Ồ ạt vốn Việt sang Lào
Đến cuối 2012, vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Lào có thể đạt tới 4,5 tỷ USD.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cắt băng khai trương chi nhánh VietinBank tại Lào ngày 9/2 |
Gia tăng hoạt động ngân hàng
Đầu năm mới, một loạt ngân hàng Việt Nam đã tìm cách gia tăng thị phần tại thị trường Lào trên nhiều phương diện: cung cấp dịch vụ sản phẩm ngân hàng, hỗ trợ xúc tiến đầu tư cho doanh nghiệp và an sinh xã hội.
Đây là điểm đáng chú ý trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh dữ dội với doanh nghiệp Thái Lan và Trung Quốc tại nước này.
Tiếp nối sau hiện diện thương mại tại Frankfurt (Đức), nhiều người nghĩ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) sẽ xuất hiện ở Mỹ, châu Âu là những nơi thị trường tài chính sầm uất và đặc biệt là dòng chảy kiều hối về Việt Nam tương đối lớn.
Tuy nhiên, sau Tết, VietinBank đã chọn thị trường Lào để khai trương chi nhánh thứ hai trên thị trường quốc tế tại số 29, KhounBoulom - Vatchan, quận Chanthabouly, thủ đô Viêng Chăn.
Lễ khai trương được tiến hành ngày 9/2/2012, thu hút sự chú ý của dư luận bởi có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào.
Giải thích lý do chọn Lào là điểm đến tiếp theo trên thị trường quốc tế, ông Phạm Huy Hùng, chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank nói: “Lào là thị trường nằm trong định hướng chiến lược phát triển của VietinBank tại các địa bàn kinh tế lớn, trọng điểm thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ có tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế thương mại đầu tư với Việt Nam”.
Cũng theo ông Hùng, đây là chi nhánh 100% vốn của VietinBank, thông qua các nghiệp vụ cơ bản như chuyển tiền; kinh doanh, mua bán ngoại tệ; dịch vụ tài khoản và tiền gửi tiết kiệm; dịch vụ cho vay; tài trợ thương mại và bảo lãnh; dịch vụ thẻ…, sẽ là cầu nối phục vụ mọi nhu cầu về dịch vụ ngân hàng tài chính, thúc đẩy cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất kinh doanh sang Lào thành hiện thực.
Bởi vậy, trong khuôn khổ buổi lễ, VietinBank đã ký kết văn bản hợp tác với 7 doanh nghiệp lớn của Việt Nam, gồm: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Công ty Liên doanh Star Telecom, Công ty TNHH Liên doanh Tiền Phong - SMP, PV Oil, Khách sạn Don - Chan.
Một hoạt động khác trong dịp này là ngày 10/2/2012, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) trao 400 TV cho màn hình phẳng 21 inch cho nhân dân 4 tỉnh Sanavan, Sekong, Attapu và Champasak thông qua Quỹ Tấm lòng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam tại buổi lễ khánh thành giai đoạn 1 của dự án “Đài chuyển tiếp phát thanh phát hình khu vực”. Cột thu phát sóng của dự án trên cao 140 mét do Việt Nam viện trợ xây dựng, đặt tại Paksong, tỉnh Champasak, phủ sóng trong bán kính 100 km, bao trùm toàn bộ miền Hạ Lào và các tỉnh giáp miền Trung và Bắc Tây nguyên của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostBank cho biết, ngân hàng này đang nghiên cứu thị trường và dự kiến mở thêm chi nhánh tại Lào vào cuối năm nay. Theo ông, thị trường tiền tệ Lào có nhiều tiềm năng phát triển vì đây là nơi hội tụ doanh nghiệp nhiều quốc gia đến đầu tư, kinh doanh và chính sách đầu tư của Lào sẽ có nhiều đột phát trong 5 năm tới.
Chọn lựa đứng đầu
Một hoạt động khác mang nhiều ý nghĩa đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào trong dịp này là ngày 10/2 đã diễn ra “Tọa đàm xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Trung - Nam Lào”, do “bà đỡ” BIDV và Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) tổ chức.
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, Lào là quốc gia đứng đầu trong chọn lựa đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Tính đến hết tháng 12/2011, Việt Nam đã cấp phép cho 209 dự án với số vốn đăng ký trên 3,4 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Lào.
Riêng năm 2011, Việt Nam cấp phép cho 15 dự án, tổng số vốn đầu tư 485 triệu USD, tăng gần 2,5 lần so với 2010, có nhiều dự án lớn như Thủy điện Sekong3 (Tập đoàn Sông Đà) vốn đầu tư 275 triệu USD, Thủy điện Nậm Công 2&3 của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, vốn đầu tư 135 triệu USD.
Như vậy, đến cuối 2012, vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Lào có thể đạt tới 4,5 tỷ USD.
Đối với lĩnh vực ngân hàng tài chính, bảo hiểm, BIDV là đơn vị tiên phong khai phá thị trường Lào từ năm 1999 qua việc thành lập Ngân hàng Lào Việt và Công ty Bảo hiểm Lào Việt - LVI (đứng thứ hai về thị phần), mở đường cho nhiều ngân hàng Việt Nam làm ăn sang Lào.
Trước đó, một loạt ngân hàng đã khai trương chi nhánh, gia tăng hiện diện thương mại tại Lào như Sacombank, Liên doanh Việt Lào và Quân đội (MB).
Theo ông Hà, vai trò của các ngân hàng, trong đó có BIDV đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào rất quan trọng. Theo đó, ngân hàng là trung gian tài chính cung cấp các gói tín dụng đầu tư, thực hiện chức năng thanh toán, tài trợ xuất khẩu, sản phẩm tài chính liên kết ngân hàng - bảo hiểm (Bancassurance) và nhiều dịch vụ gia tăng khác để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trước mắt cho các doanh nghiệp Việt Nam và sau đó là thị trường tài chính tiền tệ tại Lào, vẫn còn sơ khai nhưng được cho là có nhiều tiềm năng trong 5 năm tới.
Thứ hai, theo báo cáo của AVIL, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Lào giai đoạn 2011 - 2015, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8%, cần có ít nhất mỗi năm 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Hiện, Lào đang có kế hoạch huy động 2,9 tỷ USD đầu tư trong nước, trong đó vốn đầu tư của chính phủ chiếm 10%, đầu tư tư nhân chiếm 54%, 12% từ các ngân hàng và 24% còn lại cần huy động các nguồn tài trợ nước ngoài.
Với nhu cầu vốn như nói trên, sẽ là tiềm năng lớn để các ngân hàng Việt Nam khai thác.
Tuy nhiên, để không gian cho các ngân hàng Việt Nam hoạt động hiệu quả, AVIL cho rằng, trước mắt, Chính phủ Việt Nam và Lào cùng ngân hàng Trung ương, ngân hàng thương mại hai nước cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án thông qua tháo gỡ những vướng mắc về chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận, tài trợ vốn, lãi suất và tài sản đảm bảo.
Nguyễn Hoài
tbktvn
|