Làm ăn ở Myanmar: Phải quyết tâm và kiên trì
Môi trường đầu tư kinh doanh của Myanmar đang có những thay đổi và một số nhà đầu tư Việt Nam đi trước đã chia sẻ một số kinh nghiệm ban đầu khi thâm nhập thị trường này.
|
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Sài Gòn. Ngân hàng này hiện đã có văn phòng đại diện tại Myanmar. |
“Lúc chúng tôi qua Myanmar khởi động đàm phán dự án đầu tư tại đây lần đầu tiên thì nước bạn đang trong thời kỳ quân sự, nay đã bầu cử xong và chuyển sang thời kỳ dân sự. Mọi thứ đã thay đổi khá nhiều và hứa hẹn sẽ còn thay đổi nữa trong chính sách đầu tư nước ngoài tại đây. Song, dù thế nào, các doanh nghiệp khi tìm hiểu thị trường Myanmar cũng nên nghiêm túc để tạo được niềm tin cho đối tác Myanmar”, một lãnh đạo của Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAG) chia sẻ với TBKTSG về kinh nghiệm đầu tư của họ tại Myanmar.
Vị lãnh đạo của HAG kể tiếp: “Khi xúc tiến việc xin cấp phép dự án, chúng tôi phải đề xuất từng bước một. Khi đàm phán, phía bạn rất lắng nghe nhưng không đưa ra chủ kiến gì mà luôn hỏi nhà đầu tư muốn gì, muốn giá nào. Mình đưa ra giá, bạn lại hỏi “tại sao lại rẻ thế?”. Nhưng có cái hay là họ hỏi như một cách thăm dò khéo thôi chứ mình cũng không “phỉnh” được họ. Cơ quan hành chính cũng kiểm tra thông tin về doanh nghiệp nước ngoài, họ cấp phép khá kỹ”.
Ông cũng cho biết thêm là các chính sách đầu tư nước ngoài của Myanmar đang được tu chỉnh nên thay đổi liên tục. Trước đây, họ nói sẽ miễn thuế cho nhà đầu tư nước ngoài năm năm nhưng mới đây lại công bố ưu đãi tới tám năm.
Về thủ tục hành chính, dự án của HAG đã được cấp phép tạm thời (cần bổ sung thêm một số thủ tục) sau thời gian đàm phán là 1,5 năm, theo đánh giá của HAG, thì không chậm lắm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nước ngoài khác nói rằng thủ tục hành chính của Myanmar quá khó. Theo vị lãnh đạo nói trên, Myanmar rất thiệt tình mời gọi những nhà đầu tư mang vốn đến, nhưng để khai thác tài nguyên và khoáng sản thì Myanmar rất dè dặt. Ông cho biết đã có một số dự án của doanh nghiệp Việt Nam xin khai thác khoáng sản, gỗ đã lâu mà chưa được cấp phép. Chính phủ Myanmar muốn dành các dự án khai thác tài nguyên cho các doanh nghiệp trong nước hoặc các tập đoàn rất lớn của nước ngoài với các điều kiện chặt chẽ.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó giám đốc Ban Đầu tư - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - đơn vị đã có văn phòng đại diện tại Myanmar và hiện giữ vai trò Chủ tịch và Tổng thư ký của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar (AVIM) cho biết hiện có hai dự án của doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp phép đầu tư tạm thời là dự án dược phẩm của ASV Holdings (tổng vốn đầu tư trên 20 triệu đô la Mỹ, vốn điều lệ 8 triệu đô la Mỹ) và dự án trung tâm văn hóa thương mại của HAG (tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu đô la Mỹ).
Một số dự án đang xúc tiến triển khai như: dự án mỏ đá của Công ty Simco, dự án sản xuất lúa giống và vật tư nông nghiệp của Viettranimex, dự án khu phức hợp nông nghiệp tại Yangon của VinaCapital. Một số dự án khác cũng đang triển khai nhưng chậm (do cả hai phía) như thăm dò khai thác dầu khí của PVN, dự án roaming và xây dựng mạng di động của Viettel, dự án trồng 100.000 héc ta cao su của tập đoàn Cao su, dự án sản xuất ô tô của Vinaxuki...
Theo ông Hưng và vị lãnh đạo của HAG, các doanh nghiệp muốn tiếp xúc thị trường Myanmar nên thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại nước này và Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar. “Doanh nghiệp có đề xuất gì nên gửi văn bản cho phía bạn đồng thời cũng gửi một bản cho Đại sứ quán. Đại sứ quán sẽ gửi công hàm hỏi bạn. Đại sứ quán cũng có nhiều thông tin cập nhật và sẽ hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục cho các doanh nghiệp”, đại diện của HAGL cho biết. Các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Myanmar phải quyết tâm và kiên trì, đầu tư dài hạn, tìm hiểu kỹ về năng lực đối tác và có các ràng buộc pháp lý chặt chẽ, đó là những kinh nghiệm mà ông Hưng muốn chia sẻ với doanh nghiệp.
Thanh toán qua ngân hàng thứ ba
Thực tế Myanmar trao đổi mua bán với nhiều quốc gia, trị giá lên đến khoảng 15 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Các hình thức thanh toán quốc tế phổ biến bao gồm L/C, T/T thông qua các ngân hàng ở Singapore. Sở dĩ các ngân hàng Myanmar chưa giao dịch quốc tế trực tiếp bằng đồng đô la là do lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ. Khi nào Myanmar sửa đổi luật cho phép các ngân hàng nước ngoài được hoạt động tại Myanmar thì Ngân hàng BIDV sẽ có chi nhánh hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn mua bán với các đối tác Myanmar. Từ đây đến đó, các doanh nghiệp có thể thanh toán thông qua ngân hàng tại Singapore hoặc áp dụng cơ chế hàng đổi hàng.
(Nguồn: Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar) |
Hồng Phúc
TBKTSG Online
|