Chuyển giá - mặt trái của vốn FDI
Một vài lợi ích của chuyển giá không bù đắp được những thiệt hại kinh tế tài chính to lớn mà chuyển giá gây ra cho nước nhận FDI. Thành công của hoạt động chống chuyển giá chỉ được đảm bảo khi có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ ở tất cả các khâu với hệ thống công cụ cả ở cấp vĩ mô và vi mô.
Thu hút vốn FDI tưởng như đơn giản khi xét về lượng, các chỉ tiêu cần phấn đấu là số lượng, quy mô dự án, tổng vốn FDI thu hút và giải ngân hay phức tạp hơn một chút là cơ cấu thu hút và giải ngân FDI theo ngành, lĩnh vực và địa phương. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh trao đổi tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” được tổ chức vào ngày 15/03, xét về chất FDI, các chỉ tiêu phản ánh và mục tiêu cần đạt tới sẽ phức tạp và khó định lượng hơn nhiều. Bởi hiện tượng doanh nghiệp có vốn FDI chuyển giá khá phổ biến.
Cốt lõi của chuyển giá là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua giá cao khi nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị,… và giá thấp khi xuất khẩu bất chấp doanh nghiệp tại nước sở tại không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ (sau khi đã thu hồi vốn đầu tư và đạt mục tiêu lợi nhuận thì có thể cho phá sản, giải thể hay bán lại doanh nghiệp với giá rẻ).
Cụ thể hơn, Tiến sĩ Ánh nêu ra 4 điểm gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế cho quốc gia nhận vốn FDI.
Thứ nhất, thất thu NSNN từ thuế TNDN và thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Quy mô các khoản thu NSNN này không nhỏ khi các doanh nghiệp FDI đã chiếm tới khoảng 20% GDP, khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu, chiếm khoảng 30% tổng thu NSNN.
Nói cách khác, chống chuyển giá chỉ có hiệu quả khi gắn với cơ cấu lại nguồn thu NSNN theo hướng giảm tỷ trọng thu từ XNK, đặc biệt là giảm tỷ trọng thu từ nhập khẩu, xuống mức 5-10% tổng thu NSNN.
Thứ hai, chuyển giá làm “đội giá” máy móc thiết bị và nguyên nhiên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp FDI đồng thời “phá giá” sản phẩm đầu ra khiến cho doanh nghiệp FDI bị thua lỗ giả tạo.
Chuyển giá đối với máy móc thiết bị tạo tài sản cố định cho doanh nghiệp FDI, một mặt còn tạo ra “giá trị ảo” cho tài sản cố định, tăng tỷ lệ khấu hao tài sản cố định thực, “thổi phồng” phần vốn góp của phía nước ngoài, làm méo mó bức tranh thực tế về vốn FDI (cả thu hút và giải ngân). Mặt khác, giá trị của máy móc thiết bị mới, hiện đại dễ kiểm soát hơn so với giá trị của máy móc thiết bị cũ, lạc hậu nên không loại trừ nhà đầu tư FDI ưu tiên nhập khẩu máy móc thiết bị cũ, lạc hậu nhằm thực hiện chuyển giá dễ dàng hơn.
Chuyển giá còn có thể là một trong những nguyên nhân chính làm sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn nói chung, sử dụng vốn FDI nói riêng, khiến cho ICOR của khu vực FDI rất cao, thậm chí còn cao hơn cả khu vực kinh tế trong nước và suất đầu tư trên lao động cũng tương đối cao.
Thứ ba, đầu tư FDI góp phần rất tích cực tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá dịch vụ có chất lượng cao. Tuy nhiên, do chuyển giá nên thị trường trong nước, cả thị trường tư liệu sản xuất và thị trường tư liệu tiêu dùng, đều phải chịu mức giá cao bất hợp lý.
Một mặt, mức giá nhập khẩu cao do chuyển giá đã thủ tiêu lợi ích về giá từ hoạt động nhập khẩu, làm cho mặt bằng giá cao giả tạo, thậm chí có một số hàng hoá dịch vụ có mức giá tại Việt Nam còn cao hơn nhiều so với tại các nước trong khu vực. Mặt khác, giá nhập khẩu cao do chuyển giá còn hạn chế khả năng cạnh tranh bình đẳng của các doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp nước ngoài.
Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thuế trực thu trong khi doanh nghiệp FDI chủ yếu chịu thuế gián thu mà thực chất là người tiêu dùng cuối cùng phải chịu nên doanh nghiệp Việt lại càng khó cạnh tranh hơn. Nhất là hạn chế khả năng tăng cường tiềm lực tài chính trước đối thủ cạnh tranh là các doanh nghiệp FDI vốn có lợi thế rõ ràng về tài chính.
Cuối cùng, đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào thương mại xuất khẩu của Việt Nam là không thể phủ nhận. Các doanh nghiệp FDI góp phần rất tích cực vào mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng khả năng xuất khẩu. Nhờ đó Việt Nam nhanh chóng trở thành nền kinh tế có độ mở thuộc loại lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 150-160% GDP, với một số mặt hàng như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su, hàng may mặc, giày dép, v.v.
Nhưng mặc dù kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh song kim ngạch nhập khẩu cũng tăng không kém và kết quả là nếu loại trừ yếu tố dầu thô thì khu vực FDI cũng nhập siêu với quy mô lớn, tác động tiêu cực đến cán cân thương mại và cán cân vãng lai của Việt Nam.
Hơn nữa, do sức hấp dẫn của lợi nhuận thu được từ chuyển giá nên doanh nghiệp FDI có thể không quan tâm khai thác các yếu tố đầu vào từ thị trường trong nước thay vì nhập khẩu, do đó, hiệu ứng “tràn” của FDI bị hạn chế rất nhiều. Nói cách khác, doanh nghiệp FDI phát triển hầu như không kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp trong nước. Trái lại, trong nhiều trường hợp còn chèn lấn doanh nghiệp trong nước khi kinh doanh trong cùng ngành nghề.
Tóm lại, một vài lợi ích của chuyển giá không bù đắp được những thiệt hại kinh tế tài chính to lớn mà chuyển giá gây ra cho nước nhận FDI. Thành công của hoạt động chống chuyển giá chỉ được đảm bảo khi có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ của các bên liên quan đến FDI ngay từ khâu kêu gọi thu hút, thẩm định cấp phép đến quản lý, kiểm tra, giám sát, kiểm toán thực hiện dự án FDI với hệ thống công cụ cả ở cấp vĩ mô và vi mô.
Bài viết liên quan:
* Giải pháp hút vốn FDI vào công nghiệp phụ trợ
* GS. TSKH. Đặng Hùng Võ: Chính sách đất đai cần cởi mở để thu hút FDI
* Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam năm 2011
* Thu hút FDI: Khéo nói, chưa khéo làm
* M&A với các nhà đầu tư nước ngoài: Chờ bùng nổ các thương vụ lớn
Thanh Nụ (Vietstock)
Finfonet
|