nào ngủ được. Bác Tai trước kia thính là thế, nghe nhạc rất rõ mà nay thì lúc nào cũng thấy ù ù như đang xay lúa. Cả bọn lừ đừ, mệt mỏi như vậy cho đến ngày thứ 7 thì không tài nào chịu đựng được nữa, đành họp nhau lại để bàn bạc. Bác Tai nói với cô Mắt, cậu Tay, cậu Chân rằng:
* “Chúng ta nhầm rồi các vị ạ. Nếu chúng ta không làm cho lão Miệng có cái ăn thì chúng ta cũng bị tê liệt cả. Lão Miệng tuy không làm, nhưng lão có công việc là nhai và nói, như vậy là cũng làm việc rồi chứ không phải là ăn không ngồi rồi đâu”.
Cậu Chân từ nãy đến giờ đứng không vững, nghe thế cũng lẩy bẩy góp chuyện: Đúng đấy. Lão Miệng tiếng thế thôi chứ cũng quan trọng lắm. Nếu “ăn” là để nuôi sống chúng ta thì “nói” là để tất cả cảm nhận rằng ta đang sống.
Cả bọn nghe thấy có lý liền dẫn nhau đến nhà lão Miệng để nói chuyện lại với lão. Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay cố gượng dậy đi theo. Đến nơi, họ thấy lão Miệng cũng nhợt nhạt cả, hai hàm thì khô rang không buồn nhếch mép. Bác Tai, cô Mắt cố vực lão Miệng dậy, còn cậu Chân, cậu Tay thì đi tìm thức ăn. Lão Miệng ăn xong, dần tỉnh lại. Bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay tự nhiên cũng thấy đỡ mệt nhọc hẳn, rồi thấy trong người khoan khoái như trước…
Thế rồi, lão Miệng, bác Tai, cậu Chân, cậu Tay và cô Mắt lại sống hòa thuận, thân mật như trước. Nhất là từ khi cả bọn kiếm được nghề tay trái ở trên sàn chứng khoán. Việc này cũng là do lão Miệng rủ rê cả, lão bảo cứ lên sàn mà kiếm ăn, nghề này nhàn thân, dễ kiếm. Các cô các cậu chỉ cần lao động giản đơn, ký lệnh, đếm tiền. Bác Tai cũng chỉ việc dỏng lên mà nghe ngóng. Còn tính toán kiếm ăn để tôi lo cả.
Chả biết nhàn hạ đến đâu, nhưng đúng là lão Miệng có đất để tung hoành thật. Hết rỉ tai lại đến tung tin, hứa hẹn... Chiêu thức sở trường thì có “Ăn vụng ngon miệng” hoặc là “Há miệng chờ sung”… Dần dần, Miệng đâm ra tự mãn, hở ra là rêu rao về công dụng dẫn dắt, định hướng thị trường của mình.
Nhưng trời không chiều lòng Miệng, chứng khoán xuống dốc. Chân, Tay, Tai, Mắt ăn món “hứa” nhiều quá nên bức xúc bảo:
- Người ta nói mồm miệng đỡ chân tay, mà anh chả đỡ bọn tôi được cái gì. Bọn tôi làm được đồng nào lại đổ hết vào cái tài khoản không đáy của anh cả.
- Miệng cãi: thì gặp thời thế thế thời phải thế. Người xưa nói “thủ khẩu như bình, phòng ý như thành”. Nghĩa là giữ miệng như miệng bình, ngừa ý như giữ thành. Thị trường thế này thì “im lặng là vàng” là thượng sách. Mà có phải riêng tôi đâu. Đến CTCK cũng “im lặng biến mất khỏi thị trường”; rồi thì “đại gia dấu mặt lẳng lặng thôn tính DN”… Xưa nay, chỉ có mỗi mấy ông say rượu, ngậm phải máy thử độ cồn thì mới “ngậm miệng mất tiền” thôi.
Bác Tai bảo: Nhưng có việc này anh không “ngậm miệng” được. Ấy là cái việc anh em mình đầu tư chứng khoán thua lỗ mà vẫn phải nộp thuế thu nhập ấy. Mấy năm nay toàn mất chứ có được đồng nào đâu mà… thu nhập!
Miệng: Người ta đang ráo riết sửa đổi đấy. Mà chả phải riêng với dân chứng đâu, cái gì bất hợp lý sửa hết! Chắc là anh đói quá đâm ra… điếc dở không nghe thấy à?
- Tôi có… tiếc cái gì đâu. Nhưng thấy bà con bảo, cái giảm trừ gia cảnh gì đấy tăng lên chả bù đủ cho vật giá leo thang.
- Các bác lo việc sửa đổi bảo như thế là đã khoan sức dân lắm. Người ta tính toán, căn cứ vào nhiều thứ lắm, từ điều kiện xã hội, phong tục tập quán để tính ra mức giảm trừ 6 triệu đồng/tháng chứ không phải đùa. Với lại cứ sửa là tốt rồi.
- Không nhanh thế đâu anh ơi. Phải đến 2014 mới sửa cơ.
Miệng: Thì “chính sách là phải ổn định” chứ!
Cậu Chân: Nhưng giá cả tuy chẳng có chân mà chạy như ngựa. Nó có chịu nằm im một chỗ như anh đâu!
Miệng: Đề nghị anh Chân bớt… miệng. Ai nằm im, anh không được xúc phạm người khác.
Chân: Nhưng tôi thấy bức xúc thì tôi phải nói. Sửa đổi to tát, sâu xa gì mà phải mất gần 2 năm mới thực hiện.
Miệng: Tôi yêu cầu anh một lần nữa. Không phải thấy nói không ai đánh thuế là cứ nói bừa. Tôi đề xuất nâng phí đường bộ gấp vài chục lần cho anh… tấp tểnh bây giờ!
Phí Trọng Hiếu
đầu tư chứng khoán
|