Giải pháp hút vốn FDI vào công nghiệp phụ trợ
Chia sẻ tại Hội thảo Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng vốn FDI vào Việt Nam, ông Mai Đức Chọn, Trưởng ban quản lý khu công nghiệp (KCN) Hải Dương cho biết việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa. Tỷ trọng công nghiệp trong KCN ngày càng tăng và giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế công nghiệp của tỉnh.
Để nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho các dự án FDI đầu tư vào các KCN không bị phụ thuộc vào việc nhập khẩu các linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu, chúng ta phải có chiến lược thu hút nguồn đầu tư vào công nghiệp phụ trợ (CNPT). Vì công nghiệp phụ trợ có vai trò rất quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI.
Về giải pháp, ông Chọn cho rằng cần ưu tiên đẩy mạnh phát triển các ngành CNPT, coi đây là mũi đột phá chiến lược. Chính sách ưu tiên đó sẽ tạo niềm tin cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam.
Các dự án FDI đầu tư vào KCN của tỉnh Hải Dương có quy mô khá lớn. Tỷ suất đầu tư trên 1 ha đất cho thuê đạt trên 4 triệu USD, tạo ra giá trị công nghiệp ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, các dự án này chủ yếu hoạt động trong phân khúc lắp ráp và sử dụng lao động phổ thông. Các linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thành cao, khó cạnh tranh. Trong khi đó, các ngành sản xuất phụ trợ trong nước chưa phát triển và chưa đáp ứng được đòi hỏi của các doanh nghiệp FDI. |
Ông Chọn cho biết, Chính phủ và các Bộ ngành trung ương cần sớm triển khai thực hiện các cơ chế chính sách liên quan đến CNPT đã ban hành thì mới phát huy hết hiệu quả hoạt động: Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về Chính sách hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Thông tư số 96/2011/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện chính sách tài chính.
Ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư; chuyển giao công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện về vay vốn, ưu đãi thuế đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực CNPT.
Một điều quan trọng khác là cần xem xét giảm bớt các thủ tục hành chính trong việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép lao động.
Mặt khác, cần xây dựng chương trình phát triển từng nhóm sản phẩm phụ trợ để thu hút đầu tư nước ngoài; tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn tạo nền tảng để phát triển CNPT. Cũng cần tập trung thu hút các dự án sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, bán thành phẩm cần nhiều linh kiện bộ phận.
Bài viết liên quan:
* Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam năm 2011
* GS. TSKH. Đặng Hùng Võ: Chính sách đất đai cần cởi mở để thu hút FDI
* Chuyển giá - mặt trái của vốn FDI
* Thu hút FDI: Khéo nói, chưa khéo làm
* M&A với các nhà đầu tư nước ngoài: Chờ bùng nổ các thương vụ lớn
Như Ý (Vietstock)
Finfonet
|