Thứ Sáu, 16/03/2012 16:09

Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam năm 2011

Thừa nhận rằng năm 2011 là năm đáng nhớ trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam nhưng ông Hirokazu Yamaok (Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản - JETRO), cũng cho biết Việt Nam hiện vẫn đứng sau Thái Lan và Indonexia trong lĩnh vực này.

Cụ thể, hiện Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam về vốn đầu tư trong năm 2011. Trong đó, chỉ xét riêng trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, Nhật Bản là nhà đầu tư số 1 cả về số dự án (75%) và vốn đầu tư (hơn 90%).

Việt Nam đã cấp 1,091 giấy phép đầu tư mới cho các doanh nghiệp nước ngoài trong năm 2011. Trong đó, số giấy phép của Nhật Bản chỉ đứng sau các doanh nghiệp Hàn Quốc với 208 giấy phép được cấp.

Tuy nhiên, ông Hirokazu Yamaok cũng nhấn mạnh, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng tiến hành đầu tư vào các nước khác trong ASEAN. Chẳng hạn, Thái Lan đã thu hút 1,393 dự án đầu tư từ Nhật Bản trong thời gian 2008-2011, Indonexia thu hút 1,045 dự án (chỉ tính dự án đã và đang thực hiện), cao hơn đáng kể so với Việt Nam là 572 dự án. Về giá trị, số vốn đầu tư trực tiếp Nhật Bản trong vòng 4 năm qua (2008-2011) tại Thái Lan là 13.3 tỷ USD, tại Indonexia là 4.2 tỷ USD, còn tại Việt Nam là 5.5 tỷ USD.

Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” được tổ chức vào ngày 15/03, ông Hirokazu Yamaok khuyến nghị, để có thể nâng cao sức cạnh tranh so với hai quốc gia nêu trên, Chính phủ Việt Nam cần sớm đưa ra nhiều giải pháp phù hợp hơn nữa trong các lĩnh vực khác nhau.

Những lo ngại của Nhật Bản về môi trường đầu tư tại VN

Ông Hirokazu Yamaok cho rằng Việt Nam cần tập trung vào 3 lĩnh vực then chốt, bao gồm: cung cấp điện năng, đường cao tốc và cảng biển.

Ông chia sẻ, thời gian qua, các nhà đầu tư Nhật Bản lo ngại về tình hình cung cấp điện năng tại Việt Nam khi việc thiếu điện trầm trọng đã xảy ra vào năm 2010. Sang năm 2011, tình hình đã cải thiện lên rất nhiều sau khi một số tổ máy của Nhà máy thủy điện Sơn La bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, phía Nhật Bản tin rằng kế hoạch tổng thể phát triển ngành điện của Việt Nam sẽ được chuẩn bị tốt, đặc biệt là dự án truyền tải điện vốn rất được các ngành công nghiệp mong đợi.

Về đường cao tốc, ông Hirokazu Yamaok đánh giá cao dự án xây 1,870km đường cao tốc tới năm 2020 của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam vẫn cần xem xét ưu tiên xây dựng đường cao tốc để thu hút đầu tư mặc dù còn một số thách thức khi triển khai dự án theo hình thức Hợp tác Công tư (PPP), chi phí xây dựng đang tăng do lãi suất cao, sự giảm giá của đồng Việt Nam và việc tăng lương…

Lấy ví dụ về một dự án cảng biển đạt hiệu quả thu hút nhà đầu tư thông qua hạ tầng phát triển và sự hiện diện của khu kinh tế đặc thù, ông Hirokazu Yamaok nói đến dự án nâng cấp cảng Lạch Huyện tại Hải Phòng. Tổng vốn đầu tư cho dự án này khoảng 2 tỷ USD. Khi hoàn thành dự án, hai tàu trọng tải lớn có sức chứa 100,000 DWT có thể neo tại cầu tàu trong cùng thời gian. Một cảng có công suất tiếp nhận tương đương 855,000TEU hàng năm cũng sẽ được đưa vào khai thác. Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải tại Hải Phòng đã sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư với nhiều cơ chế khuyến khích.

Việc phát triển hạ tầng đồng bộ sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh phát triển công nghiệp, gia tăng xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại. Ngoài ra, sự ổn định của tỷ giá, lãi suất, cán cân thương mại, giá cả và vấn đề về lương sẽ tác động trực tiếp tới việc lựa chọn địa điểm đầu tư. Làm tốt các điều này là Việt Nam sẽ tăng sức hút đối với các quỹ đầu tư nước ngoài.

Vì sao Nhật Bản tăng cường đầu tư ra nước ngoài?

Ông Hirokazu Yamaok cho biết, theo nghiên cứu mới đây, khoảng 34% sản lượng công nghiệp chế tạo Nhật Bản được thực hiện ở nước ngoài. Con số này 25 năm trước là 9% và dự báo sẽ sớm đạt 40% trong một vài năm tới.

Có những lý do khiến đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản tăng lên. Cụ thể, đồng Yên tăng giá khiến xuất khẩu tại Nhật Bản ngày càng trở nên khó khăn; tiêu thụ trong nước sẽ giảm dần vì lượng dân số ngày càng giảm; nhiều công ty Nhật Bản, gồm cả công ty vừa và nhỏ, đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực chế tạo cũng như các cơ hội kinh doanh mới tại nước ngoài.

Đặc biệt là thảm họa thiên tai như sóng thần - động đất tại Nhật Bản và lũ lụt tại Thái Lan trong năm 2011 đem lại bài học hữu ích cho các công ty Nhật. Đó là rủi ro khi chỉ đặt cơ sở chế tạo tại một vị trí duy nhất và rủi ro khi quá tập trung. Hiện tại, các rủi ro khác liên quan đến ngành công nghiệp chế tạo cũng được tập trung nghiên cứu.

Các công ty Nhật Bản hiện đang tích cực xem xét các cơ hội đầu tư ra nước ngoài và thực hiện những nghiên cứu so sánh nhằm tìm ra địa điểm đầu tư phù hợp nhất.

Bài viết liên quan:

* Giải pháp hút vốn FDI vào công nghiệp phụ trợ

* GS. TSKH. Đặng Hùng Võ: Chính sách đất đai cần cởi mở để thu hút FDI

* Thu hút FDI: Khéo nói, chưa khéo làm

* Chuyển giá - mặt trái của vốn FDI

* M&A với các nhà đầu tư nước ngoài: Chờ bùng nổ các thương vụ lớn

Như Ý (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   Thu hút FDI: Khéo nói, chưa khéo làm (16/03/2012)

>   Các luồng vốn từ châu Âu đang đổ vào Việt Nam (16/03/2012)

>   Sẽ sửa toàn diện Luật Đầu tư 2005 (16/03/2012)

>   TS. Trần Hoàng Ngân: Dân không thể chịu thêm cú sốc tăng giá điện! (16/03/2012)

>   Thu hút FDI: Vì sao địa phương “thích” dự án tỷ USD? (15/03/2012)

>   Giảm 1% và tăng 10% (15/03/2012)

>   HSBC: Lạm phát sẽ không đi lên cho đến tháng 11/2012 (15/03/2012)

>   Barclays Capital tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam (14/03/2012)

>   Tái cơ cấu kinh tế và nỗi lo tiến độ (14/03/2012)

>   Lãnh đạo TP.HCM tiếp DN hai lần/tháng để gỡ vướng (14/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật