Năm 2012: Đặc biệt khó khăn với các DN giao thông
Các nguồn vốn ngày càng thiếu hụt, cộng với độ trễ của Nghị quyết 11 của Chính phủ, dự báo năm 2012 sẽ ảnh hưởng lớn hơn đến lĩnh vực đầu tư công nói chung và hạ tầng giao thông nên đây sẽ là năm đặc biệt khó khăn đối với các doanh nghiệp xây lắp giao thông. Ông Cấn Hồng Lai, Tổng giám đốc Cienco 1 đã trao đổi với phóng viên Báo GTVT xung quanh vấn đề này.
PV: 2011 là năm khó khăn với công tác XDCB giao thông, ông dự báo thế nào về những thách thức trong năm 2012 mà Cienco 1 nói riêng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực XDCB giao thông nói chung sẽ phải đối mặt?
Với việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, hàng loạt dự án của ngành GTVT bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không có vốn. Nhiều công trình phải nằm “đắp chiếu” hoặc thi công cầm chừng.
Điều này khiến không ít các doanh nghiệp lao đao, sản lượng sụt giảm và một bộ phận không nhỏ cán bộ, công nhân viên bị mất việc.
Tuy nhiên, sang năm 2012, những khó khăn trên thậm chí sẽ còn lớn hơn bởi nguồn vốn cho XDCB giao thông chưa được cải thiện, các dự án bị đình hoãn, giãn tiến độ vẫn chưa có dấu hiệu được khởi động lại, nội lực của chính các doanh nghiệp cũng suy yếu dần, cộng với độ trễ của Nghị quyết 11 dự báo sẽ có tác động lớn hơn trong năm 2012.
Hầu hết các đơn vị xây lắp đều đã nắm bắt được điều này và đã có những kế hoạch, chiến lược riêng để đối phó và đưa doanh nghiệp qua giai đoạn gian khó.
Mặc dù vậy, chắc chắn tình trạng sụt giảm sản lượng hoặc giải thể doanh nghiệp sẽ diễn ra phổ biến hơn năm 2011, đặc biệt với những đơn vị chuyên về đường.
PV: Với những khó khăn như vậy thì theo ông 2012 có phải là năm thử thách thực sự về nội lực và sức chịu đựng của các doanh nghiệp xây lắp? Đây có thể là cơ hội sàng lọc các nhà thầu xây lắp để loại bỏ bớt các đơn vị yếu kém?
Ông Cấn Hồng Lai:
Rõ ràng 2012 sẽ là thử thách thực sự và là bài toán khó để các doanh nghiệp xây lắp giao thông tìm ra lời giải hiệu quả, đưa doanh nghiệp phát triển. Nhiều năm qua, tình trạng các nhà thầu yếu kém về cả tài chính lẫn năng lực thi công vẫn diễn ra phổ biến.
Các đơn vị này chủ yếu “ăn đong” và sống nhờ vào tạm ứng, vay “nóng” từ các ngân hàng. Với việc các nguồn vốn thiếu hụt, lãi suất tăng cao, dự án ít dần đi thì các doanh nghiệp này sẽ ngày càng có ít đất để sống và bị loại bỏ dần. Sàng lọc là yếu tố tự nhiên, đặc biệt với lĩnh vực đòi hỏi có sự chuyên nghiệp và công nghệ cao như lĩnh vực thi công xây dựng giao thông.
Trong khó khăn cũng là cơ hội để các doanh nghiệp xây lắp tự hoàn thiện mình, tạo dựng thương hiệu và uy tín trên thị trường để khẳng định vị trí của mình, đồng thời tìm kiếm thêm việc làm, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
PV: Là người đứng đầu một tổng công ty lớn của Bộ GTVT trong lĩnh vực xây lắp, ông định hướng thế nào về sự phát triển doanh nghiệp của mình trong 2012 và những năm sắp tới?
Ông Cấn Hồng Lai:
Thời gian qua, riêng Cienco 1 có gần 50 dự án phải tạm dừng với giá trị hợp đồng lên tới 2.612 tỷ đồng. Nhiều dự án thiếu vốn nghiêm trọng, thậm chí không được bố trí đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với đó, tình trạng nợ đọng cao, lỗ lũy kế lớn và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nhà thầu nên công tác thị trường của tổng công ty đối mặt với nhiều thách thức.
Trong điều kiện đó, để lo được việc làm, đời sống cho hơn 8.000 người lao động trong biên chế, thời gian tới Cienco 1 phải đặc biệt coi trọng công tác tạo dựng thương hiệu về thị trường, mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để tăng nguồn thu và lợi nhuận.
Đồng thời, Tổng công ty vẫn sẽ phải tiến hành quản lý rất chặt nguồn tiền ứng và thanh toán của các dự án mà Cienco 1 làm tổng thầu, áp dụng các công nghệ thi công mới, tiên tiến hiện đại vào thi công để tăng năng suất, hiệu quả và khẳng định vị trí, thương hiệu của mình trong lĩnh vực XDCB giao thông.
PV: Xin cảm ơn ông.
Đức Thắng (Thực hiện)
Giao thông vận tải
|