Thứ Tư, 08/02/2012 22:26

Vận hội mới ở Myanmar

Hôm Chủ nhật, 29-1, hàng chục ngàn người dân Myanmar đứng dọc theo con đường dẫn vào thị trấn Dawei, vẫy cờ hoa và hô vang khẩu hiệu để đón tiếp nhà lãnh đạo phong trào dân chủ - bà Aung San Suu Kyi - là một dấu hiệu cho thấy một thời kỳ mới đã bắt đầu.

Bà Suu Kyi, 66 tuổi, được giải Nobel Hòa bình, bị giam giữ và quản thúc tại gia trong 15 năm qua, đã bắt đầu cuộc vận động tranh cử vào Quốc hội Myanmar trong cuộc bầu cử bổ sung sẽ diễn ra vào ngày 1-4 tới với tư cách nhà lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập. Cuộc bầu cử được cộng đồng quốc tế theo dõi sát, coi đây là một phép thử cho thấy Chính phủ Myanmar có thực tâm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước hay không.

Sự kiện bà Suu Kyi được phát biểu công khai ở Dawei - một thị trấn duyên hải cách thành phố Yangon 618 ki lô mét về phía Nam - và những người ủng hộ bà có thể tập hợp thành đám đông hàng vạn người để chào đón bà mà không sợ bị trả thù, tự thân nó đã là một bằng chứng thuyết phục về sự tiến bộ. Chỉ một năm trước đây thôi, khi chính quyền quân nhân còn nắm giữ quyền lực và biểu tình bị cấm đoán, không ai có thể tưởng tượng được một quang cảnh như thế.

Sau gần nửa thế kỷ dưới chế độ quân quản sắt đá, Myanmar đã có một chính phủ dân sự từ tháng 3-2011. Chính phủ mới đã thận trọng tiến hành một công cuộc đổi mới chính trị để đưa đất nước ra khỏi tình trạng cô lập, đã trả tự do cho hàng ngàn tù nhân chính trị, ký thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm sắc tộc, gia tăng tự do báo chí, bãi bỏ chế độ kiểm duyệt và chấp nhận các đảng phái chính trị đối lập.

Những động thái đổi mới đó, tuy còn rụt rè, đã thổi một làn sinh khí mới vào đời sống chính trị của Myanmar và giúp cải thiện quan hệ với các nước trên thế giới.

“Nếu chúng ta đi đúng hướng, đất nước sẽ có nhiều cơ hội. Chúng tôi khao khát nắm lấy các cơ hội ấy”, bà Suu Kyi nói với đám đông ở Dawei, theo hãng tin AFP.

Bà Suu Kyi cũng cho rằng, công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ ở Myanmar đã kéo dài nhiều thập kỷ nhưng giờ đây cách tốt nhất là “chiến đấu từ bên trong Quốc hội”. “Chúng ta sẽ mang dân chủ về cho đất nước. Chúng ta sẽ mang lại nhà nước pháp quyền và chúng ta sẽ thấy các luật lệ đàn áp bị hủy bỏ. Dù khó khăn đến đâu, chúng ta có thể vượt qua mọi trở ngại với sự đoàn kết và kiên trì”, từ ban công văn phòng đảng NLD tại Dawei bà Suu Kyi nói với đám đông người ủng hộ bà ở bên dưới.

Trong chương trình chính trị của đảng NLD mà bà Suu Kyi đưa ra trước công chúng hôm Chủ nhật, ưu tiên hàng đầu là sửa đổi hiến pháp do chính quyền quân sự ban hành năm 2008, trong đó quân đội nắm nhiều quyền hành rộng lớn như bổ nhiệm các chức vụ trong nội các, giữ một phần tư số ghế Quốc hội và khi cần có thể ban hành tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, việc hòa giải với các nhóm sắc tộc nổi loạn, nhất là sắc tộc Kachin, tiến tới đoàn kết quốc gia cũng là một ưu tiên của bà Suu Kyi.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn hoài nghi khả năng đấu tranh nghị trường của đảng NLD. Đảng NLD đã tẩy chay cuộc tổng tuyển cử năm 2010 vì cho rằng, nó không công bằng và không trung thực. Sau khi chính phủ dân sự Myanmar khởi động công cuộc đổi mới chính trị, đảng NLD mới quay trở lại chính trường và cuộc bầu cử bổ sung sắp tới là thử thách đầu tiên của đảng. Nhưng cuộc bầu cử lần này chỉ bầu lại 48 đại biểu trong tổng số 440 đại biểu Hạ viện nên cho dù NLD thắng đậm họ vẫn chỉ là thiểu số bé nhỏ trong một quốc hội có đa số là quân nhân và đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền và được quân đội hậu thuẫn.

“Tất cả chúng tôi đều hy vọng vào nền dân chủ nhưng chúng tôi e rằng, những cuộc cải cách có thể bị đảo ngược bất cứ lúc nào”, doanh nhân Ko Ye, 49 tuổi, nhận xét.

Dù sao, những người ủng hộ nói rằng sự hiện diện của bà Suu Kyi và các chính trị gia đối lập trong Quốc hội sẽ đem lại một tiếng nói mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh vì dân chủ ở nơi nhiều thành viên vẫn còn e ngại không muốn bộc lộ chính kiến thật của mình. Lay Lay Myint, một chủ quán tạp hóa 35 tuổi nói rằng tư cách đại biểu Quốc hội sẽ giúp bà Suu Kyi lên tiếng nói để thế giới biết điều gì đang xảy ra ở Myanmar. “Ở đây người dân sống trong lo sợ. Chỉ cần nhìn thấy bà, chúng tôi đã cảm thấy tự tin hơn, dũng cảm hơn”, ông Myint nói.

Cơ hội kinh doanh ở Myanmar

Tiến trình cải cách chính trị và mở cửa xã hội của Myanmar đã đồng thời tạo ra nhiều cơ hội mới cho giới kinh doanh và đầu tư nước ngoài.

Myanmar có tiềm năng to lớn về khoáng sản, dầu khí, gỗ, thủy điện và nông nghiệp, là nước có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Myanmar cũng là cánh cửa mở vào hai thị trường đông dân nhất, Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN năng động. Trong hai thập niên gần đây, chính sách cấm vận của EU và Mỹ đã khiến các tập đoàn đa quốc gia, dù thèm khát, vẫn phải đứng ngoài thị trường này và kinh tế Myanmar không phát triển được, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2010 chỉ đạt 12,4 tỉ đô la Mỹ.

Trong khi đó các tập đoàn Trung Quốc gần như độc quyền kinh doanh tại Myanmar. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, trong năm tài chính 2010-2011 các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư vào Myanmar 14 tỉ đô la Mỹ trong các ngành như khai thác gỗ, đá quý, khoáng sản các loại, xây dựng thủy điện và cơ sở hạ tầng. Các dự án nổi bật của Trung Quốc là xây dựng đường ống dẫn dầu xuyên qua lãnh thổ Myanmar tới tỉnh Vân Nam, một đường ống khác dẫn khí đốt mà Trung Quốc khai thác trên vịnh Adaman của Myanmar, cùng hàng chục dự án thủy điện trên sông Irrawaddy mà điện năng sản xuất ra sẽ được chuyển về Trung Quốc.

Không hy vọng sự cấm vận sẽ được tháo dỡ trong ngày một ngày hai song từ khi Chính phủ Myanmar bắt đầu đổi mới, nhiều tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là từ các nước ASEAN, đã nhắm đến cơ hội đầu tư tại Myanmar, nhất là trong các lĩnh vực dầu khí, du lịch.

Trở ngại lớn nhất cho đầu tư nước ngoài tại Myanmar là cơ sở hạ tầng nghèo nàn, nguồn nhân lực kém cỏi, nhiều mức tỷ giá và nhất là hệ thống pháp lý chưa thuận lợi. Theo yêu cầu của Chính phủ Myanmar, một đoàn chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế đã đến nước này, cố gắng xác lập một tỷ giá thống nhất, gỡ bỏ những hạn chế trong thanh toán và giao dịch quốc tế của nước này.

Tổng thống Myanmar U Thein Sein trong chuyến công du ba ngày đến Singapore đầu tuần này cũng đã ký với Thủ tướng Lý Hiển Long Chương trình Hợp tác kỹ thuật Singapore-Myanmar, theo đó Singapore sẽ giúp Myanmar hiện đại hóa nền kinh tế, mở cửa cho đầu tư nước ngoài, thông qua việc huấn luyện về chính sách xúc tiến đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại, du lịch, cải cách hệ thống tài chính. Một số doanh nghiệp tư nhân của Myanmar cũng sẽ được niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Singapore trong tương lai không xa.

Một số công ty Việt Nam, trong đó có tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG), đã bắt đầu triển khai nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, bất động sản ở Myanmar.

Mỹ đã đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Myanmar, còn EU đã ngưng thi hành việc cấm thị thực nhập cảnh đối với một số quan chức cao cấp nước này. Cả EU và Mỹ đều cho biết, sẽ có thêm những bước tiến trong quan hệ với Myanmar trong những tháng tới nếu cuộc bầu cử bổ sung tháng 4-2012 tỏ ra tự do và công bằng

Thái Bình

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Campuchia thu hút 7.01 tỷ USD vốn đầu tư năm 2011 (08/02/2012)

>   Nhiều cơ hội đầu tư vào Myanmar (02/02/2012)

>   Đầu tư nước ngoài: Trước viễn cảnh cạnh tranh với Myanmar (02/02/2012)

>   Singapore cam kết giúp Myanmar phát triển kinh tế (01/02/2012)

>   Campuchia: CPI tháng 12 tăng 5% (30/01/2012)

>   Kinh tế Campuchia tăng trưởng 6.9% năm 2011 (29/01/2012)

>   Myanmar miễn thuế 8 năm cho doanh nghiệp FDI (29/01/2012)

>   GDP của Myanmar sẽ tăng 6% trong tài khóa 2012 (28/01/2012)

>   EU có thể bỏ trừng phạt Myanmar vào tháng Hai (19/01/2012)

>   Nâng cao hiệu quả giám sát ngân sách: Cách nào? (09/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật