Thứ Năm, 08/03/2012 07:32

Mở rộng hệ thống phân phối: Vướng từ luật

Vừa qua, báo DĐDN đã đăng bài: “Kết nối để phát triển thị trường” phản ánh vấn đề quan trọng của việc kết nối để phát triển hệ thống phân phối hiện đại. Tuy nhiên, nhiều trở ngại trong hoạt động này khiến DN mệt mỏi.

Theo ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Cty Vissan, khi các nhà SX, cung ứng, các nhà phân phối muốn vươn xa đến những vùng sâu, vùng xa thì cần sự hỗ trợ tích cực từ các địa phương. Và thực tế, các địa phương đón DN rất nồng nhiệt, hỗ trợ DN hết mình, thế nhưng các qui định trong “luật” lại đang làm cản trở DN ngay bước đi đầu tiên.

Quy định nhiêu khê

Ông Mười dẫn chứng: “Tôi mở 1 cửa hàng tôi bán, tôi mở ở TP HCM thì rất đơn giản bởi vì thuộc hệ thống của địa giới hành chính TP HCM. Tôi đi ra tỉnh, theo luật, tôi phải đăng ký tôi mở 1 chi nhánh, rồi 1 con dấu … làm giấy phép kinh doanh (KD) phải đích thân tôi ký mới được, phân cho một xí nghiệp, một đơn vị bên dưới không được”. Ông Mười cho rằng, nếu không có giải pháp trong vấn đề này thì các đơn vị SXKD muốn mở các kênh phân phối theo dạng cửa hàng tiện dụng sẽ bị trở ngại.

Cũng nói đến những “mắt xích” chưa gắn kết, chưa “thuận” trong một chuỗi liên kết để phát triển hệ thống phân phối, để đưa sản phẩm (SP) về với các vùng nông thôn, bà Quỳnh Mai, Cty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – MILIKETcho biết, sở dĩ DN “ngại” đưa hàng của mình đến các vùng nông thôn một phần do còn những qui định nhiêu khê. Đơn cử như: đến địa phương nào thì phải có giấy phép của Sở công thương tỉnh đó. Thời gian xin phép mất 5 ngày, trong khi 1 lần đưa chương trình đi các DN tính toán gói ghém trong vòng 1 tuần đến 10 ngày.

Đại diện Cty TNHH SX thương mại nhựa Chí Thành, cũng cho biết, trong những đợt “đưa hàng” về nông thôn, để kết nối, tìm được sự hỗ trợ ở một số địa phương quả là không ít trở ngại. Bản thân DN này cũng đã gặp phiền toái và ngán ngại khi đăng ký tham gia các chương trình bán hàng tại các vùng nông thôn các địa phương để giới thiệu sản phẩm, tìm sự kết nối mở rộng thị trường. Nhiều chuyến đi bán hàng, những chiếc mũ bảo hiểm chính hãng do chính nhà SX đem đi bán mà vẫn bị kiểm tra, kiểm soát hết sức gắt gao. Kiểm tra các loại giấy tờ, giấy chứng nhận… chưa đủ, lực lượng chức năng còn yêu cầu dùng “lực đập” để kiểm tra chất lượng mũ.

Theo DN này, rõ ràng, trong công cuộc “siết” mũ bảo hiểm kém chất lượng, lực lượng quản lý thị trường chỉ nhằm vào những DN có tên tuổi, hàng chính hãng, trong khi hàng trôi nổi, không nhãn hiệu, không nguồn gốc xuất xứ tràn ngập thị trường...

Quy hoạch thiếu đồng bộ

Về qui hoạch, cũng theo ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Cty Vissan, gần như hiện nay các địa phương chưa có qui hoạch thương mại cụ thể để các nhà SX, phân phối “đến”.

Ông Lê Văn Giành - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cũng thừa nhận:“Qui hoạch ngành thương mại của địa phương chưa đồng bộ với qui hoạch đô thị, qui hoạch sử dụng đất đai”. Ông Giành cũng dẫn chứng: Tại Đồng Nai, đã có qui hoạch một trung tâm thương mại, kết hợp chợ truyền thống Tân Hiệp. UBND TP Biên Hòa, Sở XD, Sở KHĐT, Sở Công Thương đã thống nhất và giao cho một nhà đầu tư trong nước thực hiện. Nhưng vừa rồi, trong quá trình thực hiện thì hiện lại cho Big C thuê 1 điểm phân phối, bán lẻ thứ 2 gần đó. Sở Công thương cũng... bó tay, không thể nào can thiệp được. Đáng ra, theo ông Giành, Sở Công thương phải có ý kiến đề xuất với Bộ công thương việc này nhưng ở đây lại do Sở KHĐT, Sở XD rồi UB TP Biên Hòa đề xuất, Sở Công thương không có vai trò gì. Mà theo qui định, muốn mở điểm phân phối thứ 2, phải căn cứ vào nhu cầu thực tế, căn cứ vào dân số, rồi khoảng cách với các siêu thị khác bao nhiêu… làm sao đảm bảo hài hòa nhu cầu, hài hòa về vị trí địa trí cũng như khoảng cách… Về mặt qui hoạch rõ ràng là bất cập. Còn về yếu tố “liên kết” thì ngay trong các cơ quan quản lý chuyên ngành nhà nước cũng đã chưa... đồng lòng.

Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương tỉnh BR-VT cũng khẳng định: Để phát triển thị trường trong nước, nhằm đến phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng mọi vùng miền, vấn đề  kết nối, rõ ràng còn cần có sự “gặp nhau” của nhiều “chủ thể” và của các chủ thể với cả những chính sách.

Trung Đức

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu điện thoại di động đạt 1,1 tỉ USD (08/03/2012)

>   Tăng giá: Điện 5%, xăng 10%, gas 20% (08/03/2012)

>   Xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản: Vì đâu nên nỗi? (07/03/2012)

>   Chính phủ yêu cầu không công bố tiết kiệm kiểu “hoành tráng” (07/03/2012)

>   Toyota Tsusho sản xuất nguyên liệu chất tẩy ở VN (07/03/2012)

>   Posco khánh thành nhà máy thép không gỉ mở rộng (07/03/2012)

>   Lao đao chuyện kiểm soát dư lượng kháng sinh (07/03/2012)

>   Xử lý, thu hồi nhiều khoản tiền lớn tại tập đoàn Viettel (07/03/2012)

>   Cơ hội nào cho ngành đóng tàu Việt Nam? (07/03/2012)

>   Nhập khẩu để... chết yểu (07/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật