Định cơ hội từ ngành công nghiệp mới
Ngành chế biến thực phẩm, phền mềm và công nghệ môi trường là những ngành được xác định là mới, nhưng có nhiều tiềm năng. Đây là lý do để các ngành này được kỳ vọng có mặt trong danh sách ngắn những ngành Việt Nam có tiềm năng phát triển đang được xây dựng.
Thực tế, nhìn vào vùng dự kiến sẽ là trung tâm cho các ngành công nghiệp này, như khu vực Hà Nội, TP.HCM và Tây Nguyên (với ngành chế biến thực phẩm), Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM (với công nghiệp phần mềm), có thể thấy sức hút của chúng với dòng vốn FDI đang rất lớn.
Chỉ riêng khu vực TP.HCM, gồm TP.HCM, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, số các thương hiệu lớn trong ngành chế biến thực phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc đang hoạt động lên tới gần 20, như Acecook, Lotte, Kyoei Food, Meiji, Nittofuji, Nissui… Các doanh nghiệp phần mềm cũng đang có xu hướng tập trung tại Hà Nội (như Fujitsu, NTT data, Nomura Research…), Đà Nẵng (Milestone, Denogo…) và TP.HCM (Pasonatech, Tokaipowdex…)
Theo phân tích của ông Aimoto, chuyên gia thuộc Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, các nhà đầu tư Nhật Bản đang rất quan tâm tới công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam. “Các chuyến thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này được tổ chức liên tiếp. Tuy số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực này không nhỏ, nhưng thực sự chưa đáng kể nếu so với tiềm năng phát triển nông nghiệp của Việt Nam”, ông Aimoto phân tích.
Vấn đề nằm ở chỗ, theo khảo sát với các doanh nghiệp Nhật Bản, hệ thống phân phối của Việt Nam chưa thực sự hiệu quả khiến họ phân vân khi quyết định đầu tư. “Nếu ngành công nghiệp bán lẻ phát triển, thị trường trong nước có thể mở rộng hơn, các công ty chế biến thực phẩm sẽ tăng cường đầu tư để vừa tận dụng cơ hội thị trường nội địa, vừa khai thác nguồn lợi về nguyên liệu nông sản để chế biến thực phẩm xuất khẩu”, ông Shimomura, chuyên gia nghiên cứu, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đặt vấn đề.
Dường như khoảng trống mà nhiều chuyên gia đã nhắc tới về công nghiệp trung nguồn, công nghiệp phụ trợ trong các ngành cũng đang được đề xuất là tiềm năng phát triển của Việt Nam như điện tử, may mặc, hoá dầu, xe máy, ô tô… lại lặp lại trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Giáo sư Kenichi Ohno, chuyên gia Nhật Bản cho rằng, phía Việt Nam cần phải trả lời câu hỏi là muốn xây dựng cơ sở công nghiệp hoàn chỉnh hay chỉ chuyên môn hoá vào một sản phẩm cụ thể hoặc một số công đoạn nhất định. “Nếu không làm rõ nội dung này, những thất bại đã từng xảy ra trong thực hiện chọn ngành để phát triển công nghiệp hỗ trợ có thể sẽ lặp lại. Chúng ta cần lưu ý rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, lựa chọn xây dựng cơ sở công nghiệp hoàn chỉnh trở nên vô cùng khó khăn”, ông Ohno khuyến nghị.
Bên cạnh đó, ông Ohno cũng nhấn mạnh tới những vấn đề khi lựa chọn những ngành công nghiệp đòi hỏi chuyển giao công nghệ vì Việt Nam đang trong tình trạng phụ thuộc vào công nghiệp ở nước ngoài, giá trị gia tăng do Việt Nam tạo ra thấp, cơ sở để tiếp nhận chuyển giao công nghệ cũng đang bị giới hạn bởi chất lượng nguồn nhân lực và các cơ chế khuyến khích nghiên cứu và phát triển.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng ban Môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, việc lựa chọn ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển cần phải được song hành với cơ chế thu hút và phân bổ nguồn vốn đầu tư để đảm bảo tính khả thi. Bởi, thực tế cho thấy, mục tiêu nhận chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI của Việt Nam giai đoạn vừa qua, dù đã có những chính sách ưu đãi, nhưng không đạt được như mong muốn.
Có thể hình dung rằng, trong chiến lược phát triển công nghiệp mà các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đang nỗ lực hoàn tất, nguồn vốn FDI sẽ đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt vốn đầu tư tư nhân trong nước trong các lĩnh vực này. Cũng có nghĩa là chính sách thu hút FDI cũng cần phải được xây dựng tương ứng với mục tiêu tập trung phát triển các ngành có tiềm năng, đảm bảo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất.
Hiện tại, một số doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ hội tham gia vào lĩnh vực phân phối thực phẩm của Việt Nam như một cách đặt nền móng quan trọng cho các kế hoạch đầu tư lâu dài hơn. Có thể kể tới kế hoạch liên doanh giữa Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) với Tập đoàn Phú Thái, giữa E-Mart Hàn Quốc và Tập đoàn U&I Việt Nam… khi phía nước ngoài đều đặt rõ mục tiêu chuyển giao công nghệ phân phối thực phẩm trước khi thực hiện đầu tư vào công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam.
Khánh An
Đầu tư
|