Thứ Sáu, 10/02/2012 14:48

Kinh tế Myanmar: Còn nhiều khó khăn

Chính phủ Myanmar đang nhắm đến việc mở rộng cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay đầu tư trực tiếp và kinh doanh thương mại ở thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn.

Hiện nay 90% hàng công nghiệp và tiêu dùng của Myanmar đều phải nhập khẩu. 

Đầu tư trực tiếp: còn phải thăm dò, thuyết phục

Nhà đầu tư nước ngoài được miễn thuế tám năm thay vì năm năm như trước, được thuê đất trong vòng 50 năm (thay cho 30 năm), không bị hạn chế mức vốn góp tối đa. Doanh nghiệp đầy đủ thủ tục sẽ được cấp phép đầu tư trong vòng hai tuần, thay cho sáu tháng như trước... Hàng loạt những sửa đổi dự kiến trong Luật Đầu tư nước ngoài của Myanmar được đánh giá sẽ là bước ngoặt lớn đối với nền kinh tế Myanmar.

Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đã có khảo sát và chuẩn bị làm ăn ở thị trường giàu tài nguyên và còn ở dạng tiềm năng này. Thông tin từ Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar (AVIM) cho biết, ít nhất trong bốn năm gần đây, đã có hàng chục cuộc thăm dò thị trường chính thức và rất nhiều các cuộc thăm dò thị trường Myanmar riêng lẻ của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề... Nhưng từ cơ hội đến hiện thực kinh doanh vẫn còn là một chặng đường dài.

Lãnh đạo một tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu ở phía Bắc nói với TBKTSG rằng, ông và các cộng sự đã bỏ thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, thăm dò thị trường Myanmar từ bốn năm nay để đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp (thép, xi măng) hay trồng cây công nghiệp. Ông cho biết tiềm năng tiêu thụ tại chỗ của thị trường này rất lớn do 90% hàng công nghiệp và tiêu dùng phải nhập khẩu nhưng kể cả khi Luật Đầu tư nước ngoài được sửa đổi, doanh nghiệp vẫn phải đối diện với hàng loạt các thủ tục rườm rà.

Ngành du lịch đang thiếu khách sạn

Hiện nay tại các thành phố lớn ở Myanmar như Yangon, tình hình thiếu phòng khách sạn từ ba sao trở lên khá phổ biến, đặc biệt là trong mùa cao điểm (từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau). Lượng khách quốc tế đến Myanmar tăng trung bình hơn 20%/năm và hiện đang ở mức thấp (khoảng 330.000 trong năm 2011).

(Nguồn: Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar)

Một lãnh đạo công ty du lịch ở Myanmar cho biết, ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar hiện nay, các cơ quan công quyền bắt đầu làm việc từ 9 giờ sáng và đóng cửa lúc 3 giờ rưỡi chiều, quá ít thời gian để giải quyết công việc. Hiện nay, giấy phép nhập khẩu được cấp cho từng chuyến hàng, hạn ngạch xuất khẩu cũng không dễ và nhất là điều kiện thanh toán còn rất nhiều khó khăn (thanh toán phải qua ngân hàng thứ ba ở Singapore). Trong khi đó, đối với doanh nghiệp, sự chậm trễ đồng nghĩa với chi phí và tiền bạc tăng lên, sẽ phải cân nhắc so sánh với các hình thức kinh doanh, đầu tư ở thị trường khác.

Nếu các doanh nghiệp kiên trì bám trụ thị trường từ buổi đầu để chờ đợi những thành công lớn hơn thì họ cũng phải đối mặt với sự kém phát triển của cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chủ yếu chưa qua đào tạo và hệ thống pháp lý đang trong giai đoạn chỉnh sửa nên không ổn định.

Phải thừa nhận rằng các nhà đầu tư Trung Quốc hiện đang có một vị trí quan trọng hàng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) ở Myanmar. Các công ty Trung Quốc nhắm đến đầu tư lớn ở các lĩnh vực: dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai khoáng, thủy điện và xem thị trường Myanmar như một kênh dẫn tài nguyên và năng lượng về Trung Quốc. Rất nhiều các doanh nghiệp Việt Nam cũng quan tâm đến các lĩnh vực này, tương tự như khi họ bước chân sang thị trường Lào hay Campuchia. Tuy nhiên, việc cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay là một thách thức.

Vị chủ tịch tập đoàn nói trên phân tích, các dự án đầu tư FDI dạng này đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian đầu tư kéo dài do những khó khăn và rủi ro của thị trường. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư trong nước còn khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể đổ vào Myanmar một lượng vốn lớn.

Kinh doanh thương mại: dòng chảy chưa xuôi

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam và Myanmar đã sớm ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (năm 2000), Hiệp định chống đánh thuế hai lần (2000), Hiệp định thương mại (1994) song thực tế cánh cửa vào thị trường 60 triệu dân này vẫn chưa mở.

Thăm dò của Tổng công ty Đạm Phú Mỹ cho thấy nhu cầu tiêu thụ phân bón qua kênh thương mại là rất lớn, khoảng 400.000-500.000 tấn/năm và dự báo tương lai sẽ cần 1 triệu tấn/năm. Nhưng hầu hết số phân bón được nhập khẩu về Myanmar là từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch, con đường chính ngạch vấp phải các rào cản về thủ tục hành chính và giấy phép cho từng chuyến hàng...

Ở ngành kinh doanh thép, số liệu được Thương vụ Việt Nam tại Myanmar công bố năm 2011 cho thấy, các doanh nghiệp thép đã xuất khẩu được vào thị trường này 23 triệu đô la Mỹ. Nhưng vấn đề khiến các doanh nghiệp thép chưa hào hứng với thị trường mới vì muốn là nhà xuất khẩu đưa hàng vào thị trường, họ phải đồng thời là nhà nhập khẩu.

Vấn đề ngoại tệ khó khăn, tỷ giá giữa đồng kyats (đồng tiền của Myanmar) với đô la Mỹ chênh lệch rất lớn giữa thị trường chính thức và tự do. Điều nan giải nữa là các nhà kinh doanh phải thanh toán qua các ngân hàng Singapore hoặc phải áp dụng cơ chế hàng đổi hàng. Đây là hạn chế khá lớn khiến kim ngạch thương mại Việt Nam - Myanmar năm 2011 chỉ dừng ở mức 168 triệu đô la Mỹ.

Ngọc Lan

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   VN đầu tư 631 triệu USD vào Campuchia năm 2011 (09/02/2012)

>   Vận hội mới ở Myanmar (08/02/2012)

>   Campuchia thu hút 7.01 tỷ USD vốn đầu tư năm 2011 (08/02/2012)

>   Nhiều cơ hội đầu tư vào Myanmar (02/02/2012)

>   Đầu tư nước ngoài: Trước viễn cảnh cạnh tranh với Myanmar (02/02/2012)

>   Singapore cam kết giúp Myanmar phát triển kinh tế (01/02/2012)

>   Campuchia: CPI tháng 12 tăng 5% (30/01/2012)

>   Kinh tế Campuchia tăng trưởng 6.9% năm 2011 (29/01/2012)

>   Myanmar miễn thuế 8 năm cho doanh nghiệp FDI (29/01/2012)

>   GDP của Myanmar sẽ tăng 6% trong tài khóa 2012 (28/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật