Quản lý giá và "quả bóng" trách nhiệm
Bộ Công thương – Tài chính vẫn đang “nhìn nhau” trong công tác quản lý giá cả, thị trường.
Khi chỉ số giá tiêu dùng của tháng 1 được Tổng cục Thống kê thông báo tăng rất nhẹ, người dân và cả cơ quan quản lý thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng vài ngày qua, nhiều người không khỏi bức xúc khi điệp khúc tăng giá lại tái diễn đối với một số mặt hàng vốn vẫn “tiên phong” tăng giá bất hợp lý, đó là gas và sữa… Và dư luận còn quan tâm một điều bất thường khác: “Quả bóng” trách nhiệm quản lý giá đang bị “đá” từ nơi này sang nơi kia.
Giá gas những ngày qua bị làm loạn trên thị trường. Giá sữa trước đó và hiện tại cũng nhấp nhổm tăng. Người tiêu dùng ngơ ngác vì trong xu thế chung, mọi thứ hàng hóa đang được kìm giá một cách tối đa, nhưng sữa và gas lại mặc sức “tung hoành”, mặc kệ sự kêu ca của người tiêu dùng, mặc kệ sự phản ứng có phần chậm của cơ quan quản lý. Cuối cùng trước sức ép của dư luận, của báo chí, của người tiêu dùng, Bộ Tài chính cũng có phản ứng đầu tiên, Bộ Công thương cũng đã có cuộc họp. Một vài tuyên bố được đưa ra, nhưng vẫn chưa thấy hiệu quả. Khổ một nỗi, thị trường giá cả chẳng đợi ai, cứ tăng vù vù, bởi người tiêu dùng có thể trì hoãn việc mua 1 cái áo nhưng không thể “trì hoãn” việc mua thuốc chữa bệnh, mua sữa cho con trẻ, hoặc mua gas để đun nấu...
Thuốc chữa bệnh, sữa, gas... là những mặt hàng khá nhạy cảm và đặc biệt, cần phải ưu tiên bình ổn. Thế nhưng nhiều năm qua, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương gần như bế tắc trong bài toán quản lý giá, nhất là trước nhiều chiêu, trò lách luật, tăng giá của các doanh nghiệp (DN), các nhà đại lý vì nhiều lẽ, trong đó có câu chuyện thanh tra, kiểm tra còn yếu.
Điểm lại biến động giá gas, giá sữa thời gian qua
- Gas liên tục gây những “cú sốc” cho người tiêu dùng khi chỉ mới hơn 1 tháng đầu năm đã có đến 3 lần tăng giá, với mức tăng tổng cộng hơn 20%. Cụ thể: Ngay ngày 1/1, giá gas dân dụng loại bình 12 kg tăng 24.000 đồng/bình; 4 ngày sau, tăng thêm 8.000 đồng/bình; Sang ngày đầu tiên của tháng 2, lại tăng đến 42.000 đồng/bình. Chuỗi tăng giá đầu năm đã đẩy giá bán 1 bình gas dân dụng loại 12 kg lên cao nhất kể từ đầu năm 2011 đến nay, từ khoảng 350.000 đồng nhảy lên khoảng 425.000 đồng/bình, có loại lên đến hơn 480.000 đồng/bình.
- Mặc dù giá sữa ở Việt Nam đứng ở mức cao so với các nước trên thế giới và năm 2011 đã có những lần tăng giá, nhưng bước sang đầu năm 2012, giá sữa các loại vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng. Trong vòng 3 tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, từ các loại sữa bột, sữa đặc có đường đến sữa nước của các nhãn hiệu đều đã lần lượt điều chỉnh giá từ 5 - 10%. |
Trở lại một cuộc họp của Bộ Công thương cách đây ít ngày, trước tình trạng “loạn” giá gas, lãnh đạo bộ này đã đẩy “quả bóng” quản lý giá về… các DN, đại lý khi yêu cầu DN gas đầu mối phải có trách nhiệm quản lý giá cả, chất lượng tại hệ thống của mình, kể cả đối với đại lý, đến khâu bán lẻ cuối cùng. Tuy nhiên, Bộ Công thương lại quên mất rằng cách đó chưa đầy 1 năm, Bộ Tài chính qua thanh tra 6 DN kinh doanh gas lớn nhất nước, rút ra một kết luận khiến nhiều người giật mình: Sự hỗn loạn là do Nhà nước thiếu cơ chế quản lý, DN đầu mối yếu kém năng lực, kinh doanh chụp giật, thả nổi giá bán lẻ; các đại lý bán lẻ không bị quản lý, tự do định đoạt giá cả... dẫn đến không quản lý được giá gas, quyền lợi của người tiêu dùng chưa được bảo vệ cả về giá cả và chất lượng...
Cũng ở thời điểm đó, Thanh tra Bộ Tài chính cho biết một nghịch lý, dù là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá của Nhà nước, song đến nay, DN kinh doanh gas chưa phải chịu trách nhiệm về giá bán gas đến người tiêu dùng. Thực tế như vậy, mà Bộ Công thương đẩy trách nhiệm quản lý giá sang DN và các đại lý kinh doanh thì thật khó... chấp nhận.
“Quả bóng” trách nhiệm không chỉ được Bộ Công thương đẩy về DN mà còn đẩy về phía Bộ Tài chính khi khẳng định, về cơ chế điều hành giá gas, do đây là mặt hàng thuộc lĩnh vực bình ổn giá nên việc tăng giá hay giảm giá sẽ do các doanh nghiệp tự quyết định và có đăng ký với cơ sở đầu mối dựa trên sự giám sát của cơ quan quản lý giá là Sở Tài chính. Do vậy, đối với vấn đề quản lý giá, điều hành giá, đây là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Gần như ngay lập tức, lãnh đạo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính lại phát biểu, việc kiểm tra, quản lý xem DN có bán đúng giá đăng ký hay không lại thuộc cơ quan quản lý thị trường, Bộ Công thương.
Qua những câu trả lời của đại diện hai Bộ, một lần nữa cho thấy sự chồng chéo, không rõ ràng trong quản lý của các cơ quan chức năng tiếp tục khiến người dân phải gánh chịu thiệt thòi và không ít DN đã dựa vào những “lỗ hổng”, những bất cập đó để trục lợi./.
Nhiều cơ quan chịu trách nhiệm quản lý giá gas?
Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính về việc quản lý giá gas. Nhưng tại Nghị định 107/2007 về kinh doanh gas quy định rất rõ ràng phải có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và các cơ quan khác. Trong đó, tại Điều 55 đã nêu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công thương để kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá gas...
Gas là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Về bản chất, DN tự quyết định giá theo tín hiệu thị trường. Nghị định 107, Điều 55 quy định áp dụng cơ chế giá thị trường có điều tiết của Nhà nước do thương nhân đầu mối quyết định giá.
Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về giá gas?
Trong cuộc làm việc mới đây giữa Bộ Công thương với các DN thành viên Hiệp hội Gas Việt Nam để làm rõ vì sao gần đây giá gas liên tục tăng và vai trò kiểm soát của các đầu mối đối với hệ thống phân phối của mình, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa yêu cầu: DN đầu mối phải có trách nhiệm quản lý giá cả, chất lượng tại hệ thống của mình, kể cả đối với đại lý, đến khâu bán lẻ cuối cùng.
Đức Thành
VOV
|