Doanh nghiệp thép vẫn tin vào tăng trưởng
Mặc dù có ý kiến của một số doanh nghiệp thép đề nghị hạ chỉ tiêu tăng trưởng của ngành này năm 2012 xuống thấp hơn mức 3% đến 4% nhưng Hiệp hội thép và các doanh nghiệp lớn trong ngành vẫn thống nhất duy trì con số này.
Tại cuộc họp của 6 doanh nghiệp sản xuất thép lớn với Hiệp hội thép Việt Nam bàn về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2012 diễn ra ngày 22-2 tại Hà Nội, có ý kiến doanh nghiệp cho rằng sự khó khăn của thị trường tiêu thụ, các chính sách kinh tế thắt chặt thì mức tăng trưởng toàn ngành dự kiến từ 3% đến 4% cho năm nay là quá lạc quan.
Ý kiến này phân tích, ba năm liên tiếp, lượng tiêu thụ toàn ngành thép thụt lùi. Từ mức 11,7 triệu tấn năm 2009, xuống còn 11 triệu tấn năm 2010 rồi 9,9 triệu tấn năm 2011.
Tuy nhiên, đại diện các nhà sản xuất thép lớn đều cho rằng, cho dù trong những tháng đầu năm nay, tình hình tiêu thụ thép tiếp tục gặp khó khăn như năm 2011 thì dự báo những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng trở lại. Lý do được ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết là do các doanh nghiệp thép vẫn kỳ vọng vào mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) 6% cho năm 2012 mà Chính phủ đề ra sẽ có cơ hội chắc chắn cho các dự án đầu tư hiệu quả, kéo theo việc tiêu thụ các loại hàng hóa thiết yếu, trong đó có ngành thép.
Hơn nữa, theo phân tích của hiệp hội, lượng tiêu thụ năm 2011 giảm 10% nhưng lượng sản xuất toàn ngành cùng thời điểm chỉ giảm 1% chứng tỏ lượng hàng thép mà các doanh nghiệp sản xuất ra vẫn ổn định. Sự suy giảm chỉ tập trung vào nhóm các mặt hàng thép nhập khẩu là chủ yếu. Do vậy, việc duy trì mức tăng trưởng toàn ngành từ 3% đến 4% là không xa rời thực tế.
Vấn đề, theo ý kiến của ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Thép Việt là các cơ quan quản lý phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thép trong nước có điều kiện để phát triển bình đẳng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ông cho rằng những khó khăn hiên nay của ngành thép không phải nằm ở các dự án trong nước mà là các dự án FDI đầu tư "ảo", chậm triển khai nhưng phần nào đã lấy đi cơ hội sử dụng đất, cảng biển...khiến cho cơ hội của các doanh nghiệp nội bị thu hẹp hơn, trong khi nhu cầu mở rộng đầu tư thực tế của các doanh nghiệp nội còn rất lớn.
Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Trần Tuấn Dương thì cho rằng việc nhận định các cơ hội tăng trưởng và mở rộng thị trường của ngành thép trong lúc bình thường cũng như thời điểm khó khăn, không nên coi thường việc tham gia đầy đủ các vụ kiện quốc tế hay rời bỏ các thị trường vì cản trở này. Ông phân tích, trong lúc sức cạnh tranh trong nước càng mạnh, việc tham gia thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh kênh tiêu thụ ở nhiều thị trường là cần thiết. Việc theo đuổi các vụ kiện của các doanh nghiệp thép nói riêng hay Việt Nam nói chung nếu không đến nơi có thể sẽ gặp những hậu quả tác động trực tiếp đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trước mắt và tương lai.
Năm 2011, Hiệp hội các nhà sản xuất thép ống Mỹ khởi kiện một số doanh nghiệp thép Việt Nam và nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam bán phá giá và trợ cấp giá vào thị trường Mỹ. Vụ việc hiện nay vẫn đang được một số doanh nghiệp thép theo đuổi, nhằm tìm kiếm cơ hội và mức thuế thấp khi xuất khẩu vào thị trường lớn này.
Ngọc Lan
TBKTSG
|