Đầu tư nước ngoài: Trước viễn cảnh cạnh tranh với Myanmar
Chính phủ Myanmar ngày 28-1 thông báo kế hoạch miễn thuế tám năm cho các nhà đầu tư nước ngoài và có thể xem xét kéo dài thời hạn này nếu cần thiết nhằm thu hút vào các dự án phát triển kinh tế trong nước.
Phát biểu với báo chí nhân tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại thành phố Davos (Thụy Sĩ), Thứ trưởng Đường sắt Lwin Thaung cho biết Chính phủ Myanmar chuẩn bị thông qua Luật đầu tư sửa đổi vào cuối tháng 2 này, thay thế cho bộ luật đã có từ năm 1991. Rõ ràng đây là một thông điệp “trải thảm đỏ” Myanmar muốn gửi đến cộng đồng quốc tế sau khi đã thực hiện cải cách dân chủ bước đầu.
Bối cảnh kinh tế xã hội của Myanmar hiện nay khiến chúng ta liên tưởng đến Việt Nam 18 năm trước đây khi cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ đã tạo cho giới đầu tư quốc tế một cơ hội làm ăn mà ai nhanh chân đến trước sẽ có lợi. Cho dù tiềm năng thực sự của Myanmar chưa được thông tin đầy đủ nhưng việc đất nước này mở cửa vẫn tạo nên những kỳ vọng, như nhận xét của ông Jim Rogers, Chủ tịch Tập đoàn Rogers Holdings tại Singapore: "Nếu tìm được hướng đầu tư vào Myanmar lúc này, bạn có khả năng trở nên rất giàu trong vài ba chục năm tới".
Nhận định như vậy cũng đã rất phổ biến vào thời kỳ Việt Nam mới mở cửa và nay được giới đầu tư lặp lại cùng với sự xuất hiện của những cơ hội đầu tư mới ở Myanmar. Rất có thể một phần dòng vốn quốc tế rồi đây sẽ rút ra khỏi các thị trường nơi mà kỳ vọng ban đầu đang giảm sút vì nhiều lý do nội tại lẫn khách quan. Và nếu điều này diễn ra trong tương lai gần thì phải chăng Việt Nam đang có một đối thủ cạnh tranh về thu hút đầu tư đáng gờm là Myanmar?
Myanmar từng là nước giàu có nhất trong khu vực hồi thập niên 60 của thế kỷ trước, thế nhưng gần nữa thế kỷ dưới chế độ quản lý của giới quân sự, đất nước này đã tụt hậu và bị cô lập, được coi là một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực.
Từ năm 1988 tới cuối năm 2011, đầu tư nước ngoài vào Myanmar vẫn rất hạn chế với tổng số vốn đăng ký khoảng 40 tỉ USD, chủ yếu đến từ Trung Quốc và Thái Lan. Theo thống kê chính thức của Myanmar, hơn 86% tổng lượng đầu tư nước ngoài đổ vào nước này tập trung vào ngành điện, khai thác mỏ và dầu khí.
Sự cởi mở gần đây về chính trị đã khơi dậy hy vọng rằng lệnh cấm vận của phương Tây sẽ sớm được dỡ bỏ, trước tiên là Liên minh châu Âu và tiếp theo là Mỹ nếu Myanmar tiếp tục cải cách hơn nữa.
Từ giữa năm qua, song song với các chuyến công du liên tục của giới chính trị gia phương Tây, các nhà đầu tư ngoại quốc cũng ồ ạt tới thăm dò thị trường Myanmar. Họ thật sự có ấn tượng với sự thay đổi chính trị đáng ngạc nhiên tại một đất nước vừa giàu tài nguyên thiên nhiên vừa có nhân công rẻ nhất khu vực Đông Nam Á.
Báo chí nước ngoài cho biết trong khi Trung Quốc và Thái Lan đã bước vào Myanmar nhiều năm qua với các công trình thủy điện, cảng biển nước sâu và công trình ống dẫn khí đốt thì Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều nước EU đang có kế hoạch tiến vào Myanmar để nghiên cứu các lĩnh vực khác vẫn còn nhiều tiềm năng.
Có lẽ cũng giống như Việt Nam trong những năm đầu Mỹ bãi bỏ cấm vận, giới quan sát cho rằng hàng loạt văn phòng tư vấn đầu tư sẽ có mặt tại Myanmar hỗ trợ cho các dự án khai thác dầu khí, quặng mỏ, khoáng sản, ngân hàng, du lịch... được dự báo sẽ là những lĩnh vực có nhiều đơn xin giấy phép đầu tư nhất.
Xét về các yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài, tuy Myanmar và Việt Nam có những điểm tương đồng lẫn dị biệt nhưng cả hai đều là nền kinh tế nông nghiệp và có xuất phát điểm thấp.
Vào năm 1994 khi Mỹ bỏ cấm vận, GDP bình quân đầu người của chúng ta chỉ mới khoảng 220 USD, còn Myanmar hiện nay vào khoảng 600 USD.
Giá nhân công của Việt Nam và Myanmar đều rẻ do năng suất lao động còn thấp, hậu quả của một nền giáo dục trì trệ và lạc hậu so với xu thế phát triển. Người dân cả hai nước cần cù nhưng còn nghèo trong một xã hội mà phân phối thu nhập chưa hợp lý.
Cả Myanmar và chúng ta vào thời kỳ đầu mở cửa, hệ thống luật pháp vừa lạc hậu vừa chưa đầy đủ, một nền hành chính quan liêu là miếng đất màu mỡ cho tham nhũng phát sinh.
Hệ thống ngân hàng yếu kém không làm được chức năng đưa máu vào nền kinh tế đang cần đồng vốn, trong khi kinh doanh ngoại tệ chưa được quản lý chặt chẽ tạo ra chênh lệch tỷ giá ngoại hối quá cao ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện nay ở Myanmar tỷ giá ngoại hối bên trong ngân hàng và thị trường tự do chênh lệch gần 100 lần.
Một số doanh nhân Việt Nam sang thăm dò thị trường Myanmar cho rằng kinh tế ngầm ở đây chiếm phần lớn giao dịch và không thể kiểm soát được. Trong chừng mực điều này cũng giống chúng ta và nên xem đó là căn bệnh của thời kỳ đầu mở cửa.
Tuy nhiên, xét về lợi thế cạnh tranh thì Myanmar có nhiều hơn chúng ta.
Lợi thế thứ nhất là về tài nguyên. Myanmar đã một thời là nước xuất khẩu gạo có đến 23 triệu hécta đất sản xuất nông nghiệp nhưng chỉ mới khai thác một phần nhỏ, trong khi đất sản xuất nông nghiệp của chúng ta khoảng 9,4 triệu hécta và đã bị khai thác triệt để.
Tài nguyên thiên nhiên của đất nước này mới đúng là rừng vàng biển bạc với quặng mỏ khoáng sản đủ loại, trữ lượng lại lớn, đặc biệt là hồng ngọc và cẩm thạch của Myanmar rất đắt giá và nổi tiếng trên thị trường thế giới, là nguồn lợi đáng kể cùng với gỗ quý.
Đất nước này có cảng biển mở ra Ấn Độ Dương và một tiềm năng dầu khí hấp dẫn các công ty lớn của thế giới.
Lợi thế thứ hai là nhân lực. Myanmar là một nước đất rộng (diện tích 676.577km2) người đông (dân số 62 triệu người) là thuộc địa cũ của Anh nên có một lực lượng lao động nói tiếng Anh hơn hẳn chúng ta, đặc biệt là những người lao động trí óc và cấp quản lý trung gian rất cần thiết đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vậy mà hiện nay đồng lương tại đây rất thấp, giáo sư đại học thu nhập phổ biến chưa đến 200 USD, kế toán trưởng giỏi thì hầu hết khoảng 300 USD, công nhân khoảng 50 USD/tháng.
Lợi thế này còn được phát huy với gần 90% người theo đạo Phật, mà như giáo sư Cao Huy Thuần, một nhà nghiên cứu uyên thâm về Phật giáo, trong một bài viết đã nhận xét: "Ở Myanmar, phát triển kinh tế chỉ là phương tiện, mục đích là đời sống tâm linh của người dân". Một hình ảnh phổ biến ở Myanmar là phần lớn công chức sau một ngày làm việc, buổi chiều đều ghé thắp nhang cầu nguyện ở một ngôi chùa nào đó trên đường về nhà. Cứ tưởng như đó là chuyện của từng người không liên quan gì đến phạm trù nhân lực, nhưng trong sâu xa nhờ vậy mà vốn xã hội của Myanmar rất cao, đa phần người dân sống tử tế, đây là một lợi thế không nhỏ trong thời kỳ mở cửa đón người nước ngoài vào làm ăn.
Lợi thế thứ ba là tinh thần xây dựng và thực thi luật pháp. Là cựu thuộc địa của Anh, luật pháp của Myanmar thừa hưởng được tính rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi của hệ thống luật lệ Vương quốc Anh. Nhờ đó mà tránh được sự vận dụng tùy tiện như chúng ta lâu nay vốn là nỗi khổ tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Từ sau bầu cử hồi tháng 11-2010 đến nay Myanmar đã xây dựng 18 bộ luật được xem là cởi mở trong đó có luật cho phép người dân biểu tình và hiện Quốc hội nước này đang xem xét thông qua Luật đầu tư nước ngoài với tinh thần thông thoáng hơn nhiều so với luật cũ.
Chừng đó thông tin về khả năng Myanmar thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chẳng lẽ không làm chúng ta lo ngại nhất là khi năm 2011 đồng vốn FDI giảm đến 26% so với năm 2010, đã có không ít nhà đầu tư rút khỏi Việt Nam trong đó các quỹ đầu tư nước ngoài đã thoái vốn mạnh. Có ý kiến cho rằng sự sút giảm đồng vốn đầu tư nước ngoài là do tình hình chung. Thế nhưng, hiện nay hàng chục ngàn tỉ USD vốn nhàn rỗi trên thế giới vẫn đang tìm đường đến những nơi có khả năng mang lại lợi nhuận nhiều nhất, là những thị trường mới nhiều tiềm năng và có lợi thế cạnh tranh cao mà Myanmar có thể là một sự chọn lựa.
Đứng trước viễn cảnh như vậy, một kịch bản tái cấu trúc nền kinh tế và tài chính quốc gia đang được chúng ta thực hiện, trong đó kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trước mắt để ổn định kinh tế vĩ mô. Hy vọng kịch bản này sẽ bao gồm việc sửa đổi Luật đất đai cho phù hợp với yêu cầu đổi mới hơn nữa, xem xét lại vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, đồng thời nâng cao vai trò kinh tế tư nhân để thu hút đồng vốn trong nước vào quỹ đạo phát triển. Người trong nước làm ăn được thì bên ngoài mới tin tưởng cũng như tìm thấy những đối tác đáng tin cậy để mang tiền vào đầu tư.
Tất nhiên, ngổn ngang trong chúng ta còn biết bao nhiêu thứ phải làm. Một hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, bao gồm hệ thống nối mạng chưa thật sự xuyên suốt cùng với những phức tạp từ kho bãi và thủ tục hải quan đã khiến chi phí vận chuyển quá cao, có khi lên đến 25% giá thành các dự án. Thủ tục hành chính còn quá rườm rà, nhiều nghị định của bộ này lại chồng chéo với nghị định của bộ khác là điều kiện cho tham nhũng hoành hành, khiến chi phí gián tiếp cao đến mức nhiều nhà đầu tư phải "giữa đường bỏ chạy". Thêm vào đó là một năng suất bình quân lao động thuộc vào hàng thấp nhất khu vực (thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần) đã không làm nhà đầu tư phấn chấn.
***
Nhìn Myanmar là một đối thủ cạnh tranh thu hút đầu tư để chúng ta hoàn chỉnh hơn nữa các chính sách. Các chuyên gia kinh tế cho rằng Myanmar cũng như các nước mới mở cửa còn phải mất một thời gian đối mặt với các vướng mắc trong quá trình thu hút đồng vốn bên ngoài. Chúng ta có ưu thế là đi trước một bước, nhưng đó không phải là lợi thế cạnh tranh.
Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu vài chục năm nữa Myanmar sẽ trở thành một con rồng châu Á, điều mà chúng ta từng ấp ủ mấy thập niên nhưng cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Xin đừng quên là thời gian không bao giờ chờ đợi chúng ta.
Trần Trọng Thức
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
|