Bàn cách thúc đẩy hàng may mặc vào Pháp
Thị trường tiêu dùng hàng may mặc ở Pháp đang đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, cơ hội không phải là không có cho hàng dệt may Việt Nam.
Đó là nhận định của một số chuyên gia bán lẻ tại hội thảo về thúc đẩy hàng dệt may Việt Nam vào thị trường này do hệ thống siêu thị Big C phối hợp với Trung tâm BSA và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức sáng 8-3.
Bà Jo Bueters, Cố vấn kỹ thuật và chiến lược ngành hàng phi thực phẩm của Tập đoàn bán lẻ Casino, cho biết thị trường hàng may mặc ở châu Âu nói chung và Pháp nói riêng đang ở trong tình trạng cạnh tranh hết sức khốc liệt từ nhiều quốc gia xuất khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Năm 2011, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may vào Pháp từ Trung Quốc là 5 tỉ euro (đứng thứ nhất) trong khi Việt Nam chỉ 250 triệu euro (đứng thứ 12).
Để cung cấp hàng một cách nhanh chóng, các doanh nghiệp Trung Quốc đã thiết lập nhiều nhà máy dệt may tại Tunisia, Maroc… là những nước có cự ly rất gần với châu Âu. “Với những nhà máy này, hàng hoá đưa vào châu Âu chỉ mất vài ngày hoặc vài tuần thay vì phải mất nhiều thời gian hơn nếu xuất phát từ các quốc gia thuộc châu Á” - bà Jo Bueters giải thích.
Chuyên gia của Casino cũng cho hay, một thách thức không nhỏ nữa là ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Ngoài ra, thời tiết tại Pháp năm nay biến động lớn khiến cho sự cung cấp hàng có sự lệch pha nhau. Hệ quả là hàng mùa đông thiếu hụt trong khi hàng mùa hè tồn kho chất đầy tại các cửa hàng bán lẻ.
Khủng hoảng kinh tế khiến cho thu nhập của người Pháp giảm rõ rệt. Thu nhập giảm cộng với tâm lý lo sợ về tương lai kinh tế bất định khiến cho người tiêu dùng ở đấy phải cắt giảm tiêu xài.
Tuy nhiên, bà Jo Bueters cũng lưu ý dù túi tiền giảm nhưng nhu cầu chưng diện của họ vẫn không giảm. “Nhu cầu thì vẫn như trước. Chỉ khác, họ mua những thứ vừa túi tiền và giảm mua những thứ xa hoa thôi”.
Đặc biệt, người tiêu dùng Pháp giờ đây rất thích mua hàng có khuyến mãi. Bà Jo Bueters cho biết có tới 50% lượng hàng quần áo được tiêu thụ ở Pháp là hàng giảm giá hoặc gắn với chương trình khuyến mãi.
Ở một góc độ khác, theo bà Alice Baey, Giám đốc thu mua toàn cầu thuộc Tập đoàn Casino, các nhà xuất khẩu may mặc cần hết sức lưu tâm đến yếu tố đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Đây là yếu tố đang làm thay đổi đáng kể hành vi tiêu dùng của người Pháp. Hàng hoá sẽ bị tẩy chay nếu việc sản xuất xâm hại đến môi trường hoặc sử dụng lao động trẻ em hoặc bóc lột nặng nề người lao động. Thông tin hiện nay qua nhiều phương tiện có thể lan truyền rất nhanh không chỉ trong nội địa một quốc gia mà trải ra ở tầm mức toàn cầu và do đó doanh nghiệp cần phải cẩn thận.
Ngoài ra, theo bà Alice Baey, mặc dù thị trường may mặc có nhiều thách thức nhưng điều đó không có nghĩa không còn cơ hội. Ví dụ như phân khúc thời trang cho giới trẻ ở Pháp vẫn tăng trưởng mạnh.
“Điều quan trọng là phải luôn cập nhật thông tin thị trường và linh hoạt trong tình huống hiện tại. Chúng ta nên tìm cách lướt sóng thay vì để cho sóng đè bẹp”- bà Alice Baey.
Nguyên Tấn
TBKTSG
|